Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Diễn viên Lý Liên Kiệt: Đóng phim chỉ còn là một sở thích

Tạp Chí Giáo Dục

Việt Nam là điểm đến đầu tiên của ngôi sao võ thuật Lý Liên Kiệt trong năm hoạt động từ thiện với tư cách đại sứ thiện chí Hiệp hội Chữ thập đỏ – Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế. Sáng 24-1 tại Hà Nội, một cuộc họp báo diễn ra nhanh chóng trước khi Lý Liên Kiệt rời Việt Nam.

Lý Liên Kiệt: “Giúp đỡ mọi người mới là sự nghiệp tôi muốn theo đuổi đến cuối đời” – Ảnh: Mỹ Châu

Nhiều câu hỏi được Lý Liên Kiệt khéo léo từ chối trả lời. Anh đã nhún vai trước câu hỏi của một trang báo mạng: “Báo chí Trung Quốc đưa tin Lý Liên Kiệt bị mắc bệnh tăng khả năng hoạt động tự giác? Căn bệnh này ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống cá nhân của ông?”. “Vua kungfu” cũng tỏ ra không hào hứng với những câu hỏi liên quan đến sự nghiệp diễn xuất của mình:

– Chuyến đi này dạy tôi một bài học, làm tình nguyện là công việc cần theo đuổi cả đời. Tôi không thể đến Việt Nam đều đặn vì công việc từ thiện không thể chỉ tập trung ở một quốc gia. Tôi cần phải đi nhiều nơi hơn nữa, phải kêu gọi được nhiều hơn nữa những tình nguyện viên nhiều quốc gia đồng lòng tham gia công tác từ thiện.

* Năm 2011, ông sẽ cân bằng việc làm từ thiện và đóng phim như thế nào?

– Từng này tuổi rồi, giúp đỡ mọi người mới là sự nghiệp tôi muốn theo đuổi đến cuối đời. Nghiệp diễn chỉ còn là một sở thích, khi có thời gian rảnh rỗi thôi. Ngay bây giờ, bạn có thể gọi tôi là “tín đồ làm từ thiện” rồi đấy (cười).

* AP: Ông có nghĩ những khán giả phương Tây bắt đầu biết tới nền văn hóa phương Đông – một phần – qua những bộ phim ông đóng? Với ông, đâu là thành tựu lớn nhất mình đạt được trong nghiệp diễn và trong các hoạt động từ thiện?

– Đóng phim ở Trung Quốc hay đóng phim ở Mỹ không phải là vấn đề tôi quan tâm ngày hôm nay. Hôm nay tôi là đại sứ thiện chí và nhiệm vụ của tôi là truyền tải những thông điệp về công tác tình nguyện. Và tôi quan tâm đến những người trẻ tuổi, bất luận người Mỹ hay người châu Á, không phân biệt “bạn hay tôi”, cùng đồng lòng bảo vệ ngôi nhà Trái đất. Còn về điện ảnh, hãy quên nó đi!

Tôi làm từ thiện có phải để đánh bóng tên tuổi không? Thật ra, tôi luôn chia sẻ với mọi người một suy nghĩ thế này, đừng quá quan tâm đến việc người khác bình luận gì về bạn, hãy nghe xem tim bạn muốn gì và chỉ cần làm mọi việc với một tấm lòng chân thành. Một năm, hai năm hay mười năm, cho đến khi bạn chết người ta sẽ tự hiểu mục đích công việc của bạn.

* Tuổi Trẻ: Ông có hai cô con gái rất xinh xắn. Các con ông nói gì về việc cha mình quần quật đi làm từ thiện?

– Việc làm từ thiện của tôi rất có thể đã làm cảm động con gái và ảnh hưởng đến con, trong giai đoạn các con đang hình thành tính cách. Tôi quan sát thấy con thường tự giác tham gia các hoạt động tình nguyện ở trường. Thỉnh thoảng tôi hay hỏi con: “Tiền tiết kiệm các con sẽ dùng làm gì?”. Có lúc con gái tôi trả lời: “Con sẽ mua một chú bò để tặng người nghèo châu Phi”. Có lúc con nói: “Con sẽ gửi sang Campuchia giúp đỡ những người tàn tật”.

Một kỷ niệm khiến tôi cảm động gần đây là trong Ngày của cha (Father’s Day), trở về nhà tôi thấy một bức tranh do con vẽ. Bức tranh được đựng trong một chiếc phong bì có hình chữ thập như biểu tượng của Hội Chữ thập đỏ. Mở ra, tôi thấy trong phong bì có 400 NDT, con tôi nói muốn đóng góp cho Hội Chữ thập đỏ. Tôi hỏi con: “Tiền này con lấy ở đâu?”. Thì ra, 10 ngày trước đó khi giặt quần áo bằng tay, con gái được mẹ “trả lương” 2 NDT, tự giặt bằng máy giặt được trả 1 NDT. Kiên trì rồi cuối cùng con được mẹ trả 200 NDT và ủng hộ thêm 200 NDT. Đây không phải chuyện 400 NDT là khoản tiền nhiều hay ít, cũng không phải chuyện con cái một ngôi sao phải tự giặt quần áo. Điều quan trọng là tôi hạnh phúc khi nhận ra ngay từ nhỏ, con đã có ý thức giúp đỡ người khác.

NGA LINH (Theo TTO)

Bình luận (0)