Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Hậu quả do nuôi con thiếu khoa học

Tạp Chí Giáo Dục

Nuôi con đúng cách và khoa học sẽ giúp phòng ngừa bệnh tật cho trẻ
Người xưa có câu “Sinh con đã khó, nuôi con còn khó hơn”. Mỗi khi con bệnh, ai mách bảo “phương thuốc gia truyền” nào các ông bố, bà mẹ cũng đều làm theo. Hậu quả là trẻ không những không khỏi mà bệnh còn nặng hơn…
Nhiễm trùng máu vì… một tháng không tắm
Cuối tháng 5-2011 vừa qua, bé N.H.Đ – 19 tháng tuổi, nhà ở Bạc Liêu phải nhập viện vì bị bệnh ở da kéo dài cả tháng. Lúc đầu bé Đ. nổi nốt đỏ ở da toàn thân, sau đó những tổn thương này chảy nước vàng ở bụng, cổ, lưng, mông và các nếp gấp da rồi đóng thành vảy khô. Theo mách bảo của người quen, cha mẹ của bé đã lấy nước lá của rất nhiều loại cây để tắm cho bé nhưng bệnh không hề thuyên giảm. Lúc đó, mẹ bé cứ nghĩ là do con ăn thức ăn ngọt, thức ăn phong nên bắt bé kiêng nhiều thức ăn, đồ uống hàng ngày. Cụ thể là không cho bé uống sữa, không cho ăn thịt cá mà chỉ cho ăn cháo trắng trong suốt một tháng trời. Thêm vào đó, thay vì vệ sinh da sạch sẽ hàng ngày cho bé thì gia đình lại bắt bé phải cữ tắm, suốt ngày ủ kín để tránh gió. Đến khi sức khỏe của bé ngày càng yếu, gia đình mới đưa bé nhập bệnh viện địa phương. Ngay lập tức, bé được chuyển ngay đến Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM. Lúc này, cân nặng của bé chỉ còn 7kg và trong tình trạng suy dinh dưỡng nặng, sốt cao, ăn uống kém. Da toàn thân đỏ, nổi nhiều nốt mủ và xuất hiện các vết nứt, miệng – mũi đều bị loét. Qua khám bệnh, kết quả xét nghiệm xác định bé bị nhiễm trùng máu, vi trùng tụ cầu do biến chứng của nhiễm trùng ở da. Các bác sĩ phải tiêm thuốc kháng sinh, vệ sinh da, điều chỉnh dinh dưỡng cho bé suốt một tháng mới khống chế được tình trạng nhiễm trùng và tổn thương ở da.
Những sai lầm cha mẹ nên tránh
Theo bác sĩ Nguyễn Hải Thoa – Bệnh viện Nhi đồng 1 thì: “Bệnh da ở trẻ em nếu điều trị và chăm sóc không phù hợp, dễ dẫn đến biến chứng toàn thân. Người lớn cần hiểu rõ những nguy cơ để tránh, không nên tự điều trị theo kinh nghiệm. Tránh kiêng ăn uống, cữ gió, cữ nước làm bệnh nặng hơn. Sử dụng thuốc và giữ vệ sinh da đúng cách sẽ giúp trẻ mau lành bệnh. Nếu cha mẹ chỉ cho bé ăn cháo trắng, kiêng cữ canh, rau, trái cây sẽ làm cho trẻ thiếu năng lượng và các dưỡng chất để hồi phục bệnh. Bởi nhu cầu dinh dưỡng của trẻ bệnh phải cao để bù lại năng lượng mất do bị bệnh. Do đó, cách tốt nhất là cung cấp đủ nguồn dinh dưỡng cho trẻ như sữa, thịt, cá, trứng, rau, trái cây”.
Khi bệnh, trẻ thường chán ăn, bỏ bữa dẫn đến sụt cân và có thể bị suy dinh dưỡng. Do vậy, cần giúp trẻ thấy dễ chịu, thoải mái và ăn được nhiều hơn bằng cách cho ăn thành nhiều bữa, với thức ăn lỏng giàu chất dinh dưỡng hơn và thời gian ăn nên kéo dài hơn bình thường. “Với trẻ từ 1 tuổi trở lên, nên duy trì cho trẻ bú mẹ hay uống sữa ngoài vì đây là thức ăn cần thiết cho giai đoạn tăng trưởng và phát triển cả về thể chất lẫn trí não. Sau ốm, phải tăng cường các thức ăn có nhiều đạm, giàu vitamin để phòng tránh suy dinh dưỡng, ảnh hưởng tới khả năng phát triển trí tuệ của trẻ sau này. Ủ kín, cho trẻ ở trong phòng tối sẽ gây nhiều khó khăn trong chăm sóc lẫn ảnh hưởng xấu đến trẻ.
Bài, ảnh: Thùy Linh

Bình luận (0)