Danh thủ người Pháp vừa tham gia trận đấu gây quỹ từ thiện tại Morocco trong vai trò đại sứ thiện chí chống đói nghèo của Liên hiệp quốc. Zidane luôn rất tích cực tham gia các hoạt động như thế vì chính anh đã trải qua tuổi thơ khốn khó và nghèo đói.
Không nghề nghiệp, ông Smail đành nhận chân bảo vệ kho hàng hóa. Giờ làm việc của ông thường là buổi tối. Không có bố Smail ở nhà vào ban đêm, Zidane sợ lắm. Anh thường gặp ác mộng. Ông Smael đau lòng, nhưng cũng đành chịu vì không lao động thì làm sao nuôi gia đình. Dần dần mọi thứ cũng quen dần. Zidane học cách đương đầu với khó khăn từ bài học vỡ lòng là chống chọi với nỗi sợ hãi từ cơn ác mộng. Zidane rất yêu bố: “Ông là một người tuyệt vời, là hình mẫu của một người đàn ông lý tưởng mà tôi luôn phấn đấu noi theo. Ông cũng đã dạy tôi rằng nếu là một người nhập cư, tôi phải lao động gấp hai người bình thường mới có cơ hội sinh tồn. Một điều quan trọng khác: không bao giờ được bỏ cuộc, dù chỉ là trong tư tưởng, ở bất kỳ hoàn cảnh nào”.
Zidane không nói nhiều, nhưng anh lẳng lặng dùng hành động để bảo vệ hình ảnh của La Castellance và nguồn gốc của ông bố Smail. Ông rất hài lòng về con mình: “Nó là một chàng trai rụt rè nhưng mạnh mẽ, một niềm tự hào của La Castellance”.
Ở trận giao hữu Pháp – Algeria vài năm trước, trọng tài đã phải dừng trận đấu ở hiệp hai vì những người quậy phá trên khán đài. Chính Zidane phải lên tiếng kêu gọi mọi người cần phải bình tĩnh. Một lần nữa Zidane lại chứng tỏ tính cách vô cùng mạnh mẽ của một người dân La Castellance: vẫn quyết định tham dự trận đấu dù nhận được thư nặc danh đe doạ tính mạng trước giờ bóng lăn.
Nhờ có Zidane, La Castellance được tôn trọng hơn thay vì bị khinh miệt là “khu vực của những kẻ cùng đinh trong xã hội Pháp”. Zidane tự hào về điều này, thậm chí còn nhận chức Chủ tịch danh dự suốt đời của Nouvelle Vague, đội bóng địa phương tại La Castellance do anh trai Farid, làm chủ tịch. Zidane tâm sự: “Tôi không bao giờ chối bỏ nguồn gốc của mình. Cuộc sống gia đình tôi từng rất khó khăn, có thể nói là chẳng có gì cả. Vì vậy, tôi không bao giờ khinh thường nguồn gốc của người khác”.
Giả Sơn (theo ngoisao)
Bình luận (0)