“Để nâng thu nhập bình quân đầu người lên 20.000USD/tháng, nhà nước nhất thiết phải đầu tư cho phát triển ngành công nghệ cao (CNC). Bài học kinh nghiệm từ Hàn Quốc cho thấy rõ điều đó” – ông Vũ Hữu Hải, Tổng giám đốc Công ty TNHH Bán dẫn Việt Nam, đã phát biểu tại buổi họp về hỗ trợ đổi mới công nghệ do Ban quản lý Khu chế xuất – Khu công nghiệp (KCX-KCN) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM tổ chức. Thế nhưng, để phát triển ngành CNC tại nước ta thì còn nhiều cái thiếu.
*Thiếu đầu tư mạo hiểm
Công nghệ dệt tại Xí nghiệp dệt Bình Lợi (quận Bình Thạnh) được đầu tư từ thập niên 80 đã quá lạc hậu.
Ông Vũ Hữu Hải bức xúc, ngay từ lúc đầu tư Công ty TNHH Bán dẫn tại Việt Nam, các cơ quan chức năng cũng đã hứa sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để công ty phát triển, nhưng cho đến nay sau 5 năm đi vào hoạt động, công ty vẫn chưa nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào. Đơn cử, Công ty TNHH Bán dẫn Việt Nam là một trong hai công ty trên thế giới sản xuất được dòng sản phẩm chip kiểm soát năng lượng cao cấp bằng kỹ thuật số, phục vụ cho sản xuất thiết bị cầm tay như cell phones, digital camera, ipod…
Dự kiến loại chip này sẽ được công ty chính thức hoàn thiện vào quý 3-2009. Khi quyết định triển khai dự án đầu tư này, công ty xác định giá trị của sản phẩm được đánh giá dựa trên nhu cầu tiêu dùng của thế giới, mà nhu cầu này vào năm 2010 là gần 4 tỷ USD. Như thế, thị trường trong tương lai có tiềm năng rất cao.
Điều này cũng cho thấy tiềm năng sinh lợi của dòng sản phẩm chip là rất lớn. Tuy nhiên, khi công ty vay tiền để đầu tư sản xuất sản phẩm trên thì không nhận được sự chấp thuận, ủng hộ của các cơ quan chức năng. Công ty đã tìm đến Quỹ Phát triển Đô thị TPHCM (Hifu) để vay vốn đầu tư, nhưng bị từ chối, do không giải trình được tài sản thế chấp.
Thậm chí, ngay khi công ty đã ký được hợp đồng sản xuất với một đối tác nước ngoài, với tổng giá trị hợp đồng mà bên đối tác phải trả cho công ty là 1,120 triệu USD, lợi nhuận mà công ty thu được từ giá trị hợp đồng này là 45%, vấn đề còn lại công ty phải vay được 55%/tổng giá trị hợp đồng để sản xuất, nhưng để vay được tiền cũng rất khó.
Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng giám đốc Công ty Chế biến thực phẩm Tân Quang Minh, cho biết thêm, riêng đối với trường hợp những doanh nghiệp sản xuất trong nước muốn thay mới máy móc thiết bị có công nghệ hiện đại cũng đang gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do máy móc, công nghệ được sản xuất trong nước chỉ ở mức thô sơ, không đáp ứng với nhu cầu sử dụng hiện tại của doanh nghiệp. Hiện có đến hơn 90% công nghệ, thiết bị đang được ứng dụng vào sản xuất tại các doanh nghiệp đều phải nhập khẩu với giá rất cao.
Do đó, sản phẩm làm ra dù có đạt chất lượng thì giá thành vẫn cao, khó cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Do vậy, việc UBND TPHCM hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư sản xuất máy móc, từng bước nội địa hóa trang thiết bị sản xuất trong nước với chi phí thấp để các doanh nghiệp đang sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu có điều kiện giảm giá thành sản phẩm là chủ trương hoàn toàn đúng.
* Thiếu nước, doanh nghiệp khổ vì khát
“Ứng dụng CNC trong sản xuất đã và đang là nhu cầu thiết yếu của doanh nghiệp. Nói ví von là như doanh nghiệp đang khát nước và cần phải uống nước để duy trì sự sống” – ông Nguyễn Đặng Hiến nói. Thế nhưng, theo ông Vũ Hữu Hải, để có thể khuyến khích phát triển ngành công nghệ cao, kinh nghiệm của các nước trên thế giới, nhà nước cần có Quỹ đầu tư mạo hiểm. Hơn nữa, người điều hành nguồn quỹ phải có kiến thức chuyên môn, đủ tầm để đánh giá khả năng ứng dụng và sinh lợi từ sản phẩm công nghệ cao.
Có như vậy mới kích thích phát triển ngành CNC trong nước.
Ông Lê Anh Tuấn, Phó ban Quản lý KCX-KCN cho biết, từ nay đến cuối năm 2009, đơn vị sẽ xúc tiến hỗ trợ đổi mới công nghệ cho 4 doanh nghiệp thuộc 4 ngành là chế biến thực phẩm; cơ khí hóa, tự động hóa; điện, điện tử và dược phẩm. Riêng bà Trương Thùy Trang, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM cho biết, sở đang triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ.
Theo đó, doanh nghiệp nào có nhu cầu sẽ được hỗ vay vốn với lãi suất ưu đãi chỉ bằng 50% lãi suất vay ngân hàng thương mại mà không cần thế chấp. Riêng những doanh nghiệp có những dự án nhằm mục đích thương mại hóa công trình nghiên cứu khoa học đạt giải thưởng, hoặc những dự án tạo ra công nghệ mới thuộc những ngành nghề, lĩnh vực mà thành phố ưu tiên khuyến khích đầu tư sẽ được quỹ tài trợ một phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư không thu hồi lại.
Tuy nhiên, ông Hiến cũng phân vân, với mức hỗ trợ tối đa chỉ 10 tỷ đồng thì chưa đủ để doanh nghiệp có thể đổi mới công nghệ, vì công nghệ mới phải đi đôi với trang thiết bị mới. Do đó, nên chăng thành phố cần phải nâng mức hỗ trợ này lên 20 – 30 tỷ đồng
ÁI VÂN (Theo SGGP)
Bình luận (0)