Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

“Đường đến ngôi sao” của ca sĩ trẻ: Kỳ 2: Nổi tiếng nhờ… bình chọn qua mạng?

Tạp Chí Giáo Dục

Các gương mặt lọt vào vòng chung kết Sao Mai – điểm hẹn 2010. Ảnh: S.M
Chuyện các “ca sĩ teen” hoặc “qua teen” đùng một cái “bỗng dưng nổi tiếng” nhờ cộng đồng mạng xã hội hiện cũng đã thoái trào, ít được nhắc nhở nhiều bằng việc… nổi tiếng nhờ bình chọn qua mạng.
Bất công trong việc bình chọn
Có hai dạng bình chọn: một dành cho các tài năng mới “nhú” và một dành cho những tài năng đã có chút ít thành quả sẽ càng thêm “bật sáng” hơn. Với các tài năng mới “nhú”, thông qua các cuộc thi hiện nay như Sao Mai – điểm hẹn, Vietnam Idol, Ngôi sao Tiếng hát truyền hình TP.HCM… thì việc khán giả bình chọn lại quyết định sự thành bại của họ tại cuộc thi. Nhiều giọng ca hay nhưng ngoại hình không “sáng láng” nên không được các fan bình chọn, vậy là có thể “dừng lại cuộc chơi” giữa chừng hoặc sẽ chấp nhận một giải thưởng nào đó… trong sự ấm ức tột cùng. Những hoài nghi có thực về sự không minh bạch của việc bình chọn qua tin nhắn từ các cuộc thi là một đề tài “hot”. Sau đêm chung kết 6 cuộc thi Sao Mai – điểm hẹn, nhiều khán giả bất bình về việc không thể bình chọn cho Đinh Mạnh Ninh, Minh Chuyên với lý do “đã hết giờ” dù họ quả quyết đã nhắn tin khi chương trình đang diễn ra. Đại diện Ban tổ chức cuộc thi cũng đồng ý rằng lỗi tổng đài có thể dẫn đến bất công đối với thí sinh nếu các tin nhắn của họ không đến được. Nhưng đáng ngạc nhiên là dù thừa nhận lỗi, dù biết có thể bất công, nhưng không có một thông báo nào được Ban tổ chức đưa ra cho khán giả và cũng không một lời giải thích hay xin lỗi. Và chính vì sự “bất công” sẽ cho ra lò những tài năng không thật sự “chín”. Và các tài năng thật sự lại không có cơ hội thể hiện khả năng của mình. Cũng trong cuộc thi này, thí sinh Mỹ Như được đánh giá cao về giọng hát lẫn phong cách nhưng trong cuộc “chạy đua” bình chọn mạng, cô lại không được nhiều fan bình chọn (hay vì không “mua” tin nhắn) nên phải nhờ có sự cứu giúp của Ban giám khảo cô mới được quyền đi tiếp. Ở cuộc thi Vietnam Idol, tại đêm công bố kết quả vòng Gala 1, Phương Anh, một trong những ứng viên tiềm năng đã rời bỏ cuộc thi trong sự nuối tiếc bởi khán giả không bình chọn. Ngay sau đó, Trung Quân, một ca sĩ được đánh giá với chất giọng bay bổng, có bản năng âm nhạc cũng bị loại vì phiếu bầu của khán giả trước sự thất vọng đến bật khóc của ca sĩ Siu Black.Còn với một số tài năng đã có chút ít thành quả thì việc bình chọn qua mạng sẽ là cơ hội giúp họ có thêm được giải thưởng và sự nổi tiếng sẽ tăng lên.
Cần sự minh bạch
Những cuộc vận động bình chọn từ các fanclub cho giải Làn sóng xanh, Album vàng, Mai vàng, HTV Awards… tạo nên các nghi án “mua tin nhắn”, “dàn xếp tỷ số” ngày càng cao đã khiến công chúng dần mất niềm tin vào các cuộc thi, giải thưởng nghệ thuật. Năm 2008, vụ ca sĩ trẻ T.M được bình chọn giải Ca sĩ triển vọng Làn sóng xanh, các nhà báo đòi công khai số liệu để đối chiếu (nhưng không được cung cấp). Sang năm 2009, lại tiếp tục “khuất tất” khi giải này dành cho một nam ca sĩ teen A. mà giọng ca thì ai cũng… lắc đầu. Ban tổ chức cuộc thi này 2010 hứa sẽ thể hiện chi tiết số liệu giải triển vọng lên màn hình lớn ngay trong đêm trao giải 4-12-2010, lời hứa đó đã không được thực hiện. Vì thế mà vô tình tạo cho các ca sĩ đoạt giải này thêm ảo tưởng, họ nghĩ mình đã “vươn” lên một bậc, tha hồ đi “nổ” với báo chí mạng, bầu show các tỉnh… Nhiều album đoạt giải cao trong Album vàng khiến khán giả lẫn giới chuyên môn… ngơ ngác vì các giọng ca này chưa thể tới “đồng” đừng nói chi tới “vàng”. Nhưng biết làm sao được vì họ đoạt giải vì nhờ bình chọn qua mạng?!? Tương tự, trường hợp nhóm ca M.T hai năm liền đoạt giải HTV Awards khiến ai cũng bất ngờ rồi… nghi ngờ tính không trung thực của việc bình chọn tin nhắn vì thực tế, các nhóm AC&M, Năm Dòng Kẻ, Mặt Trời Đỏ… trong năm cũng hoạt động không ngơi nghỉ, còn đẳng cấp giọng ca của họ thì không còn bàn cãi gì nữa mà vẫn phải chấp nhận “trắng tay” về không…
Nói về tính trung thực trong phiếu bầu bình chọn ở cuộc thi Vietnam Idol, một thành viên Ban tổ chức từng cho biết: “Thông tin thí sinh hoặc người nhà của thí sinh có thể bỏ tiền “mua”, vận động tin nhắn, hoàn toàn có thể xảy ra. Chính vì thế, mới có những thí sinh có lượng phiếu bầu là 6.000 ổn định một cách đáng ngờ qua suốt các vòng thi. Bên cạnh đó, có những số điện thoại cùng bầu chọn cho một thí sinh mà hàng trăm số điện thoại đều có số đuôi liền kề…”.
TRẦN ĐẠI NGHĨA
Kỳ cuối: Gian nan đường trở thành “sao”
Để trở thành tài năng thật sự của âm nhạc không phải là điều dễ dàng. Một nguồn vốn, không chỉ đơn giản là “vốn” về hình dáng, vật chất mà còn có cả những giọt nước mắt lẫn mồ hôi, và lợi nhuận thu được không chỉ là ngọt ngào mà còn có lắm đắng cay…

 

Bình luận (0)