Y tế - Văn hóaDinh dưỡng học đường

Hoàn Ngọc, cây thuốc quý phục vụ sức khỏe cộng đồng

Tạp Chí Giáo Dục

Cây Hoàn Ngọc (tên khoa học là Preuderantherum PalaliFerum Radlk), dân gian thường gọi là cây con khỉ hay cây xuân hoa; được PGS, TS KH Trần Công Khánh phát hiện giữa những năm 90 của thế kỷ 20 tại rừng Cúc Phương.
Giới thiệu sản phẩm trà Hoàn Ngọc với người tiêu dùng.
Cây Hoàn Ngọc ở Việt Nam có mười loài khác nhau, nhưng trong kho dữ liệu về cây thuốc của thế giới tại Trường đại học I-li-noi (Hoa Kỳ) lại không có tên loại cây này. Cho nên, phát hiện ra cây Hoàn Ngọc là một đóng góp to lớn của Việt Nam vào kho tàng gien quý của thế giới.
Các nhà khoa học Nhật Bản ở Trường đại học Nông nghiệp và Công nghệ Tô-ky-ô, Viện Nghiên cứu quốc tế về khoa học nông nghiệp Fuchu, cũng như các nhà nghiên cứu của Trường đại học Nông nghiệp Cần Thơ đã xác định cây Hoàn Ngọc có khả năng hỗ trợ phòng ngừa hơn 20 loại bệnh cho người. Chẳng hạn như các bệnh tiêu chảy, viêm họng, đau dạ dày, chảy máu, táo bón, trĩ, viêm ruột kết, liệt cơ mặt, u bướu, cao huyết áp… Nhóm các nhà khoa học thuộc Phòng hóa Terbenes, do PGS, TS Nguyễn Văn Hùng (nguyên Phó viện trưởng Viện Hóa học, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) chủ trì, đã tiến hành nghiên cứu, phân lập các chất có trong lá và rễ của cây Hoàn Ngọc. Kết quả là nhóm khoa học đã phát hiện từ loại cây này những hoạt chất sinh học có giá trị như Lupeol, Lupenone, Betulin, a-xít Pomolic… Ðáng chú ý trong đó là chất Lupeol, một tác nhân có khả năng hỗ trợ để điều trị ung thư tuyến tụy. Loại bệnh này, hiện đang là thách thức với y học hiện đại, bởi tế bào bệnh không chỉ kháng thuốc mà còn làm giảm khả năng hóa – lý điều trị do sự rối loạn của hệ thống hoạt hóa, ngăn cản các loại thuốc phân hủy tế bào ung thư tuyến tụy. Chất Lupeol, qua thử nghiệm của các nhà khoa học quốc tế thì ở nồng độ thấp (10 micromolar), Lupeol có thể ngăn chặn các tế bào ung thư tuyến tiền liệt và các tế bào bệnh khác theo đường tín hiệu FAS.
Một sự tình cờ là những năm 1998 – 2000, ông bà Bảy Nga, ở thị xã Tây Ninh, ban đầu nghe dư luận trong nhân dân về tác dụng của cây Hoàn Ngọc, đã sơ chế từng ít một, và nấu nước làm từ thiện giúp người dân đi đường uống đỡ khát. Ðiều không ngờ là sau một thời gian sử dụng, không ít người đã gửi thư cảm ơn ông bà Bảy Nga, và cho biết sản phẩm do ông bà chế biến, đun nước uống đã giúp họ khỏe ra; các bệnh về rối loạn tiêu hóa, phong tê thấp giảm hẳn. Từ việc thành lập doanh nghiệp, mở rộng sản xuất, cách đây khoảng bốn năm, ông bà Bảy Nga tính chuyện hợp tác với Viện Hóa học, nhờ các cán bộ ở đây nghiên cứu, tách chiết nhằm xác định một cách khoa học, đầy đủ các chất có hoạt tính sinh học của cây Hoàn Ngọc mà lâu nay ông bà gắn bó, phục vụ người lao động nghèo trong vùng. Sự liên kết giữa doanh nghiệp và nhà khoa học, đã giúp cơ sở Bảy Nga nâng sản phẩm trà Hoàn Ngọc thông thường thành một loại thực phẩm chức năng (được Bộ Y tế công nhận và cấp giấy phép), với tác dụng giải khát, kháng khuẩn, kháng nấm; đồng thời hỗ trợ phòng chống viêm nhiễm nội tạng, ngăn chặn các tế bào ung thư, HIV/AIDS. Theo ông bà Bảy Nga, việc liên kết, ứng dụng khoa học – công nghệ và sản xuất, kinh doanh sản phẩm trà Hoàn Ngọc đang được các cơ quan chức năng xem xét và đề nghị phát triển thành đề tài cấp Nhà nước vào cuối năm nay.
Theo NGUYỄN KHÔI
(NDDT)

Bình luận (0)