Tòa soạnThư đi – tin lại

Dùng hàng Việt là yêu nước của mình

Tạp Chí Giáo Dục

Hàng Việt Nam như: Cặp, vở, bút, bàn ghế… phục vụ cho việc học đều được HS, SV tín nhiệm sử dụng
Ngành GD-ĐT TP.HCM luôn ý thức được ý nghĩa to lớn của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Trong đó trách nhiệm của ngành GD-ĐT là phải tăng cường các biện pháp tuyên truyền, giáo dục nhằm chuyển đổi nhận thức của CB, GV, CNV và đặc biệt là lực lượng HS, SV. Và đội ngũ HS, SV TP đã thể hiện tình yêu nước qua suy nghĩ và hành động của mình…
Đó là khẳng định của ông Trần Khắc Huy – Trưởng phòng Công tác HSSV ngành GD-ĐT trong lễ tổng kết cuộc thi“Dùng hàng Việt là yêu nước” năm 2013, ngày 27-12 vừa qua.
Sử dụng hàng Việt qua lăng kính của HS
“Lòng yêu nước không phải là những cơn bùng phát cảm xúc cuồng nhiệt, ngắn ngủi, mà là sự cống hiến thầm lặng và ổn định của cả đời người!”, đây là những cảm xúc của em La Mạch Gia Nhi, HS lớp 11CV1, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong mở đầu bài dự thi “Dùng hàng Việt là yêu nước” của mình. Gia Nhi nhìn nhận: “Thực tế cho thấy, nhiều bạn trẻ khi nghĩ về lòng yêu nước đều cảm thấy mơ hồ vì họ luôn gắn lòng yêu nước với những hành động lớn lao”. Nhưng cách thể hiện rõ nhất, theo Gia Nhi: “Lòng yêu nước thiêng liêng nhưng không xa rời với cuộc sống thường ngày, công dân có thể thể hiện lòng yêu nước của mình bằng nhiều cách thức khác nhau. Có người học tập, cống hiến hết mình cho nước nhà; có người sẽ xung phong bảo vệ những miền biên giới xa xôi của Tổ quốc… Có người sẽ ưu tiên dùng hàng Việt…”. Gia Nhi lý giải: Có thể nhiều người sẽ đặt nghi vấn cho tính trung thực của nhận định trên, bởi lẽ ít ai nghĩ rằng việc mua sản phẩm để phục vụ nhu cầu bản thân lại mang ý nghĩa to lớn như vậy. Để xác định xem sử dụng hàng Việt có thể hiện lòng yêu nước hay không yêu cầu sự phân tích, xem xét kỹ lưỡng. Vì mua và sử dụng hàng hóa chỉ là một thói quen hay hành vi. Còn yêu nước là cả một quá trình hình thành tư tưởng, là cảm xúc phức tạp và được biểu hiện dưới muôn hình muôn vẻ.
Sau ba tháng phát động, ngành GD-ĐT có 75 đơn vị tham gia với trên 8.000 bài dự thi của HS, SV toàn TP. Qua đó, Sở GD-ĐT đã trao 1 giải nhất (La Mạch Gia Nhi – Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong); 3 giải nhì; 5 giải ba và 20 giải khuyến khích. Có hai trường đạt giải tập thể là THPT Nguyễn Trung Trực (Gò Vấp) và THPT Lương Văn Can (Q.8).
Cũng thể hiện tình yêu đất nước qua hành động thiết thực là ưu tiên dùng hàng Việt, em Nguyễn Thị Hiếu, HS lớp 11, Trường THPT Lương Văn Can bày tỏ: “Yêu nước không chỉ thể hiện ở một khía cạnh mà rất nhiều khía cạnh khác trong đời sống. Yêu nước không chỉ là những câu nói suông, mà là những hành động thiết thực, thể hiện được tình yêu mà chúng ta dành cho mảnh đất thân yêu này. Các bạn yêu nước đến mức độ nào? Có mãnh liệt như mây yêu gió như nắng yêu mưa, như Ngưu Lang yêu Chức Nữ hay không? Điều đó đâu quan trọng, quan trọng là chúng ta thể hiện tình yêu đó như thế nào mà thôi”. Và Hiếu trình bày sự yêu nước của mình: “Các bạn biết không, chỉ cần bạn ưu tiên sử dụng hàng Việt là đóng góp rất nhiều lợi ích cho đất nước, giúp cho nước nhà tích lũy được một số tiền để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, cũng nâng cao giá trị mặt hàng Việt, cải thiện nền kinh tế, đưa đất nước đến tầm cao mới, sánh ngang với các nước trên thế giới”. Hiếu đề xuất: “Để thực hiện điều đó, chính các nhà sản xuất và thái độ phục vụ khách hàng cần phải cải thiện hơn nữa để hàng Việt nhận được sự tin cậy của người tiêu dùng. Đồng thời, khách hàng nên đặt niềm tin vào các mặt hàng của Việt Nam”.
Em Võ Đức Bình, HS Trường THPT Bùi Thị Xuân lại có cách nhìn nhận khác: “Cuộc vận động trước tiên phải làm sao để người dân hiểu, thấy hết được ý nghĩa từ chính hành động của mỗi người dân đối với kinh tế, từ đó mà ý thức được hành vi mua sắm của họ. Nhưng ngược lại, không phải người tiêu dùng lúc nào cũng tiêu dùng hàng trong nước. Điều này có nghĩa, đòi hỏi trách nhiệm của các doanh nghiệp trong nước, người tiêu dùng không thể cứ mãi tiêu thụ một loại hàng hóa kém chất lượng, giá cả không hợp lý. Trong nền kinh tế thị trường các doanh nghiệp trong nước cũng phải tuân thủ các qui luật cạnh tranh, qui luật cung cầu. Sự “ưu tiên” ở đây chỉ là sự tạo lập bước đầu để các doanh nghiệp nỗ lực đổi mới, cạnh tranh hơn, chứ không phải là sự bảo hộ”.
HS, SV TP luôn sống đẹp và có ích

Các HS đoạt giải cuộc thi “Dùng hàng Việt là yêu nước” do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức
Ông Trần Tấn Ngời – Phó chủ tịch UBMTTQVN TP.HCM, thành viên Ban chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, khẳng định: “Chúng tôi rất bất ngờ và xúc động vì cuộc thi do ngành GD-ĐT phát động trong HS, SV TP thành công ngoài sự mong đợi. Với các lứa tuổi khác nhau nên nhận thức về việc dùng hàng Việt cũng khác nhau nhưng qua các bài viết đã cho thấy các em HS, SV TP rất ý thức và có nhiều sáng kiến để các doanh nghiệp sản xuất hàng Việt phải suy nghĩ, từ đó làm tốt hơn, xứng đáng với sự tin yêu của người tiêu dùng”.
Theo bà Trần Thị Kim Thanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP, không riêng gì Ban chỉ đạo cuộc vận động mà ngay cả lãnh đạo Sở GD-ĐT thực sự cảm phục những suy nghĩ, trăn trở và “định hướng” của các em HS, SV khi viết bài tham dự cuộc thi, những bài viết mang nặng giá trị, định hướng của những thế hệ tương lai của TP. Dù chưa phải là hoàn hảo nhất, dù còn ở một khía cạnh chưa toàn diện nhưng các em đã “chạm” tới những nhận thức của người tiêu dùng đối với hàng Việt. Như em Hiếu “Hãy để ước mơ của tôi là ước mơ của bạn; Hãy đặt niềm tin của các bạn vào tôi; Hãy cùng tôi tin tưởng vào hàng Việt Nam và cùng tôi xây dựng đất nước giàu mạnh!”. Hay ý tưởng rất “con trẻ” của nhóm GV-HS Trường tư thục Vạn Hạnh qua tiểu phẩm Ta về ta tắm ao ta. Đặc biệt là ý tưởng về “dự án” rất khoa học và thuyết phục mọi người của bạn Gia Nhi… “Các tác phẩm dự thi minh chứng rằng, HS, SV TP luôn thể hiện cách sống đẹp và có ích”, bà Trần Thị Kim Thanh khẳng định.
Ông Ngời đề nghị: “Thành công của lần thi này là một thuận lợi rất tốt để ngành nghiên cứu phương án, nội dung, kế hoạch phát động tiếp theo của năm 2014. Đây là năm rất đặc biệt, đó là tổng kết 5 năm phát động phong trào, sở nên đưa các phong trào, cuộc vận động ngày càng sâu sát hơn nữa tới HS, SV và CB, GV, CNV của ngành”.
Bài, ảnh: Q.Huy
 
“Qua cuộc thi đã cho thấy HS, SV TP.HCM phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước; lòng tự hào, tự tôn dân tộc; xây dựng ý thức tự giác… Từ đó hình thành nét đẹp trong văn hóa tiêu dùng, tạo thêm sức cạnh tranh và làm tăng tỷ trọng hàng Việt được tiêu thụ tại thị trường TP nhất là trong các cơ sở giáo dục”, ông Trần Khắc Huy khẳng định. 
 

Bình luận (0)