Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

“Nhà nhiếp ảnh của trẻ thơ” đã yên nghỉ…

Tạp Chí Giáo Dục

 

Một tác phẩm của nhiếp ảnh gia Lê Thị Phước

Nhận được tin nhắn của nhà văn Đoàn Thạch Biền: “Nhiếp ảnh Lê Thị Phước đã qua đời”, tôi lặng người rất lâu dù sự ra đi của chị đã được dự đoán trước. Hôm tôi đến thăm, dù rất mệt nhưng nụ cười thật tươi của chị vẫn nở trên môi – chính nụ cười này đã “thu phục” không biết bao em thiếu nhi để chị dễ dàng thu gọn hình ảnh của các em vào ống kính của mình. Chị ra đi ở tuổi 62, với hơn 20 năm hành nghề nhiếp ảnh và 6 năm chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác. Tất cả những bức ảnh của chị đều tạo được dấu ấn riêng. Không chọn phong cảnh làm cảm hứng sáng tác cũng như để tham dự các cuộc thi lớn, chị lặng lẽ, cần mẫn và trung thành, tìm đến với thế giới trẻ thơ. Ảnh trẻ thơ của chị không gượng ép mà sống động. Lúc thì ngây ngô, thơ dại; lúc lại liến thoắng, thông minh… Ảnh của chị có mặt hầu hết các báo lớn nhỏ từ trung ương đến địa phương, tôi quen với chị cũng từ nghề báo, hồi chị là cộng tác viên thường xuyên của Tạp chí Giáo dục – Sáng tạo (nay là Báo Giáo Dục TP.HCM). Chị hay nói với tôi: “Một ánh mắt, một nụ cười, nhiều khi người ta không thể nào nắm bắt được nó, ôm ấp nó, vuốt ve nó, cách nào đó chiếm đoạt nó, người ta chỉ có thể ghi lại nó và ghi lại bằng tất cả tình yêu của mình. Nhiếp ảnh trở thành nghệ thuật đích thực thì tấm ảnh không chỉ là tấm ảnh, một hình ảnh vô tri bất động, một món đồ ngủ yên trong cuộc sống và ký ức về cuộc sống. Nó chính là sự sống đang lên tiếng, không ngừng lên tiếng, nó là hơi thở, nhịp đập của trái tim, mong manh nhưng vô tận, bởi nó là dấu vết còn lại khi thời gian và cuộc sống qua đi…”. Chị ra đi để lại kho lưu trữ trên 5.000 cuốn phim chụp về trẻ em với đủ thể loại: chân dung, sinh hoạt nghiêm túc, quậy, tinh nghịch, đứng, ngồi, chạy, nằm, ăn, tắm, cười, khóc… Nhiếp ảnh gia Bạch Thu Hiền đồng cảm: “Chị Phước có phong cách chụp hình giản dị, chân phương ở kỹ thuật tạo hình, nhưng biết tận dụng hiệu quả của ánh sáng cùng màu sắc nhẹ nhàng, đằm thắm, khiến thế giới tuổi thơ qua ống kính của chị trở nên lung linh, trong sáng và hồn nhiên”.
Vĩnh biệt một tài năng. Vĩnh biệt một người chị thân thương…
KHÔI NGUYÊN
Năm 1994, Lê Thị Phước đạt kỷ lục với 140 ảnh trẻ em in lịch các cỡ, treo tường đến bỏ túi; năm 1998: Triển lãm Tuổi Ngọc- đánh dấu 10 năm cầm máy và chụp ảnh thiếu nhi do Fujifilm tài trợ; 2001: Triển lãm giới thiệu 72 bức tranh của 72 tác giả thiếu nhi thể hiện những đề tài phong phú của tuổi thơ hôm nay.

 

Bình luận (0)