Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Nhà văn nữ thế hệ 7X: Bài 2: Nhà văn Trang Hạ: “Tôi đã không còn quyền… cô đơn!”

Tạp Chí Giáo Dục

Nhà văn Trang Hạ và “thiên thần” của chị

Gắn bó với nghiệp cầm bút từ thời học trò đến nay. Tên tuổi của Trang Hạ ngày càng “nóng sốt” trên thị trường văn học. Năm 2010, chị tiếp tục thành công với việc ra mắt tiểu thuyết đầu tay Chuyện kể dưới ngọn đèn đường, tập tản văn Đàn bà ba mươi và vở kịch nói đầu tay khá đình đám Xin lỗi, em chỉ là… đồng thời trở thành bà mẹ của các con kháu khỉnh.
Khả năng viết “phi thường”
Nhà văn Trang Hạ nổi tiếng với dòng văn học chuyên viết về những người phụ nữ độc lập về quan điểm và nhận thức, tiến bộ và hiểu biết khi chị luôn đưa ra những định nghĩa mới về đàn bà ba mươi, “single-mom” hay các khái niệm về hạnh phúc, hôn nhân… Chị đã tạo nên một làn sóng mới trong văn học nữ quyền và được mọi người đón nhận. Mới đây, tác phẩm đình đám Xin lỗi, em chỉ là con đĩ do Trang Hạ dịch được chuyển thể thành vở kịch bạc tỷ Xin lỗi, em chỉ là… tạo được hiệu ứng với khán giả… Tuy nhiên, để có được ngày hôm nay, hầu như chị không bao giờ kể về những năm tháng đã trải qua như làm công nhân, rửa bát bưng bê trong quán ăn của một ca sĩ nổi tiếng hay đi bán lẻ từng tờ báo Phụ Nữ TP.HCM tại Đài Loan.
Sinh ra trong một gia đình nghèo, những năm tháng trung học, Trang Hạ từng phải mặc duy nhất một bộ đồ đến lớp. Chặng đường học tập của chị cũng gian nan, nhiều lần phải nghỉ ngang để kiếm tiền nuôi bản thân và cả gia đình. Những trang viết của Trang Hạ ít nhiều phản ánh những gì chị từng làm, từng sống, khiến tác phẩm vì thế ngày càng chân thật hơn. Vốn mê văn chương từ nhỏ nhưng Trang Hạ không được mẹ chấp thuận. Chị nhiều lần bị mẹ đánh bởi tội làm thơ. Mẹ chị là một phụ nữ nghèo. Bà không thích Trang Hạ đến với văn chương bởi cho rằng đó là một nghề đa đoan, cơ cực. Bà cho rằng phụ nữ phải êm ấm nhàn tản mới hạnh phúc, phụ nữ mà lên rừng xuống biển, liều lĩnh bạt mạng thì là tai họa chứ chẳng hay ho gì. Người mẹ ấy cũng chưa một lần khen con gái viết văn hay. Thế nhưng, từ nhuận bút của bài tản văn đầu tiên cho đến những giải thưởng văn học Trang Hạ đạt được, bà âm thầm cất kỹ trong chiếc hộp như một khoản tiền riêng. Sau 4 năm gìn giữ cẩn thận, bà dùng số tiền này để mua hóa giá một căn nhà tập thể cho gia đình và sắm riêng cho Trang Hạ chiếc xe gắn máy. Khi đó Trang Hạ vừa tròn tuổi 20, với chị đó là một thành quả lý tưởng dù rằng chị viết văn, chỉ vì muốn viết chứ không để kiếm tiền.
Là một blogger nổi tiếng, một nhà văn và là một tác giả chuyên dịch truyện Trung Quốc, Đài Loan sang tiếng Việt, Trang Hạ còn “thổi” vào văn học trong nước luồng gió mới khi chị là người tiên phong, cổ vũ cho xu hướng văn học mạng. Trang Hạ cho biết chị viết rất nhanh, từng hoàn thành một kịch bản 60 trang A4 chỉ trong một ngày rưỡi, tiểu thuyết Chuyện kể dưới ngọn đèn đường mới đây viết trong khoảng 7 ngày. Thậm chí bài tản văn nghìn chữ được chị hoàn thành chỉ trong thời gian một tách cà phê ở một góc quán nào đó. Nhưng theo chị: “Viết nhanh là bởi tôi đã đọc rất nhiều và nghiền ngẫm từ nhiều năm trước, là kết quả của hàng nghìn ngày tôi sống và đọc trước đó”.
Giỏi việc viết, đảm việc nhà
Tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Trung Quốc Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội năm 1996, Trang Hạ về làm biên tập Báo Hoa Học Trò và cộng tác cho nhiều báo khác. Sau đó, chị chọn con đường đi du học tại Đài Loan, mạnh dạn làm phóng viên báo điện tử của Bộ Kinh tế Đài Loan… nhưng tác phẩm của Trang Hạ chưa bao giờ ngưng xuất hiện trong nước.
Hiện tại, đang làm mẹ, Trang Hạ tự nhận mình… thất nghiệp khi không chính thức công tác trong một cơ quan nào, nhưng chị vẫn bận rộn với công việc viết, dịch của mình. Chị hầu như chỉ làm việc và giao tiếp công việc trước màn hình máy vi tính. Trang Hạ kể vui: “Bây giờ, không gian sáng tác cũng như phương tiện kiếm sống của tôi là cái bàn phím vi tính. Tôi chỉ đi ra ngoài đường để rút tiền hoặc lĩnh nhuận bút mà thôi nên thực chất, cái máy tính đặt ở đâu, ở nước nào thì tác phẩm của tôi cũng không vắng mặt công chúng. Tức người ta chỉ thấy tôi xuất hiện qua mặt chữ chứ không thấy mặt tôi”. Chị nói: “Những công việc này phù hợp với một bà mẹ con mọn, bởi giai đoạn này, phần lớn thời gian của tôi dành hết cho gia đình, cho con”. Hỏi chị cân bằng cuộc sống của mình như thế nào giữa công việc đơn độc của một nhà văn và một bà mẹ phải chăm sóc con nhỏ, Trang Hạ chia sẻ: “Thực sự trong công việc sáng tác rất cần không gian riêng tư và điều kiện duy trì cảm xúc. Du lịch hay tự cô lập một mình cũng không đáp ứng được điều đó. Huống hồ giờ đây, tôi làm sao có thể gạt gánh nặng gia đình sang một bên để tự cho mình quyền được… cô đơn nữa. Vậy, phải tìm cách nuôi dưỡng con người viết bên trong một con người lo toan, bằng cách đọc nhiều, nghĩ kỹ, xác định mục tiêu ngắn hạn muốn viết gì để tập trung đầu óc làm cái đó, và đồng thời phải chịu khó gạt sang một bên tất cả những lời mời mọc, các cơ hội làm việc dù thú vị nhưng mình không đủ thời gian để ôm vào nữa”.
Bài, ảnh: Tuyết Dân

Làm việc không ngừng nghỉ, có những thành công nhất định và một khả năng viết “phi thường” là kết quả của thói quen đọc sách, thu nạp thông tin và tích lũy tư liệu sáng tạo của Trang Hạ.

 

Bình luận (0)