Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Bi kịch dành cho số đông

Tạp Chí Giáo Dục

Thế giới nhân vật của Sương Nguyệt Minh trong trong tập Dị hương (Giải thưởng Văn xuôi năm 2010 của Hội Nhà văn VN) có thể được nhận diện khá rõ: những thị dân mới nhập tịch, kẻ luyến lưu không dứt cái gốc nông dân cố cựu, kẻ lại gấp gáp học ngay kiểu thành thị xu thời.

Có những bi kịch nhỏ trong từng gia đình hay từng con người, chẳng làm chết ai, nhưng lại khiến người ta chết không thể chết mà sống cũng chẳng ra sống. Có những bi kịch nhỏ khác, cho những người luôn bị dằn vặt giữa những mấp mé của hiện tại – quá khứ, của cái có thể và cái không thể, cái có thật và cái không thật…

Gã đàn ông lạc lõng, đơn độc, đầy thất vọng và bế tắc trong chính ngôi biệt thự của mình, giữa vợ con lạnh lùng, xa cách trong Đêm thánh vô cùng hay gã đàn ông trong Cái nón mê thủng chóp có vẻ chỉ là một. Cô vợ đã nói câu: “Máy bay rơi, mỗi người chết được đền bù 60.000 đô la. Nhà nào túng bấn cũng đỡ một phần, anh nhỉ?” cũng có khác biệt gì nhiều so với cô vợ không bao giờ đọc sách nhưng lại nhanh nhảu đi tậu ba xe xích lô sách về chất đầy trong ba cái tủ kính ngôi nhà phố mặt tiền để “Bạn bè anh toàn trí thức, nhìn thư phòng này có mà bái phục”.

Ông đại tá phục viên hoàn toàn không cập nhật lối sống thành thị trong Cha tôi hay anh chàng gốc rạ sinh viên thạc sĩ văn chương đi mổ trâu kiếm sống trong Mùa trâu ăn sương, ai bị “lạc nhịp” hơn? Nếu ông cựu đại tá nhất quyết biến ngôi nhà riêng của mình thành một doanh trại quân đội với kỷ luật sắt và tất nhiên ông không thành công cả với vợ lẫn con, thì anh chàng sinh viên cao học văn chương thừa tự tin, không hề câu nệ, nhanh chóng nhập ngay vai đồ tể nhằm có tiền ăn học, cũng chỉ nhận được từ cuộc đời bao bài học bất ngờ, từ một nàng thơ – siêu đồ tể và siêu lãng mạn. Nhập cuộc hay không nhập cuộc, những con người hồn hậu kiểu ấy thật khó lòng tương hợp với những thước đo thời thượng và hầu như luôn bị bật ra khỏi những chỗ bám khá hững hờ.

Bảy trên chín truyện ngắn trong tập sách viết về cái rất thật trong những điều có thật. Hai truyện còn lại, tác giả sử dụng chút huyền ảo và ẩn dụ để lạ hóa và thuận lợi hơn trong cách hấp dẫn người đọc bằng cách trộn lẫn cái phi thực vào cái có thật. “Không có đàn bà thì ta khốn khổ/Có rồi còn khốn nạn hơn…”. Ông Trần trong Đồi con gái đã tổng kết đời mình như thế, một cuộc đời lấy đàn bà làm mục đích, và bị đàn bà làm cho rách nát. Một cuộc đời bị “làm nhái”, vô vọng và sẽ rụng rơi không một tiếng vọng, chỉ mình mình biết chỉ mình mình hay.

“Thực ra chúa vương tự hiểu được mình rồng mới là điều khó nhất, hiểu lòng thiên hạ chỉ mới là cái khó thứ hai thôi”. Câu mà Trần Huy Sán tâu với Nguyễn Ánh có lẽ chính là thông điệp ẩn chứa trong Dị hương mà tác giả muốn gửi tới người đọc. Nguyễn Ánh uy vũ là thế, tóm thâu cả thiên hạ vào tay nhưng lại không thể làm chủ được một mùi hương hết sức mong manh. Trong khi đó, Sán vừa xấu xí vừa nhỏ bé, lại có được cái mà quân vương mơ ước. Bởi vì, tự biết phận mình, Sán chỉ dám đứng từ xa ngưỡng vọng và tôn thờ cái đẹp trong khi Ánh thừa tự tin, muốn chứng tỏ sức mạnh của mình trong bất cứ việc lớn nhỏ nào, chỉ có cách duy nhất là chiếm hữu, thống trị.

Không tìm tòi kỹ thuật mới, lấy cái phổ quát trong cuộc sống thật làm nguyên mẫu, tập truyện ngắn có tính “truyền thống” của Sương Nguyệt Minh có lẽ dễ dàng tìm được sự đồng cảm ở số đông người đọc, từ những chi tiết mà người ta cảm thấy rất gần gũi.

Có thể đó là một trong những lý do khiến nó được Giải thưởng Văn xuôi năm 2010.

(*) Đọc Dị hương, tập truyện của Sương Nguyệt Minh, NXB Hội Nhà văn và Công ty TNHH truyền thông Hà Thế ấn hành, 2009.

Ngô Thị Kim Cúc (Theo TNO)

Bình luận (0)