Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Phổi tắc nghẽn mạn tính do khói thuốc lá

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Cai thuốc lá là biện pháp ngăn ngừa BPTNMT tiến triển
Theo ThS.BS Nguyễn Như Vinh, giảng viên Trường ĐH Y dược TP.HCM thì bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (BPTNMT) là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 4 trên thế giới.
Đây cũng là thông tin được đưa ra trong buổi tư vấn về BPTNMT vừa tổ chức tại Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM nhằm hưởng ứng Ngày BPTNMT toàn cầu 2013. BPTNMT tăng vào mùa lạnh, có thể gây tử vong hoặc tàn phế. Tuy nhiên, bệnh này có thể phòng và chữa được.
Nguyên nhân gây tử vong cao
BPTNMT là một bệnh lý đặc trưng bởi sự giới hạn luồng khí thở không phục hồi hoàn toàn. Sự giới hạn luồng khí thở thường tiến triển và đi kèm đáp ứng viêm bất thường của phổi với các hạt khí độc. Nguyên nhân dẫn đến bệnh này đa phần là do hút thuốc lá, tiếp xúc với bụi, hóa chất hoặc khói từ chất đốt sinh khối.
ThS.BS Nguyễn Như Vinh, giảng viên Trường ĐH Y dược TP.HCM lưu ý, có khoảng 80-90% người bị BPTNMT là do khói thuốc lá và 10% do ô nhiễm môi trường sống, lao động (các loại bụi nghề nghiệp và các hóa chất thường gặp ở công nhân hàn, luyện kim và nhà máy sợi; khí thải công nghiệp, xe hơi; sử dụng dầu sinh học; bếp củi để đun nấu, bếp sưởi…).
Do có tới 80-90% trường hợp BPTNMT liên quan đến hút thuốc lá nên nhiều thầy thuốc gọi đây là “bệnh phổi của những người hút thuốc lá”, đồng thời khuyến cáo những người trên 40 tuổi cần nghĩ đến BPTNMT nếu có tiền sử hút từ 20 gói thuốc lá/ năm trở lên. Vì khói thuốc lá đã làm cho phổi và chức năng hô hấp của họ bị ảnh hưởng rất nặng nề bởi các chất độc hại như monoxide carbon (CO); dioxide carbon (CO2); các loại hạt độc gây ung thư; các chất kích thích; các kim loại nặng; các gốc tự do gây lão hóa và các chất gây nghiện nicotin.
Theo BS. Vinh, cần nghĩ đến BPTNMT khi có các triệu chứng như ho, khạc đàm hoặc khó thở. Trong đó, cần lưu ý chứng ho kéo dài được biểu hiện từng đợt, hoặc ho mỗi ngày, suốt ngày và cả ban đêm. Đặc biệt triệu chứng ho khạc đàm vào mỗi buổi sáng mùa lạnh với lượng đàm trắng dưới 60ml mỗi ngày, hoặc đàm màu vàng/xanh vào những đợt cấp (khi có bội nhiễm). Một dấu hiệu cần lưu tâm nữa là tình trạng khó thở ngày càng tăng dần, xuất hiện hàng ngày và tình trạng này tăng khi gắng sức hoặc trong những đợt nhiễm trùng hô hấp.
BS. Vinh cho hay, Viện Huyết học – Lồng ngực – Tim mạch Hoa Kỳ vừa phối hợp với WHO thành lập GOLD (Global initiative for chronic Obstructive Lung Disease) tạm dịch là “Sáng kiến toàn cầu về BPTNMT”. GOLD chỉ ra những cách điều trị hữu hiệu như ngăn ngừa việc tiến triển bằng cai thuốc lá để phục hồi chức năng phổi. Giảm triệu chứng bằng các loại thuốc cắt cơn như: Spiriva, Berodual, Seretide, Symbicort. Cải thiện khả năng gắng sức và tình trạng sức khỏe bằng thuốc, ôxy, thể dục/vật lý trị liệu, dinh dưỡng và chích ngừa (vaccine ngừa cúm, vaccine ngừa phế cầu). Và biện pháp quan trọng nữa là phòng và điều trị đợt cấp để giảm tử vong.
Cần phổ biến cho toàn dân
Ông Phạm Việt Hùng, ngụ ở quận 9, dáng người gầy guộc, da xanh xao, lúc nào trong túi cũng có lọ Berodual để phòng và “tự cấp cứu” khi cần kíp. Ông Hùng cho biết mình hút thuốc từ năm 17 tuổi và hút 1,5 gói/ngày trong một thời gian rất dài. Mãi đến năm 2000 khi phát hiện BPTNMT, ông mới giảm còn 5 điếu/ngày cho đến nay vì BS cảnh báo rằng bệnh này có nguy cơ tử vong cao. Điều ông Hùng lưu tâm sau buổi tư vấn này không phải là “niềm tự hào” vì có bảo hiểm y tế nên chỉ tốn 70.000 đồng/tuần điều trị, trong khi những bệnh nhân khác phải tốn 500.000 đồng/tuần, mà điều ông mong muốn nhất là:  “Tôi sẽ đưa kiến thức đã tiếp thu được hôm nay chia sẻ cho 4 anh em trai và hơn chục đứa cháu vì ai cũng ghiền thuốc lá. Tôi nghĩ rằng ai cũng sợ chết, chỉ có những người điếc mới không sợ súng thôi”.
Cũng theo ông Hùng, kiến thức về BPTNMT nếu được phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng thì sẽ có hiệu quả tốt hơn: “Tâm lý người dân là tin vào khoa học, tin vào BS, vào những gì họ được nghe, được thấy và được phổ biến rộng rãi. Bản thân tôi khi còn trẻ nếu biết được thông tin như hôm nay thì sức khỏe hiện tại đã khác rồi. Tôi ân hận đã hành động nông nổi, lúc đó chỉ thích hút thuốc để “ra vẻ” với bạn bè, đến lúc ghiền thì không thể rời bỏ được nữa”.
Ông Nguyễn Trung Hiếu, 73 tuổi, sau hơn 40 năm “gắn bó” với thuốc lá, nếu không vướng vào BPTNMT từ năm 2008 thì chắc đến giờ này ông vẫn là “dân nghiện”. Sau 5 năm ra vào bệnh viện như đi chợ, ông Hiếu có cảm giác “mình lúc nào cũng phiền đến con cháu, vừa mất thời gian và tốn tiền của”.
Với ông Hiếu, “Đây là một bài học lớn cho cuộc đời. Tôi chỉ mong những người thanh niên trẻ đừng vì cớ này cớ nọ, vì buồn phiền, vì nể bạn, vì phải tiếp khách, vì phải có cảm xúc để sáng tác nghệ thuật… mà mượn điếu thuốc làm vui. Nếu không đến một lúc nào đó khi nhận ra thì đã muộn màng”.
Bài, ảnh: Bích Vân
BS. Vinh khuyến cáo, việc lưu tâm đến đợt cấp là quan trọng vì nó chiếm 70% chi phí trực tiếp điều trị BPTNMT, đồng thời đây cũng là thời điểm gây nguy cơ tử vong cho bệnh nhân. BS. Vinh  trích dẫn số liệu 750.000 trường hợp nhập viện ở Mỹ vì BPTNMT trong đợt cấp thì có 10-15% tử vong, mức độ tử vong tăng 40% trong 1 năm và 70% sau 5 năm. 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)