Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Kịch tìm đường… co cụm

Tạp Chí Giáo Dục

Gần đây, một số điểm diễn sân khấu có sự thay đổi, nên nhiều người đặt câu hỏi liệu kịch TP.HCM đang suy yếu?

Vở "Nửa đời ngơ ngác" của sân khấu Hoàng Thái Thanh – một trong số ít vở kịch gây ấn tượng tốt cho khán giả thời gian gần đây – ảnh: P.Quang

Đầu tiên là NSƯT Hồng Vân đã bỏ rạp Kim Châu, để cho nghệ sĩ Linh Huyền “làm bầu” cải lương nơi đây. Như vậy, kịch Phú Nhuận của cặp Lê Tuấn Anh – Hồng Vân chỉ còn hai điểm diễn tại Trung tâm Văn hóa Phú Nhuận và Supper Bowl. Nghệ sĩ Minh Hoàng, Phó giám đốc phụ trách nghệ thuật của kịch Phú Nhuận, nói: “Lực lượng diễn viên chỉ chừng ấy mà phân tán ra ba điểm diễn thì rất mệt. Thiếu người nên cứ thay vai tùm lum. Chi bằng gom lại hai điểm là vừa sức, để bảo đảm kịch mục và chất lượng”. Thật sự, với khoảng 40 diễn viên, mỗi đêm 2 vở (cho 2 sân khấu) là vừa vặn. Với những vở “hoành tráng” như Nỏ thần thì “ngốn” luôn 40 người. Thỉnh thoảng, có những vở lớn đem ra Nhà hát TP.HCM, hoặc tăng cường 2, 3 suất diễn vào dịp lễ, tết, thì càng tốn diễn viên. Cho nên, sự “co cụm” này suy ra lại là dấu hiệu tốt.

Sự xuất hiện của nhóm kịch Gia Bảo tại sân khấu Trần Cao Vân khiến mọi người nghĩ rằng sân khấu kịch IDECAF đang thu hẹp lại. Ông bầu sân khấu kịch Huỳnh Anh Tuấn cười trấn an: “Chúng tôi vẫn diễn đó chứ. Nhưng vì chỉ khai thác có 3 đêm tại đây nên thấy phí, bèn mời anh em cộng tác để sáng đèn cả tuần. Nhiều diễn viên thiếu sân chơi, mình bỏ không sân khấu thì uổng quá!”. Trong kịch mục của Gia Bảo có mặt Minh Nhí và Trung Dân, đều là “người cũ” của kịch IDECAF, nên phối hợp rất ăn ý.

Kịch Sài Gòn từng một thời đình đám, nay trụ tại rạp Đại Đồng xem ra có phần lặng lẽ hơn. Diễn viên Mạnh Tràng lại về quản lý thay cho Giám đốc Phước Sang mải mê với phim ảnh, mới khoảng nửa năm nên chưa thể có “đột biến”. Cầm cự được đã là mừng, nhờ chiến lược hạ giá vé chỉ còn 50.000 đồng, thu hút được giới công nhân và sinh viên học sinh.

Cái đáng lo chính là chất lượng vở diễn dường như ngày càng yếu hơn. Một sân khấu dàn dựng khoảng 4-8 vở/năm, nhưng có rất ít vở gây ấn tượng. Thông thường các vở đều đạt tiêu chí để duyệt phúc khảo và bán vé, nghĩa là không vi phạm gì, nội dung có một chút bi, một chút hài, một chút tình yêu, thế là khán giả vừa lòng. Vừa lòng, cũng có nghĩa “không chê”, chịu bỏ tiền đi xem coi như thư giãn. Nhưng có khi xem xong rồi quên nhanh, trôi tuột giữa dòng thông tin, thời cuộc. Còn đâu những vở khi xuất hiện là đem tới đắm đuối, mê say, khắc khoải, đến cả chục năm vẫn còn lưu luyến.

Nghệ sĩ Thanh Hoàng, Giám đốc Nhà hát Sân khấu nhỏ TP.HCM, lắc đầu: “Chuyện muôn thuở vẫn là thiếu kịch bản hay. Không có bột chẳng cách nào gột nên hồ!”. Ông Huỳnh Anh Tuấn cũng nói: “Tìm kịch bản hay đỏ con mắt. Những kịch bản tầm tầm dù chúng tôi có cố gắng gia cố đến đâu thì cũng tới mức đó mà thôi chứ không thể hơn được”.

Cái đẹp sân khấu ngày càng ít đi, thay vào đó là những trần tục, thô bạo. Dĩ nhiên, vẫn có những vở tốt, nhưng số đó ít ỏi quá, nên người ta vẫn cảm nhận sân khấu đang “xuống” dần là như thế!

Hoàng Kim (Theo TNO)

 

Bình luận (0)