Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Chiếc huân chương nạm ngọc

Tạp Chí Giáo Dục

Reng reng reng.

– Alô, thầy Sáu hả thầy Sáu? Có chuyện gì mà bữa nay anh gọi tôi hớt hải vậy? Bộ kêu tôi qua đập rắn nấu cháo hả?

Hai vợ chồng nhà thơ Lê Giang – nhạc sĩ Lư Nhất Vũ đã dành hàng chục năm sưu tầm biên soạn nhiều công trình dân ca Nam bộ – Ảnh: T.T.D.

Tôi giỡn, vì hễ nghe tiếng nhà thơ Viễn Phương là tôi nhớ cái đêm ở rừng mưa lác đác, anh thấy mình mẩy con rắn hổ đất ướt nhem bò vô trú mưa dưới võng anh. Anh kêu tôi cầu cứu. Không biết tại sao đàn ông thấy rắn không chịu đập mà kêu đàn bà!?

Nổi máu "đàn bà dễ có mấy ai", tôi bấm đèn pin, huơ gậy để sẵn trên đầu võng, lội qua!

Lý do thật sự là anh Sáu Của, diễn viên điện ảnh đánh xe ngựa trong phim Chị Tư Hậu, đang mần gà; rắn đánh hơi máu gà bò vô cho nên anh xà ích Sáu Của sợ quá treo hai tay toòng teng lên mái nhà, còn nhà thơ bổn tánh mềm mỏng, không ưa mấy chuyện quá "nóng" nên quấn võng kín mít.

Lẽ dĩ nhiên tôi đập chết con rắn. Vậy mới kỳ (chớ không phải ly kỳ). Và nồi cháo gà đổi thành nồi cháo rắn. Chuyện này tôi có tạp văn "Người và rắn" trong cuốn Gặp gì ăn nấy, xin mời! của tôi…

Ði một vòng rắn rít xa quá! Giờ xin trở lại chuyện bỗng dưng thầy Sáu Viễn Phương reng reng kêu tôi bổ sung lý lịch đặng khen thưởng huân chương. Trời đất! Tại sao tôi không chịu bỏ cái tật dị ứng tức thì mỗi khi nhắc hai tiếng lý lịch. Tôi liền ra điều kiện với thầy Sáu:

– Nói thiệt nghen anh Sáu! Tôi biết mấy anh chị em được hưởng huân chương các loại rồi. Kỳ này nếu tôi lại làm lý lịch mà không được thưởng "Huân chương lao động hạng nhứt" thì tôi không nhận hạng nhì, hạng ba đâu!

Anh Sáu nghe tôi ra giá, ảnh biết tánh tôi quá nên cười khì khì trỗi giọng đò đưa: "Thì tùy ở trên chớ chị Năm!".

Vậy là thôi, anh Sáu "đi chơi chỗ khác" lâu rồi. Không còn ai ngó ngàng gì nữa ba cái chuyện huân chương của tôi.

Vậy mà bữa nay lại nhớ, khi lục lọi "những ân tình không thể nguôi ngoai" của anh em đồng chí dành riêng tặng thưởng cho đời mình, tôi bỗng thấy chiếc "huân chương nạm ngọc" lấp lánh trong ngăn kéo của tôi mà nhà thơ Viễn Phương, chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM, đã kịp gởi lại cho tôi trước lúc anh xa vắng… Trong tờ giấy trắng ghi về tôi, thay cho tình bạn thuở rừng thiêng nước độc, anh công nhận tôi – người đàn bà can đảm đập rắn đêm ở rừng – có những hàng chữ như sau:

Ngày xưa, có người lên non cao muôn trùng hiểm trở để tìm vật quý. Vật quý ấy là sừng tê, ngà voi.

Ngày xưa, có người xuống biển sâu trập trùng sóng vỗ để tìm vật quý. Vật quý ấy là ngọc trai, san hô.

Ngày xưa, có người ngậm ngải vào rừng để tìm vật quý. Vật quý ấy là trầm hương, hổ phách.

Ngày nay, nhà thơ Lê Giang đã dọc ngang miền Nam Tổ quốc đi tìm vật báu. Báu vật ấy là di sản văn học dân gian của ông cha ta từ ngàn xưa còn đọng lại – đã lắng sâu vào tâm hồn dân tộc, có rơi rụng nhưng vẫn được bảo tồn, mà trong hoàn cảnh hôm nay công việc của người sưu tầm cũng gian khổ không kém công việc của nhà khảo cổ đi tìm tòi, khai quật những di chỉ ngàn đời của dân tộc đã chìm lắng trong trầm tích của thời gian… (trích bài giới thiệu cuốn nhật ký điền dã Lang thang gió cát của Lê Giang với tựa đề "Người đi tìm ngọc" của nhà thơ Viễn Phương).

… Anh Viễn Phương ơi! Vậy là tôi khỏi nộp cho anh tờ lý lịch bổ sung để nhận huân chương khen tặng. Lời anh nhận xét về tôi đã là tấm "huân chương có nạm ngọc" đầy đủ và quý báu biết bao.

LÊ GIANG (Theo TTO)

Bình luận (0)