Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Nhìn lại mười ngày đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội: Còn thiếu văn hóa đô thị

Tạp Chí Giáo Dục

“Lễ hội rồi cũng qua đi, cái còn lại là con người với văn hóa và không gian sống của họ” – đó là nhận định của nhà sử học, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc khi trao đổi với Tuổi Trẻ sau chương trình đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.

 

Nam thanh nữ tú tranh nhau trèo tường vào Văn Miếu – Quốc Tử Giám xem đại lễ – Ảnh: Thân Hoàng

* Thưa ông, mười ngày đại lễ đã chính thức khép lại, ông hài lòng với những gì đã diễn ra?

– Thật ra rất khó nói thế nào là hài lòng, vì mong ước của bản thân mình và nhiều người dân thì còn muốn hơn nữa, nhất là phải nói theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng rằng đây là mốc thời gian nghìn năm có một. Nhưng cái mà bản thân tôi, dưới góc độ người làm sử, hài lòng nhất là cơ hội để chúng ta nhìn lại 1.000 năm qua và cái đáng biểu dương nhất là tinh thần tự chủ của dân tộc.

Đây là cơ hội để đông đảo người dân, nhất là thế hệ trẻ, hiểu được ý nghĩa của nó. Hà Nội không chỉ là thành phố 1.000 tuổi mà ở đó chứa đựng nội dung rất to lớn, đó là một dân tộc giữ được sự tự chủ suốt 1.000 năm sau hơn 1.000 năm chúng ta bị phương bắc đô hộ.

* Với những sự kiện đã diễn ra, người trẻ tuổi có thể cảm nhận được những giá trị của lịch sử dân tộc mình không? Ông có tiếc nuối gì không?

– Tôi nghĩ rằng tất cả các lực lượng, nhất là lực lượng văn hóa của chúng ta, đã ra quân trong các chương trình mừng đại lễ, còn nó có đạt được như mong muốn không thì mỗi người có đánh giá khác nhau. Nhưng thông qua các chương trình đó, bằng ngôn ngữ nghệ thuật, khoa học… đã tạo ra được mối quan tâm chung. Và qua đó, ít nhất mọi người nhận ra giá trị lịch sử mà thế hệ này đang được hưởng thụ.

Điều tôi còn thấy tiếc nuối nhất là mặc dù chúng ta đã có ý tưởng nhưng đến nay vẫn chưa xây dựng được Đài độc lập – một biểu trưng đáng phải có của chúng ta.

* Theo ghi nhận, từ đêm 9-10 đã có rất nhiều người dân từ xa đến Hà Nội, sẵn sàng ngủ vạ vật ngoài đường chờ sáng hôm sau xem đoàn diễu binh, diễu hành đi qua. Sáng sớm 10-10, hàng đoàn sinh viên từ các trường đại học lũ lượt kéo đến khu vực gần hồ Tây – hồ Gươm thành cảnh tượng rất đông đúc, thậm chí đến ngột ngạt… Ông bình luận gì về cảnh tượng này?

– Tôi nghĩ nó ở khía cạnh tổ chức. Lâu lắm rồi chúng ta không tổ chức một lễ hội kiểu thế này khiến tập quán tốt bị phai nhạt đi. Tôi nhớ khi còn bé thì cứ ngày 2-9 là có diễu binh, duyệt binh nên người dân theo nếp đến ngày đó là họ biết đến chỗ nào, ngồi chỗ nào, có bộ phận giữ gìn trật tự rất tốt. Rõ ràng nhìn vào cảnh tượng ngày 10-10 thì thấy khâu tổ chức chưa tốt, không lường trước được người dân đến đông đúc như vậy nên có tình trạng quá tải. Tôi được biết ở khu vực Mỹ Đình vì đông người quá, nhiều đoàn khách đã không vào sân vận động dự lễ được.

* Sau đêm 10-10, chúng ta phải chứng kiến một cảnh tượng hoang tàn ở khu vực Mỹ Đình với rác rưởi ném đầy đường, cây cỏ bị giẫm đạp ngổn ngang…

– Đây chính là vấn đề quan trọng nhất mà chúng ta cần bàn. Đúng là các chương trình hoành tráng, các công trình nguy nga cũng có giá trị, nhưng cái tạo ra cốt cách của Hà Nội phải là văn hóa người Hà Nội. Nhưng qua những hình ảnh như vậy, cái mà tôi thấy thiếu nhất là văn hóa đô thị. Từ việc chúng ta chưa có bộ máy hành chính quản lý đô thị chuyên nghiệp, hiệu quả đến việc chưa quan tâm giáo dục nếp sống, văn hóa đô thị, đó là vấn đề yếu kém nhất.

Hơn nữa chúng ta cần thấy ở thời điểm Hà Nội mở rộng thì cái tập quán nông thôn ảnh hưởng rất nặng nề và Hà Nội đứng trước nguy cơ nông thôn hóa thành thị. Rõ ràng chúng ta không coi thường văn hóa nông thôn nhưng khi văn hóa nông thôn bị phá vỡ không gian của nó rồi thì nó sẽ bộc lộ những nhược điểm của mình ngay tại cái vỏ đô thị mà nó vừa được khoác vào. Đây là điều đáng lo lắng nhất, bởi vì lễ hội rồi cũng qua đi, cái còn lại là con người với văn hóa và không gian sống của họ.

* Để xây dựng một thủ đô đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, có phải cái cần tu bổ nhất là văn hóa?

– Đúng như vậy. Nói thẳng ra rằng cái chúng ta đang thiếu là văn hóa đô thị. Khi ta nói Hà Nội 1.000 năm thì truyền thống đó rất vẻ vang, nhưng khi chúng ta nói đến đô thị Hà Nội thì lịch sử mới chỉ hơn 100 năm từ khi người Pháp đặt chân đến đây. Trong hơn 100 năm đó cũng bao lần thăng trầm, biến đổi và nguy cơ nông thôn hóa đô thị vẫn đang là một biểu hiện mà chúng ta cần phải thay đổi để không còn cảnh tượng như vừa đề cập nữa.

LÊ KIÊN (Theo TTO)

 

Bình luận (0)