Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

“Đội quân tóc dài” xưa và nay

Tạp Chí Giáo Dục

Buổi trưa trên đường về Ba Tri thăm mộ cụ Đồ Chiểu, tôi dừng chân trên mảnh đất Mỏ Cày, Giồng Trôm. Chung quanh, con đường cỏ đang lên xanh, nhưng tôi nghe bàn chân mình vẫn còn trong cái nóng của lửa, của máu 30 năm về trước.
1. Ngày Đồng Khởi mở ra như quả đất mở vỏ. Phong trào từ trong âm ỉ, từ trong bóng đêm, từ trong máu lửa bắt đầu mạnh lên. Rồi một đội quân tóc dài, nón trắng, áo bà ba đen, khăn rằn choàng vai ra đời, ào ạt, âm vang như sóng biển. Và sau Đồng Khởi, trên mảnh đất Tam Ngãi, người mẹ có sáu con – Út Tịch đã hiên ngang cầm súng ra trận như cầm cuốc ra đồng. Giữa trận đánh chị còn chạy về dạy con cách xuống hầm tránh đạn. Người phụ nữ ấy đến với cách mạng từ trong cái khổ. Chị nói “Còn cái lai quần cũng đánh”. Câu nói đó tuy hồn nhiên nhưng là chân lý.
Cũng 30 năm trước, chị Nguyễn Thị Hạnh, người con gái anh hùng vào ấp chiến lược tìm bà con. Rồi từ đó chị theo con đường cách mạng. Sau phong trào Đồng Khởi, phong trào cách mạng rộng mở khắp nơi. Đó đâu phải là phép tiên chỉ đá hóa vàng mà là sự tổng hợp của lòng căm thù và hàng triệu trái tim yêu nước, yêu cách mạng.
Trước Đồng Khởi, nhìn ảnh chị Ba Định trong truyền đơn của địch không ít người thấy ở chị có gì đó ghê gớm lắm. Nhưng sau Đồng Khởi, nhìn tấm ảnh chị ngồi trên chiếc võng lưới giữa khoảng rừng dày, vá áo cho bộ đội, ai cũng khen chị thật hiền lành. Miền Bắc gọi chị, cả nước gọi chị, báo chí thế giới gọi chị là “chị Ba Bến Tre”. Chị hiện thân một đức tính nhân hậu nhưng rất anh hùng của phụ nữ Việt Nam. “Hỡi người chị của Bến Tre/ Cửu Long đồng khởi bốn bề đó chăng/ Miền Nam gan dạ ai bằng/ Đội quân đầu tóc, khăn rằn vắt vai”. (Tố Hữu)
2. Mùa xuân 2011, tôi trở lại con đường Mỏ Cày màu đất mỡ gà. Dừa hai bên đường mang màu xanh nõn nà của lứa mới, lứa trẻ. Còn nhớ 39 năm trước, trong tiếng mõ, tiếng thanh la của Bình Đại, các cánh quân tóc dài từ Đình Thụy, Thạnh Phú, Minh Tân đổ ra. Từ con sông Cổ Chiên, Vàm Luông, Cù lao Minh, Cù lao Bảo tràn vào chiếm ấp, chiếm quận tấp nập như một cuộc tựu nghĩa. Đứng dưới lá cờ cách mạng nửa đỏ nửa xanh nhìn ra bát ngát Cửu Long giang, rộng tầm mắt, rộng tầm nhìn. Hồi đó, chị Ba Định thuộc mấy câu ca dao truyền cho chị em vừa đi vừa vỗ nhịp hát: “Lòng dân như hoa hướng dương/ Trăm nghìn đổ lại một phương mặt trời”.
Con đường ngày xưa mà đội quân tóc dài đi trong nắng gió nay trở thành nơi để đội ngũ các chị mặc áo bà ba đi làm thủy lợi, đi khai hoang lập làng mới, làm ăn phát triển kinh tế. Các chị đi trong gió, trong nắng, đi trong trăng đêm, cuồn cuộn như nước vỡ bờ qua những tên đất, tên làng như Xa Mát, Núi Bà Đen, Tân Biên, Phụng Hiệp…
Đội quân tóc dài ấy cũng tích cực tham gia phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” bằng việc cùng nhau hết đi ra trận lại đi ra đồng, giục cây lúa, giục cánh đồng “mang thai” năm, bảy tấn để nuôi quân nuôi dân.
Lần này, trở về quê hương Đồng Khởi, tôi gặp lại cụ Hai Điền, người đã nấu cơm nấu cháo cho con cháu ăn tham gia Nam Kỳ khởi nghĩa và má Mười Lê, một quần chúng cách mạng, bảo vệ cơ sở của phong trào đòi Diệm từ chức và giữ đường dây tiến công vào nội thành vào năm 1968.
Giờ đây, khi đất nước đã hòa bình, các mẹ các chị vẫn hiền dịu, chất phác đứng bên đồng lúa, nương khoai, bên dòng Cửu Long giang làm nên sự sống. Vẫn cái nét giản dị cổ truyền, mềm mại mà uyển chuyển, bên trong ẩn chứa một sức mạnh phi thường.
Trúc Chi

Bình luận (0)