Tòa soạnThư đi – tin lại

Vụ 7 HS chết đuối ở biển Cần Giờ: Đau thương và trách nhiệm

Tạp Chí Giáo Dục

Em Võ Ngọc Tuấn thoát chết ở biển Cần Giờ kể lại sự việc

Đến trưa 30-12-2013, thi thể của 7 HS chết đuối ở biển Cần Giờ đã được đưa về nhà để an táng. Người dân thị trấn Dầu Tiếng chìm trong tang thương, tiếng trống đám tang cứ giục mạnh vào trong suy nghĩ của những người có trách nhiệm khi để sự việc đáng tiếc xảy ra…
“Tôi mất con rồi”
7 HS chết đuối đều ở độ tuổi 14, 15 và là con trai lớn trong gia đình. Vì vậy, sự mất mát này là nỗi đau xé ruột của các phụ huynh. “Nó là con trai duy nhất của tôi, tôi mất con rồi”, anh Võ Đức Long, ba của em Võ Thành Luân (SN 2000, học lớp 9A7) chua chát. Ngôi nhà êm ấm của vợ chồng anh Long nằm trong hẻm nhỏ bên hông của chợ Dầu Tiếng bây giờ chỉ toàn nước mắt và tiếng thở dài. Đôi mắt đỏ hoe, thần sắc nhợt nhạt anh nói: “Vợ chồng tôi cho cháu đi tham quan với trường là để biết đây biết đó nhưng ai ngờ. Lúc 12 giờ trưa ngày 29-12, hai vợ chồng tôi thay phiên nhau điện thoại nhưng không liên lạc được, đến gần 15 giờ thì cô giáo gọi điện bảo cháu đi lạc trong rừng và nói đem theo giấy khai sinh cùng hộ khẩu xuống Cần Giờ gấp. Khi xuống tới nơi thì cháu nằm dưới biển lạnh lẽo chứ có lạc trong rừng đâu”.
Cũng giống trường hợp của Luân, Lê Công Hậu (14 tuổi, học lớp 8A6) là con trai duy nhất của vợ chồng anh Lê Nguyễn Khoa Hiền ở tổ 7, ấp Rạch Đá, xã Định Thành, huyện Dầu Tiếng. Gia đình anh có 2 người con, trước Hậu là chị gái. Hôm đó, vợ chồng anh đang đi làm thì nhận được hung tin nên tức tốc xuống Cần Giờ, khi đến nơi thì anh chị như ngất lịm khi nhìn thấy con trai một của mình quấn chiếu nằm bất động. “Hậu xin đi chơi nhưng ba nó không cho nên chuyển sang xin tôi. Thấy con tội nghiệp nên tôi đồng ý. Đến nơi em có gọi điện báo về, sau đó thì không liên lạc được nữa. Đó cũng là lần cuối cùng tôi nghe giọng nói của con mình”, chị Phượng nói trong nước mắt.
Cứ đến mỗi gia đình là chúng tôi lại không kìm được nước mắt khi nỗi đau của người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh cứ hiển hiện trước mắt. Hương khói nghi ngút, tiếng chuông niệm Phật và những giọt nước mắt cứ lăn dài trên khuôn mặt của người thân lẫn người đi viếng. Chưa bao giờ bầu trời huyện Dầu Tiếng ảm đạm như lúc này.
Nhà của em Nguyễn Hoàng Long (SN 2000, học lớp 8A6) nằm sâu trong rừng cao su. Long là con trai lớn của vợ chồng anh Nguyễn Văn Tâm và chị Nguyễn Thị Thu Phượng. Cũng giống như các gia đình khác, không khí ảm đạm, tang thương phủ kín lên ngôi nhà của anh Tâm. Ngồi bên chiếc quan tài, chị Phượng cứ nấc nghẹn khi bạn học của Long tới viếng: “Sao con lại bỏ ba, mẹ ở lại chứ. Con còn chưa mua quà cho em con nữa mà”. Người trong xóm đến viếng cứ tiếc thương cho cậu học trò nghèo hiếu thảo. “Nó hiền khô à, sáng đi học chở em đi theo rồi chiều rước về, ba mẹ nó đi làm xa, ở nhà tự nấu cơm, giữ em. Nhưng giờ tìm đâu ra nữa”, bác của Long nói trong nước mắt.
“Các bạn bỏ em đi rồi”
Khi biết tin 3 bạn của mình là Lê Công Hậu, Nguyễn Hoàng Long và Nguyễn Phan Thành Tâm mất, em Võ Minh Khôi (học chung lớp 8A6) không tin là sự thật: “Hôm đó em không đi chung, giờ thì các bạn bỏ em đi rồi. Bây giờ em biết chơi với ai đây?”. Nói xong cậu học trò này thắp cho Hậu một nén nhang rồi tiếp tục đến nhà 2 bạn còn lại để viếng.
“Em rối lắm, giờ em không còn biết gì nữa, bạn bỏ em đi hết rồi”. Đó là tâm trạng của em Nguyễn Thanh Triều, một học sinh thoát chết trong ngày định mệnh ấy. Nhà của Triều đối diện nhà Luân, hai đứa là bạn thân của nhau từ nhỏ. Từ khi sự việc xảy ra, em chỉ biết giấu mình ở trong nhà không dám ra đường, không ngủ được vì sự việc ám ảnh. “Trưa hôm đó, lúc đầu em có tham gia tắm nhưng sau khi xuống biển thì do quá lạnh và nước dơ nên em lên bờ nghịch cát. Em có nói mấy bạn lên bờ chơi nhưng lát sau thì mấy bạn chìm dưới biển rồi”, Triều nhớ lại.
Là người trực tiếp chứng kiến các bạn chìm nhưng không cứu được, em Võ Ngọc Tuấn vẫn còn vẻ thất thần: “Ăn cơm xong khoảng 5 phút thì tụi em xuống biển bơi, lúc đó có thầy Giáp đi cùng. Tụi em đang tắm thì bỗng nhiên bị hụt chân, cát dưới chân cứ sụt lần lần, em bị hút ít hơn nên bơi vào bờ kịp. Lúc quay lại thì chỉ thấy cánh tay của các bạn giơ lên, em hốt hoảng chạy đi báo cho thầy cô biết”.
Ai là người chịu trách nhiệm?
Ngay trong ngày 30-12, UBND tỉnh Bình Dương, Sở GD-ĐT cùng với chính quyền địa phương huyện Dầu Tiếng đã đến thăm và động viên gia đình của 7 HS chết đuối. Tuy nhiên, ngoài mức hỗ trợ thì phía gia đình của các nạn nhân vẫn chưa nhận được thông tin gì về người hay cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm khi sự việc xảy ra. Khi chúng tôi liên hệ với Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm để nắm thông tin thì chỉ nhận được cái lắc đầu của bảo vệ. Các HS đến trường hôm đó đều đi cửa sau.
“Khi các em đi chơi với nhà trường thì giáo viên phải đảm bảo an toàn cho mấy em. Đi đến nơi về đến chốn. Sự việc xảy ra thì không ai mong muốn nhưng phải có người chịu trách nhiệm đâu thể lập lờ cho qua”, một phụ huynh cho biết. Trong khi đó, anh Long (ba của Luân) cũng bức xúc: “Ngay từ đầu họ nói đã mâu thuẫn, trưởng đoàn kêu thì nói con tôi cấp cứu còn giáo viên gọi điện thông báo là con tôi đi lạc. Nếu có lạc trong rừng thì thế nào cũng tìm ra, mà tìm được thì đem theo hộ khẩu, giấy khai sinh để làm gì?”.
Trong khí đó, nhiều ngư dân ở biển Cần Giờ và phụ huynh cho biết do công tác cứu hộ quá chậm trễ, ca nô để cách biển khoảng 300m, trong khi đó lại hết xăng khiến sự việc trở nên đau lòng hơn. Sự việc vẫn còn đó, cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục điều tra. Nhưng rõ ràng, phía trường học và đơn vị quản lý biển Cần Giờ phải chịu trách nhiệm khi để sự việc xảy ra.
Bài, ảnh: Đồng Điền

Bình luận (0)