Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Nghệ thuật “kinh điển” của Việt Nam: Bài 2: Bộ phim truyện đầu tiên của điện ảnh Việt Nam

Tạp Chí Giáo Dục

Cảnh trong vở Kim Vân Kiều của Nhà hát Trần Hữu Trang. Ảnh: S.M

Kim Vân Kiều là bộ phim truyện đầu tiên được sản xuất ở Việt Nam do ông E.A.Famechon (Pháp) hợp tác với ông Nguyễn Văn Vĩnh thực hiện. Các nhân vật trong phim do diễn viên Nhà hát Quảng Lạc sắm vai. Đây được coi là bộ phim tư liệu điện ảnh đầu tiên về Đông Dương.
Kiệt tác của Nguyễn Du lần đầu lên phim
Ngày 10-8-1920, tại trung tâm Hà Nội, bên bờ hồ Hoàn Kiếm, đã khai trương rạp chiếu bóng đầu tiên ở Việt Nam: Pathé Frères (Anh em Pathé). Năm 1921, lại mở cửa phòng chiếu thứ hai Le Tonkinois (Người Bắc Kỳ). Rạp đầu tiên chủ yếu là nhằm đáp ứng yêu cầu giải trí của các quan chức và kiều dân Pháp. Rạp thứ hai là để thỏa mãn những khao khát của giới trí thức, thanh niên thành thị người Việt đối với môn nghệ thuật thứ bảy mới mẻ. Rạp hát dành cho người Việt tất nhiên sẽ có nhu cầu khao khát xem phim nói tiếng Việt nên bộ phim Kim Vân Kiều ra đời. Đây là sáng kiến của một người mang quốc tịch Pháp, có lên là E.A. Famechon, đồng thời có sự cộng tác của một người Việt được ghi tên là Mr Vĩnh (Nguyễn Văn Vĩnh), Công ty Thương mại Indochine Films et Cinémas (ICF) thực hiện. Thi phẩm kiệt tác của đại thi hào Nguyễn Du lần đầu tiên được E.A. Famechon chuyển thể thành kịch bản điện ảnh không có sự thay đổi biến dạng đáng kể nào trong các tình tiết, chi tiết. Các diễn viên của Rạp hát Quảng Lạc sắm vai những nhân vật trong truyện: cô Tiên trong vai Thúy Kiều, cô Cương trong vai Thúy Vân, cô Đính trong vai Hoạn Thư, bà Tám Long trong vai Đạm Tiên, bà Ba Nhang trong vai sư cô Giác Duyên, bà Giáo trong vai Tú Bà, bà Chín Sâm trong vai Vương Bà, anh Hoàn trong vai Kim Trọng, ông Tám Ngân trong vai Thúc Sinh, ông Năm Xế trong vai Vương Ông, ông Hai Giò trong vai Thúc Ông, ông Lộ trong vai ông Phủ, ông Sáu Phú trong vai Từ Hải, ông Cương trong vai Mã Giám Sinh… đã góp phần làm sống lại Truyện Kiều trên màn ảnh. Tất cả phần ngoại cảnh trong phim được quay ở các vùng phụ cận của Hà Nội: dinh Từ Hảilà sân chùa Láng, nơi Kiều viếng mộ Đạm Tiên là nghĩa trang Yên Thái. Phim được công chiếu vào ngày 14 tháng 3năm1924 tại nhà Cinéma Palace phố Tràng Tiền. Khi bộ phim được chiếu ở Hà Nội, khán giả xôn xao bởi bộ phim vô cùng hấp dẫn, mang lại vinh dự cho các nhà đạo diễn, các diễn viên và cho cả những nhà kỹ thuật quay phim. Nhiều người cho rằng bộ phim truyện này đã bắc cầu cho công chúng Pháp đến với tác phẩm văn chương Việt Nam, làm toại ý người xem và sự thành công của nó là chắc chắn.
Sự ngợi khen của báo chí và các nhà bình luận
Báo Indépendance Tonki-noise (Bắc Kỳ Độc Lập) viết: “Nếu như ở góc độ thuần túy Việt Nam, sự trình diễn trên màn ảnh làm mất mát từ tiểu thuyết một phần khá lớn cái chất văn chương và chất thơ tạo nên cái đẹp của nguyên tác, thì đối với đầu óc phương Tây, Thúy Kiều được đưa lên màn ảnh đã thay chất thơ bằng những hành động sống, và chúng ta phải thừa nhận rằng, theo góc độ này, mục đích nhắm tới đã đạt được”. Báo L’Opinion (Dư Luận) nhận xét: “Với phim truyện Kim Vân Kiều, chúng ta chứng kiến một sự kiện nghệ thuật mà tầm quan trọng thật khó đong đo trong lịch sử nghệ thuật điện ảnh. Nghệ thuật phương Tây và nghệ thuật châu Á vừa đánh dấu sự gặp gỡ nhau trong phim này”. Còn Báo Trung Bắc Tân Văn thì: “Đây là lần thứ nhất mới có một bản chớp bóng (chiếu phim – PV) dùng một sự tích An Nam, dùng con hát An Nam đóng, lấy những nơi thắng cảnh tự nhiên của An Nam làm cảnh trí. Cái nghề chớp bóng xưa nay người An Nam chúng ta chưa từng biết, vậy mà lần này họ đã làm được…”.
Và từ góc độ văn hóa lịch sử, các nhà bình luận đã đánh giá: “Mối quan tâm gìn giữ tính chính xác trong các chi tiết của cốt truyện, sự cố gắng trung thành với chân lý nghệ thuật, đã làm cho cuốn phim trở thành tư liệu điện ảnh đầu tiên mà chúng ta có về Đông Dương”. Sáu tháng sau, bộ phim được đưa vào trình chiếu ở Sài Gòn. Cũng nhận được nhiều ý kiến phê bình khá sôi nổi. Đông Pháp Thời Báo ngày 24 tháng 9 năm 1924: “Tối hôm 19 tháng 9 vừa rồi, nhà chớp bóng Casino bắt đầu chớp bản Kim Vân Kiều mà sở Indochine Film đã có công luyện tập từ năm ngoái tại Hà Nội. Hôm đó khán giả đi coi rất đông, các ghế đều chật như nêm khiến cho bao nhiêu người đến chậm phải chen chúc nhau đứng mà coi… Trong bản chớp bóng có ba nhân vật quan trọng là Kim -Vân-Kiều, chỉ có vai nàng Kiều là hình dung đặng (được – PV) đôi chút cái diện mạo tư dung của Kiều. Song, tiếc cho vai chàng Kim chẳng khác chi một anh “ngốc”, diện mạo đã chẳng ra chi mà đến thái độ cũng chẳng ra gì. Trong bản chớp bóng, ký giả chỉ xin phục riêng có vai đóng Hoạn Thư là tài tình, dáng dấp đã khéo, mà cử động lại thần tình… thiệt không những hình dung đặng Hoạn Thư mà cái thái độ có thể in như các nhân vật đóng ở các bản chớp bóng bên Tây… Còn vai Từ Hải chỉ mới rõ ra mặt một “thầy đội” chứ không có cái vẻ chi là nhà đại tướng”.
Tâm Lê
Bài cuối: Thời rực rỡ nhất của sân khấu cải lương

Mặc dù được coi là bộ phim tư liệu điện ảnh đầu tiên về Đông Dương nhưng đáng tiếc, trong kho bảo quản của Viện Lưu trữ quốc gia không còn bản gốc của bộ phim được coi là “cổ” nhất này.

 

Bình luận (0)