Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Ngày hội âm nhạc học đường

Tạp Chí Giáo Dục

Tiết mục dự thi của Phòng GD-ĐT quận 7
Ngày 9-3, ngành GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức khai mạc Hội diễn văn nghệ ngành với sự tham dự của 59 đội bao gồm các cán bộ, giáo viên, nhân viên đang công tác trong ngành và học sinh đang học tại các trường trực thuộc sở.
Hội diễn sẽ diễn ra liên tục trong 6 ngày (từ ngày 9 đến 14-3) tại hội trường Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM (số 4 Phạm Ngọc Thạch). Đây là là một hoạt động hòa trong không khí sôi nổi, tươi vui của đất nước.
“Đất Việt hào khí ngàn năm”
Thể hiện chủ đề chung “Đất Việt hào khí ngàn năm”, 59 đơn vị dự thi là 59 “tác phẩm văn nghệ” ca ngợi Đảng, Bác Hồ cùng truyền thống cách mạng hào hùng của dân tộc ta cũng như ca ngợi sự năng động, sáng tạo và phát triển không ngừng của một thành phố trẻ, văn minh.
Mở màn cho ngày khai mạc là tiết mục độc đáo, cuốn hút “Đất nước trong tim tôi” của Phòng GD-ĐT quận 7. Tiết mục nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ hàng ghế khán giả. Dàn cổ động nhiệt tình khiến không khí hội thi mỗi lúc một sôi động hơn. “Đất nước trong tim tôi” tái hiện hình ảnh những em bé với cánh diều, với chiếc sáo chạy giỡn trong những buổi trưa trốn ngủ trên cánh đồng làng, là trò chơi oẳn tù tì, rượt đuổi đậm chất truyền thống mượt mà về tình yêu, niềm tự hào đất nước… Tiết mục mở màn kéo dài 30 phút này đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ phía Ban giám khảo. Giáo sư, tiến sĩ, nhạc sĩ Thế Bảo nhận xét: “Đơn vị này khá thành công trong việc xây dựng nội dung, tư tưởng của chủ đề, tiết mục cho thấy sự đầu tư rất công phu, kỹ lưỡng”. Còn Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp lại làm sống dậy cả hội trường bằng vẻ đẹp hào hùng của một dân tộc, một đất nước kiên cường khi thể hiện chủ đề “Việt Nam gấm hoa”. Chỉ với bốn câu thơ trong một giai điệu: “Quê hương tôi đây đã sống hôm qua/ Quê hương tôi đây vẫn sáng hôm nay/ Quê hương tôi đây sẽ mãi mai sau/ Vang danh non sông trái tim Việt Nam” khẳng định lịch sử thăng trầm dày chiến tích cũng như sự trường tồn, vững mạnh và phát triển của dân tộc ta… Thông qua các màn trình diễn hay và cuốn hút, không khí của hội diễn mỗi lúc một sôi động với nhiều tràng pháo tay cổ vũ từ phía khán giả.
Thông qua hội diễn năm nay, Ban tổ chức có kế hoạch lựa chọn, bồi dưỡng các nhân tố năng khiếu xuất sắc đại diện cho ngành GD-ĐT TP tham gia các hoạt động chào mừng những ngày lễ lớn của dân tộc, tham dự hội thi “Giai điệu tuổi hồng” lần thứ IX dành cho học sinh THPT do Bộ GD-ĐT tổ chức và cuộc thi Tiếng hát giáo viên toàn quốc sắp diễn ra.
Cần có sự đột phá hơn

Một tiết mục dự thi tại hội diễn văn nghệ của ngành giáo dục TP.HCM năm 2011. Ảnh: Tuyết Dân
Nhìn chung, hầu hết các tiết mục tham gia hội diễn năm nay đều đảm bảo tính nghệ thuật, biểu diễn sinh động, bám sát chủ đề. Và mặc dù là những diễn viên, ca sĩ không chuyên, các tiết mục còn có ít nhiều hạn chế trong phối hợp, dàn dựng và trình diễn, nhưng đằng sau đó cũng cho thấy sự nhiệt tình của đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh về khâu tổ chức, tập luyện. Các tiết mục vì thế đã đi sâu vào lòng khán giả. Kể về khâu chuẩn bị cho hội diễn, đội thi Phòng GD-ĐT huyện Hóc Môn cho biết: “Để có màn trình diễn trong 30 phút dự thi này, chúng tôi đã chuẩn bị từ… một năm trước bằng việc tổ chức các buổi thi văn nghệ từ cấp lớp, trường, huyện sau đó tuyển chọn, thành lập một đội tuyển văn nghệ xuất sắc nhất tham gia hội diễn”.
Mặc dù diễn ra trôi chảy, khá thành công nhưng theo đánh giá của Ban giám khảo, các “tác phẩm văn nghệ” dự thi đa phần sử dụng những tiết mục cũ, bài hát cũ trong khi đời sống âm nhạc những năm qua đã đổi mới với nhiều ca khúc mới. Tuy có sự đầu tư công phu trong phối hợp trình diễn nhưng không có nhiều sáng tạo, mới mẻ. “Chúng tôi hy vọng những tiết mục sau sẽ có nhiều đột phá hơn”, nhạc sĩ Thế Bảo cho hay.
Sau 6 ngày thi, Ban tổ chức cho biết sẽ có thêm một chương trình công diễn báo cáo kết quả được tổ chức sau đó.
Bài, ảnh: Ngân Du

Bà Trần Thị Kim Thanh – Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: “Hội diễn là sân chơi để các thầy cô giáo, các em học sinh có năng khiếu âm nhạc có điều kiện gặp gỡ, giao lưu với nhau. Qua đó góp phần làm cho chất lượng hoạt động văn nghệ ngành ngày thêm khởi sắc. Hội diễn còn là một hoạt động tinh thần nhằm tôn vinh truyền thống tốt đẹp của nghề dạy học, tạo sức mạnh cho đội ngũ giáo dục vượt qua nhiều khó khăn trong công tác ngành”.

 

Bình luận (0)