Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

“Mềm hóa” những kiến thức lịch sử, văn hóa

Tạp Chí Giáo Dục

Ê kíp thực hiện các sách Thần đồng đất ViệtTruyện hay sử Việt. Ảnh: H.H
Là người gốc Huế, lập nghiệp ở Sài Gòn, chị Phan Thị Mỹ Hạnh – Giám đốc Công ty Truyền thông giáo dục và giải trí Phan Thị (TP.HCM) khởi đầu hoạt động trong ngành tin học, sau đó bén duyên với sách rồi gắn chặt với trẻ con từ năm 2000 cho đến bây giờ. Chị cho biết: “Sứ mệnh cao cả mà chúng tôi đặt ra để làm hướng đi riêng cho mình là trở thành đại sứ truyền thông văn hóa Việt – truyền bá văn hóa, lịch sử của dân tộc Việt Nam đến với mọi đối tượng độc giả trong và ngoài nước, đặc biệt là đối tượng thiếu nhi…”.
PV: Tôi đã đọc Thần đồng đất Việt khoảng 10 năm trước với một niềm tự hào rất trẻ con là Việt Nam mình cũng có truyện tranh hay. Vì sao chị lại dám làm “Đông-ki-sốt đánh cối xay gió” vậy?
Khi đó, tôi chỉ nghĩ là làm thế nào để Việt Nam có truyện tranh, do người Việt Nam viết nhưng vẫn đủ sức hấp dẫn với trẻ em nước mình. Chúng tôi tự hào khi được làm người tiên phong “thổi lửa” cho thế hệ trẻ, cho tất cả những ai muốn chung tay góp sức quảng bá văn hóa, lịch sử Việt. Thuộc lịch sử để tự hào, hiểu bản sắc để tự tôn, dùng văn hóa để nâng cao vị thế Việt Nam. Đó là tầm nhìn chúng tôi hướng đến nhằm đưa sách truyện Việt lên ngang tầm thế giới.
Làm mềm hóa kiến thức lịch sử để văn hóa Việt Nam gần gũi với thiếu nhi và thiếu niên hơn… Động lực nào giúp chị thực hiện điều này?
Thần đồng đất Việt được các em thiếu nhi đón nhận nồng nhiệt đã cho tôi niềm tin là mình cố gắng sẽ được đền đáp. Văn hóa, lịch sử dân tộc luôn có chỗ đứng trong lòng giới trẻ nếu mình biết cách khơi nguồn. Chúng tôi đã “mềm hóa” những kiến thức lịch sử, văn hóa bằng các câu chuyện hấp dẫn, bổ ích, hài hước thông qua nét vẽ độc đáo, ngộ nghĩnh, vui nhộn cùng màu sắc rực rỡ, ấn tượng. Chiến lược sắp tới của chúng tôi là trở thành kênh giải trí – giáo dục không thể thiếu trong đời sống tinh thần của thế hệ trẻ Việt Nam. Truyện hay sử Việt là một minh chứng cho bước đột phá về việc đổi mới cách thức tiếp cận lịch sử với độc giả trẻ. Bộ truyện gây được dấu ấn mạnh mẽ trên thị trường sách lịch sử, được quý thầy cô cũng như các bậc phụ huynh và các em nhỏ nhiệt tình ủng hộ.
Điều gì khiến chị chọn kinh doanh sách. Và thời gian tới là rẽ sang đồ chơi học cụ?
Giá trị của sách là kiến thức đọng lại trong trí não bạn đọc, nhất là các em nhỏ, cả những khoảnh khắc vui tươi, những nụ cười hạnh phúc. Nói đơn giản, chúng tôi không kinh doanh sách mà kinh doanh tình yêu với trẻ con và sách. Và chính những khoảnh khắc hạnh phúc khi trẻ yêu quý sách, sách sẽ ở trong lòng và trong tim trẻ. Tham gia vào mảng đồ chơi học cụ, đây không phải là ngã rẽ mà chúng tôi muốn mở rộng thị phần và mang nhiều niềm vui đến cho nhiều đối tượng hơn
Luôn hướng mục tiêu đến các em thiếu nhi, đặc biệt là lứa tuổi mẫu giáo. Vì sao chị quyết định như thế?
Vì lứa tuổi này ít được các nhà làm sách quan tâm. Nếu tôi hỏi những người làm cha mẹ câu hỏi thật đơn giản: “Đố bạn con hoặc cái gì bay được?”. Họ sẽ thấy câu hỏi là quá dễ và trả lời: máy bay, chim, kinh khí cầu… Còn trẻ con thì trả lời: cô tiên, siêu nhân, phù thủy cưỡi chổi và voi (đương nhiên là chú voi Dumbo của hãng hoạt hình Disney). Từ câu hỏi cũng như câu trả lời này cho thấy, trẻ nhỏ sẽ hiểu và ghi nhận những gì mà môi trường, những người xung quanh đã dạy, đồng thời em nào sáng tạo hơn, tư duy hơn sẽ có những đáp án khác. Và chính cái khác này trong tương lai, nếu em đó được phát triển đúng sẽ tạo ra lợi ích cho bản thân và cộng đồng.
Chị có băn khoăn gì về tình hình sách ở Việt Nam hiện nay?
Sách hiện nay rất nhiều, rất phong phú, rất đa dạng nhưng lại rất “nghèo nàn”. Để giải thích cụm từ này tôi xin được giải thích như sau: Việt Nam có cơ hội và tự hào khi đã hội nhập với thế giới, các nhà xuất bản, các công ty sách thi nhau tìm mua bản quyền các ấn phẩm bestseller. Từ đó sách nước ngoài, mang nội dung, văn hóa các nước trên thế giới được dịch ra tiếng Việt rất nhiều. Từ “nghèo nàn” tôi muốn nêu lên ở đây là nghèo về văn hóa Việt, nghèo về tinh thần, ý chí của người Việt. Và cũng rất khó tìm được những quyển sách có nội dung gắn liền với đất nước văn hóa tinh thần Việt. Đáng buồn hơn là người ta vẫn chưa chú trọng đến truyền bá kiến thức tinh thần Việt cho các em nhỏ, rất ít sách dành cho thiếu nhi được hình thành từ tinh thần này.
Xin cảm ơn chị.
HỒNG HẠNH (thực hiện)

Bình luận (0)