Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Kinh thành Thăng Long – Những năm đầu hưng quốc

Tạp Chí Giáo Dục

Nhà Lý làm vua, nước ta trải qua 215 năm (1010-1225) với 9 đời vua: từ Lý Công Uẩn (1010-1028) đến Lý Chiêu Hoàng (1225). Trong 215 năm này, chỉ có bốn đời vua đầu của triều đại nhà Lý, đất nước ta được hưng thịnh và vẻ vang. Đó là những năm đầu của thời kỳ hưng quốc của giang sơn Đại Việt, kéo dài 117 năm; còn 98 năm sau thì nhà Lý dần dần suy tàn và chấm dứt vào năm 1225.
Địa danh Thăng Long Thành đến hôm nay đã có tròn một nghìn năm lịch sử. Cái tên Thăng Long Thành cao quý và linh thiêng gắn liền với lịch sử dân tộc ta, kể từ triều đại nhà Lý mà khởi đầu là một vị minh quân của đầu thế kỷ XI: Vua Thái Tổ nhà Lý, tức là Lý Công Uẩn.
Lý Công Uẩn là người làng Cổ Pháp, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, là con nuôi nhà sư Lý Khánh Vân từ năm lên 3 tuổi. Lớn lên, Công Uẩn vào kinh đô Hoa Lư làm quan với nhà Tiền Lê. Do thông minh và tài trí nên làm đến chức Tả thân vệ Điện Tiền Chỉ huy sứ (tức là chức quan trông coi việc binh bị của triều đình). Khi vua Ngọa triều Lê Long Đĩnh mất, chính sự nhà Tiền Lê khi đó đã cực kỳ suy vi, không được lòng dân tin cậy. Đình thần, trong đó có vị quan Đào Cam Mộc và nhà sư Vạn Hạnh tôn Lý Công Uẩn lên làm vua, tức là Vua Thái Tổ nhà Lý (1010-1028).
Thái Tổ thấy đất Hoa Lư chật hẹp, không thể mở mang thành nơi đô hội, liền quyết định dời đô về Đại La Thành (là thủ đô Hà Nội ngày nay).
Tương truyền rằng, khi ra đến Đại La Thành thì thấy có rồng vàng bay lên, nhà vua cho đó là điềm tốt, liền đổi tên Đại La Thành ra Thăng Long Thành. Cái tên Thăng Long Thành có từ thời đó (tháng 8-1010). Lý Thái Tổ khởi công xây dựng Thăng Long Thành thành một kinh thành kiên cố, tráng lệ, có tường cao, hào sâu với bốn cửa Đông, Tây, Nam, Bắc ở bốn phía. Nhà vua lo sửa sang mọi việc trong nước, do có tài trị nước, thời Vua Lý Thái Tổ được thái bình thịnh vượng; việc đối nội, đối ngoại cũng đều ổn định.
Sau khi Vua Lý Thái Tổ qua đời (1010-1028), các vua nối nghiệp như Lý Thái Tông (1028-1054), Lý Thánh Tông (1054-1072), Lý Nhân Tông (1072-1127) cũng đều là những vị vua tài đức, trong thì lo việc yên dân, thương dân; ngoài thì lo việc đối phó với ngoại bang ở cả phương Bắc và phương Nam. Các quan có nhiều người tài giỏi như Thái sư Lý Đạo Thành hết lòng lo việc nước: trong thì lo sửa sang việc chính trị, ngoài thì lo việc đánh nhà Tống, phá quân Chiêm, làm cho đất nước được yên bình. Khi nhà Tống có ý đồ xâm lược nước ta thì các vị tướng tài của ta như, Lý Thường Kiệt, Tông Đản đem quân sang đánh và chiến Châu Khâm, Châm Liêm và Châu Ung của nước Tàu, gây cho chúng đại bại, rồi sau, ta rút quân về.
Năm 1069, vua Lý Thánh Tông lập Văn Miếu, đúc tượng Chu Công, Khổng Tử và 72 tiên hiền của đạo Nho để thờ phụng. Việc văn học được chú trọng. Năm 1075, mở khoa thi Tam trường (đó là khoa thi đầu tiên ở nước ta) để chọn người có học ra làm quan. Năm sau (1076), Vua Lý Nhân Tông lập Quốc Tử Giám (trường đại học đầu tiên ở nước ta), chọn những người có tài văn học vào giảng dạy. Năm 1086, nhà vua lại mở khoa thi Hàn Lâm để chọn người có tài vào Hàn Lâm Viện và được bổ làm Hàn Lâm Học sĩ. Đó là thời kỳ vẻ vang của lịch sử Đại Việt với 4 đời vua của đầu triều đại nhà Lý (Thái Tổ, Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông), những vị minh quân có tài, có đức, đã mở mang mọi việc trong nước được thịnh vượng, giữ vững được nền độc lập của tổ quốc và làm rạng rỡ non sông Đại Việt trong khoảng 120 năm (chính thức là từ 1010 đến 1127) mở đầu cho thời đại Thăng Long hưng thịnh của nhân dân ta. Để kết luận, xin có mấy câu cảm hứng: “Ta nhớ Thăng Long, có rồng bay/ Hồn thiêng sông núi hiện ban ngày/ Hanh thông vận nước thêm hưng thịnh/ Trăm họ dài lâu hưởng phúc này”.
Nhà giáo Nguyễn Xuân Tư
Trong khi chúng ta còn đang từng bước dò dẫm tìm kênh tiếp thị cho sách thì buổi giao lưu, làm “gần” hơn mối quan hệ giữa tác giả, tác phẩm và bạn đọc nói trên sẽ là những bài học cần được tiếp thu mới mong thay đổi được sinh khí thị trường sách cũng như nâng tầm văn hóa đọc!
 

Bình luận (0)