Tòa soạnThư đi – tin lại

Hậu quả từ việc thiếu sân chơi

Tạp Chí Giáo Dục

Khu phố 1, P.Tân Phong, Q.7 có đến 5 dự án công ích và 5 dự án xây dựng khu dân cư nên thiếu quỹ đất xây dựng khu vui chơi

Vì thiếu sân chơi tích cực, hấp dẫn nên trẻ thường tự tìm đến các trò chơi thiếu lành mạnh, vô bổ. Đó là kết luận của các chuyên gia tâm lý trong và ngoài nước.
“Bỏ quên” các công trình giải trí
Phường Tân Phong (quận 7, TP.HCM) có diện tích tự nhiên là 447,47ha được chia thành 4 khu phố với 50 tổ dân phố. Toàn phường có 3.236 hộ khẩu thường trú với 12.212 nhân khẩu. Tổng số trẻ em từ 0-16 tuổi là 1.985 em. Mặc dù được sự quan tâm của chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể đã tạo điều kiện để trẻ em được vui chơi, giải trí song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Trên địa bàn khu phố 1 có diện tích rộng, trải dài dọc theo tuyến đường Lê Văn Lương, nhiều dự án đang đầu tư xây dựng không có quỹ đất đầu tư xây dựng điểm vui chơi giải trí cho trẻ em.
Riêng khu định cư và khu nhà ở Tân Quy Đông có 3 công viên và đường nội khu đẹp, thích hợp cho người đi bộ, các em đến sinh hoạt vui chơi. Tuy nhiên, tại các điểm trên chưa được trang bị cơ sở vật chất như xích đu, cầu tuột, nhà banh… hoặc các hình thức vui chơi giải trí khác nên chưa thu hút được các em tham gia. Ngoài ra, tại khu vực này được Công ty Sadeco đầu tư xây dựng Trung tâm Văn hóa để phục vụ nhu cầu giải trí theo quy hoạch đã được duyệt trước đây nhưng hiện nay, quận lại trưng dụng để làm Trung tâm GDTX. Điều này cũng ảnh hưởng đến việc phục vụ cho nhu cầu vui chơi giải trí của thanh thiếu niên trên địa bàn. Tại khu vực Phú Mỹ Hưng có nhiều điểm vui chơi giải trí cho trẻ em được Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng đầu tư trang bị cơ sở vật chất như cầu tuột, xích đu, hồ bơi và nhiều hình thức khác nhưng chỉ phục vụ trẻ em ở theo từng khu phố của Khu đô thị Phú Mỹ Hưng.
Một khó khăn nữa trong công tác chăm sóc cho thiếu nhi trên địa bàn mà quận đang gặp phải là các chủ đầu tư dự án không thực hiện xây dựng các khu công trình công cộng tại các dự án theo đúng quy hoạch được duyệt (ngoại trừ Công ty Phú Mỹ Hưng) để tạo sân chơi cho thiếu nhi. Tình trạng chủ đầu tư chỉ tập trung vào kinh doanh mà không thực hiện đúng nghĩa vụ công cộng đối với cộng đồng hiện đang là vấn đề nhức nhối. Như dự án Tân An Huy mặc dù đã hoàn chỉnh nền đất và đã bán hết nhưng công ty này không đầu tư công trình TDTT như đã quy định. Trường hợp ở Nhà văn hóa P.Phú Hữu (Q.9) cũng không khả quan hơn. Số trẻ đến sinh hoạt giảm rõ rệt theo từng năm. Nguyên nhân của tình trạng này là do chưa có kinh phí để đẩy mạnh hoạt động, hơn nữa Nhà văn hóa lại nằm ở khu vực heo hút, cách xa địa bàn khu dân cư.
Hậu quả xấu
UBND Q.4 đã đầu tư khu vui chơi giải trí với 12.000m2 dọc theo bờ sông Khánh Hội và không thu bất kỳ khoản phí nào khi trẻ đến chơi (trừ sân bóng đá) nhưng xem ra vẫn còn “khát”. Theo báo cáo của cơ quan chức năng P.5, Q.4 cho HĐND TP.HCM về công tác đầu tư xây dựng, quản lý và sử dụng các cơ sở vui chơi giải trí cho trẻ em mới đây, các điểm kinh doanh internet trên địa bàn phường có đến 90% là người dưới 18 tuổi, trong đó có cả trẻ em từ 4-5 tuổi. Điều này cũng dễ hiểu vì các “sân chơi” chưa thật sự phát huy hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Tú, ngụ chung cư Tôn Thất Thuyết, Q.4 nhận xét: “Hầu như trên địa bàn TP.HCM, các trung tâm văn hóa, nhà văn hóa phường có diện tích khiêm tốn. Đã thế, các trò chơi lại na ná nhau, tạo cảm giác nhàm chán cho trẻ. Không ít nơi cơ sở vật chất cũ kỹ, lạc hậu, không phù hợp với lứa tuổi của các em”.
ThS. tâm lý Phạm Thị Thúy (Học viện Hành chính Quốc gia TP.HCM) cho rằng, sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ tốt không thể thiếu các hoạt động xã hội. Các hoạt động xã hội ấy có được từ các sân chơi. Cần phải phát triển các CLB đội nhóm, hoạt động có chuyên môn mới tạo được luồng gió mới thu hút trẻ tham gia. Đây cũng là giải pháp hạn chế tình trạng trẻ tìm đến các trò chơi vô bổ mà ảnh hưởng lớn đến tương lai.
Bài, ảnh: Tuy An

Ông Nguyễn Văn Minh, Phó ban Văn hóa xã hội HĐND TP.HCM cho biết: “Sự phát triển, hội nhập quốc tế của đất nước kéo theo văn hóa ngoại nhập có yếu tố bạo lực, thiếu lành mạnh. Nếu không sớm đầu tư sân chơi cho thiếu nhi (hoặc đầu tư không hiệu quả) thì sẽ mang lại hậu quả xấu”.

 

Bình luận (0)