Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Lễ hội vinh danh trẻ chăn trâu

Tạp Chí Giáo Dục

 

Lễ rước Mục đồng

Sau 75 năm bị lãng quên, cuối tháng 11 vừa qua, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Đà Nẵng đã phối hợp với UBND xã Hòa Châu (Hòa Vang) và Hội đồng Chư phái tộc làng Phong Lệ tiến hành phục dựng “Lễ hội Mục đồng”, vinh danh trẻ chăn trâu. Đây là một lễ hội dân gian truyền thống, mang đậm bản sắc riêng của một miền quê.
Tích xưa hồn Việt
Theo các bậc cao niên làng Phong Lệ, thuở trước, theo lệ cứ đến các năm Tý, Ngọ, Mẹo, Dậu (cách 3 năm) làng lại tổ chức lễ rước Mục đồng một lần. Sau do chiến tranh loạn lạc, thời gian này giãn dần ra thành sáu năm, rồi cuối cùng 12 năm mới tổ chức một lần. Lần cuối cùng được ghi nhận là vào niên hiệu Bảo Đại thứ 11 (1936). Làng Phong Lệ xưa có một bãi đất choãi ra phía sau làng gọi là cồn cỏ. Đây là nơi dùng cho dân làng thả gia súc, gia cầm mỗi trưa hè nắng nóng. Một hôm, có một lão nông lùa đàn vịt lên cồn nghỉ ngơi thì chân bầy vịt bỗng dính chặt xuống đất như có ai đó kéo chúng xuống. Từ hôm ấy, người dân trong làng tin rằng cồn cỏ có thần linh giáng hạ nên chẳng ai dám bén mảng đến nơi đó. Từ đó, cồn cỏ được bà con dân làng đặt tên là cồn Thần.
Đến một ngày, có đàn trâu trong làng chạy lạc đến cồn, đám trẻ chăn trâu đến tìm nhưng không hề gì cả. Từ đó, cồn Thần chỉ có trẻ chăn trâu đến chơi đùa. Cồn này về sau được gọi là xóm Đồng, làm nơi tụ tập của các mục đồng trong làng. Câu chuyện lạ lùng ấy, sau nhiều thế hệ dần dần hình thành một lễ hội dành riêng cho các trẻ chăn trâu, gọi là lễ rước Mục đồng. Trong lễ, mục đồng là đối tượng được ưu ái dành cho sự cung kính. Lễ vật xôi gà được bày trên chiếu hoa trải khắp ba gian đình, ai nấy đều tin rằng lòng thành của mình được thần Mục chứng giám, và nhờ thánh thần phù hộ mà đồng ruộng sẽ tốt tươi, vụ mùa bội thu.
Làng quê man mác sáo diều
Trong tâm thức của mỗi người dân Phong Lệ, hình ảnh con trâu no cỏ chở những đứa trẻ vắt vẻo trên lưng về sau lũy tre làng mỗi buổi hoàng hôn đã trở thành mạch nguồn cuộc sống. Được thời gian bền bỉ bồi đắp thành dấu ấn cội nguồn, dấu ấn tâm linh và làm nên bản sắc văn hóa của một vùng đất.
Dẫu đã có thời gian dài bị chìm vào quên lãng nhưng Lễ hội Mục đồng năm nay vẫn tấp nập du khách thập phương. Trong nhịp trống giục giã, nườm nượp người dân làng lũ lượt kéo về tề tựu trong sân đình. Ông Trùm Mục – người cai quản các mục đồng, lễ phục tươm tất trịnh trọng tiến vào hậu tẩm khấn vái rồi cung thỉnh bài vị Thần Nông đặt vào kiệu. Đoàn mục đồng gồm 60 em nhỏ trong làng với áo vá, roi tre, cùng bà con làng Phong Lệ (xã Hòa Châu) đi rước Mục đồng.
Mỗi nhà có trâu đều sắm sửa lễ vật gồm mâm xôi, hoa quả và một con gà hoặc một đầu heo để đội theo đám rước. Dân làng đi sau cùng. Nổi bật hơn hẳn giữa đoàn người rồng rắn là kiệu rước, uy nghi, trang trọng tiến về hướng cồn Thần.
Đến cồn Thần, kiệu Thần được đặt vào chỗ trang trọng nhất. Trùm Mục thay mặt cho giới mục đồng trong làng đứng ra làm lễ triệu thỉnh Thần Nông. Sau khi khấn vái, Trùm Mục đưa tay ra hiệu thần đã giáng hạ. Chiêng trống rồi nhã nhạc thi nhau nổi lên tưng bừng. Trùm Mục dõng dạc xướng: “Chúng mục đồng làng Phong Lệ ta rước Thần Nông về làng Phong Lệ! Mừng cho lúa tốt”. Dứt lời, 60 em nhỏ cầm cờ theo sau Trùm Mục lúp xúp chạy quanh cồn. Sau đó, các mục đồng tham gia trò chơi dân gian: kéo co, rồng rắn lên mây, thả diều… Cuối cùng, tất cả chỉnh đốn hàng ngũ rước Thần về đình làng. Đoàn rước bài vị Thần được đặt lên bàn thờ chính đình. Lễ phẩm lần lượt được bày khắp ba gian đình. 60 mục đồng đứng ra trực tiếp làm lễ tế. Các chức sắc trong làng nghiêm trang đứng thành hai hàng chứng kiến buổi lễ.
Chia sẻ niềm phấn khởi với chúng tôi, lão nông Nguyễn Hấn (hơn 84 tuổi), một trong số rất ít người còn sống từng tham gia Lễ rước Mục đồng cuối cùng vào năm 1936 cho biết, vùng đất này chuyên nông nghiệp, nên hình ảnh con trâu rất được xem trọng. Lễ rước Mục đồng khẳng định vị trí quan trọng của người nông dân lam lũ và trẻ em chăn trâu với ước mơ xóa bỏ sự phân biệt giai cấp trong xã hội phong kiến đương thời. “Sống đến ngần này, lão mãn nguyện vì sau gần cả đời người, lão được chứng kiến lại lễ hội của cha ông, vui lắm!”.
Bài, ảnh: Vĩnh Yên
Cùng với nhịp sống đô thị hóa, bóng trâu dần vắng trên những cánh đồng. Thế hệ trẻ hôm nay không mấy mặn mà với mỹ tục xưa của cha ông. Thiết nghĩ, việc tái hiện lễ hội là điều cần thiết và hơn thế chúng ta cần phải duy trì lễ hội có một không hai này.

 

Bình luận (0)