Cha mẹ cần quan tâm đúng mức để trẻ không bị trầm cảm, stress. Ảnh: P.N.Q |
Con cái xa lánh bố mẹ bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có cả hội chứng trầm cảm, stress. Nếu phụ huynh (PH) không có sự quan tâm đúng mức thì trẻ phát triển không hoàn thiện về tâm lý và thể lý.
Về vấn đề này, BS. Thái Thị Thanh Thủy – Trưởng khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM đánh giá, đối với trẻ em sự trầm cảm biểu hiện theo từng độ tuổi khác nhau. Thông thường chỉ đến khi trẻ trên 3 tuổi, PH mới phát hiện được những biểu hiện của trẻ bị trầm cảm. Dễ thấy nhất là trẻ chậm nói hơn so với các bé cùng lứa. Trong mối quan hệ với mọi người, trẻ có biểu hiện rối loạn hành vi. Nói cách khác là hành vi bất bình thường hơn so với các trẻ bình thường khác. Khi bé vào tuổi mẫu giáo, PH sẽ phát hiện ra những triệu chứng hoảng loạn đôi khi lo âu sợ sệt vô cớ. Đến khi bước vào cấp tiểu học, trẻ học hành không bằng bạn bè do gặp nhiều khó khăn trong học tập. Vào độ tuổi dậy thì, cả nam và nữ có thể có biểu hiện rối loạn giới tính, khó khăn trong các mối quan hệ không chỉ trong gia đình mà cả ở trường lớp và bên ngoài xã hội. Cũng theo BS. Thanh Thủy, các bậc làm cha làm mẹ hơn ai hết phải phát hiện kịp thời để tìm cách chữa trị khoa học nhất. Muốn vậy, trước hết PH phải có kiến thức theo lứa tuổi. Kiến thức này có thể lấy từ trong sách vở hoặc từ kinh nghiệm sống của bản thân mỗi người, đặc biệt là lời khuyên của các BS chuyên khoa.
PV: Thưa BS, như vậy lúc nào cha mẹ cũng cần phải bao bọc con của mình?
Không hoàn toàn như vậy. Hiện nay cách đối xử con cái của PH có 2 thái cực khác nhau. Có gia đình quá nuông chiều con cái, khi thấy con có việc gì bất thường thì quy lỗi cho xung quanh, cho những người khác. Có người mẹ khi biết con mình bị điểm kém lại quy kết thầy cô cho rằng giáo viên xử ép. Bao bọc quá dễ làm hư con cái, có khi gây cho con không tự nhận thức được về bản thân mình. Lại có PH không hề quan tâm tới con do lao vào công việc làm ăn và cho rằng dạy con là trách nhiệm của nhà trường, thầy cô. Đây cũng là quan niệm sai lầm vì cứ nghĩ rằng: Việc ai người đó làm, thiếu trách nhiệm với nhau. Đến khi nhận ra thì quá muộn vì con cái đã xa lánh và cả thờ ơ với bố mẹ.
Điều này có nghĩa là cha mẹ phải biết cách chăm sóc và dạy dỗ con?
Đúng thế. Kỹ năng cơ bản về giáo dục trong gia đình của người làm cha làm mẹ rất quan trọng vì nó quyết định đến sự uốn nắn hành vi của con cái. Nếu thấy quá sức thì chúng ta nên nhờ người có chuyên môn như các chuyên gia tâm lý, giáo viên tư vấn tâm lý nhất là khi con bị chứng trầm cảm hay stress. Thế nhưng, thực tế lại có PH tự cho mình là BS, giáo viên nên không cần tới ai cả. Đây là một sai lầm bởi vì dù anh là giáo viên nhưng không phải là lúc nào cũng đều có cách dạy con tốt. Đến khi ý thức được thì bệnh đã nặng hơn trước.
Thế nhưng có ý kiến cho rằng, cha mẹ không nên áp đặt con mọi thứ, thưa BS?
Đây lại là một khía cạnh khác. Quan tâm không có nghĩa là áp đặt. PH thường thất vọng về con do muốn con đạt được điều mà trước đây mình không đạt được như mơ ước trở thành kỹ sư, BS, giáo viên… Thế nhưng, họ quên một điều là con họ không có năng khiếu và sở thích như vậy. Vì thế họ tìm mọi cách bắt ép con mà không hiểu con có đồng ý hay không. Vô tình họ đã mắc phải những sai lầm trầm trọng. Đây cũng là lý do làm cho con cái xa lánh cha mẹ.
Như vậy là do con cái không dám cãi lời cha mẹ?
Vì không dám cãi lời cha mẹ, con cái đành phải nghe theo nhưng không chịu làm và không bao giờ làm. Từ đó họ cho rằng con hư hỏng, đã không làm cũng chẳng có ý kiến gì. Thực tế cũng có trường hợp nếu có làm thì chỉ để cho cha mẹ vui lòng một cách tạm thời mà thôi. Vì thế, có không ít sinh viên bỏ ngang giảng đường ĐH để đi theo ngành nghề các em đã chọn từ trước. Vì thế muốn hạn chế tiêu cực cho con em mình, PH cần biết hướng theo chiều hướng tích cực cho trẻ. Điều đó muốn nhấn mạnh rằng, cần để cho trẻ phát triển tự nhiên theo đúng khả năng, như vậy con cái mới có cơ hội thành đạt. Nếu can thiệp thì phải khéo léo, chừng mực. Nên đưa ra nhiều phương án để con lựa chọn. Dù đó là lựa chọn của cha mẹ nhưng con vẫn chịu hợp tác vì nghĩ đó là của mình.
Nói cách khác là cần sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình, phải không thưa BS?
Đúng vậy, mà muốn gắn kết thì cha mẹ và con cái cần có sự gần gũi với nhau hơn. Bữa ăn gia đình là một yếu tố quan trọng tạo nên sự gắn kết. Ngày gặp nhau 3 bữa trong mâm cơm đoàn tụ, nếu do hoàn cảnh thì ít nhất một ngày phải sum họp được một lần. Như vậy các thành viên trong gia đình mới có cơ hội gắn bó hòa hợp tạo thành nếp sinh hoạt quen thuộc. Bữa ăn là thời điểm mọi người dễ bộc lộ tâm trạng, chia sẻ và can thiệp. Chỉ cần 15 phút cũng được, phải tập lúc còn bé bởi nếu không lớn lên sẽ khó vào nếp hơn.
Muốn vậy cha mẹ phải thường xuyên tiếp cận với con cái?
Như trên đã nói, tiếp cận trực tiếp là tốt nhất. Nếu do hoàn cảnh thì mỗi tuần hay mỗi tháng một lần khi cha mẹ đi công tác hoặc con xa nhà. Nếu không thì tiếp cận gián tiếp bằng cách gặp gỡ nhau qua điện thoại, tin nhắn, thư từ, email… Như vậy con cái mới có cảm giác ấm áp là lúc nào cũng có bố mẹ bên cạnh để an ủi, sẻ chia. Con cái khỏe mạnh, trưởng thành thì cha mẹ, gia đình mới có hạnh phúc.
Xin cảm ơn BS!
Quang Phan (thực hiện)
Bình luận (0)