Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Điều trị chứng khó tiêu

Tạp Chí Giáo Dục

Người bị chứng khó tiêu nên tránh xa bia rượu, thuốc lá… (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: L.Đ.L

Khó tiêu – đầy bụng (sình bụng) là triệu chứng cảm thấy no hơi, nặng bụng, no lâu, chán ăn, nóng rát vùng thượng vị, khó chịu do có sự tích khí trong đường tiêu hóa, do tiêu hóa không tốt nên thức ăn bị ứ đọng ở dạ dày.
Có bệnh nhân lại bị ợ hơi, có cảm giác vướng nghẹn ở cổ họng. Tất cả các triệu chứng trên liên quan đến rối loạn về co bóp của dạ dày hoặc của thực quản. Ngoài ra, người bị chứng khó tiêu có thể bị đau ở vùng thượng vị mà dân gian thường gọi là đau vùng chấn thủy.
Nguyên nhân và cách điều trị
Nguyên nhân thông thường là do cách ăn uống: khi ăn thức ăn chua cay, nhiều gia vị, nhiều dầu mỡ rất dễ bị khó tiêu. Có người chỉ cần ăn nhiều tinh bột và chất xơ cũng bị đầy bụng khó tiêu. Đôi khi do ăn quá nhanh, nhai không kỹ, nuốt vội nên dẫn đến dễ nuốt nhiều hơi trong lúc ăn. Giờ giấc ăn uống không ổn định, ăn no mà nằm ngay cũng có cảm giác tức bụng; Do lạm dụng một số chất kích thích như rượu, cà phê, thuốc lá: các chất này làm tăng tiết axit dịch vị, làm tăng cảm giác nóng rát ở vùng thượng vị và gây ợ chua; Do nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori: người ta ghi nhận một nửa số người bị chứng khó tiêu có nhiễm Helicobacter pylori và khi điều trị khỏi nhiễm khuẩn này thì triệu chứng có thể thuyên giảm hoặc mất đi; Do căng thẳng thần kinh, bị stress: nhiều áp lực trong công việc cũng làm rối loạn co bóp dạ dày và tăng tiết dịch vị. Nguyên nhân bệnh lý là do viêm loét dạ dày – thực quản, viêm thực quản hồi lưu, bệnh gan mật. Rối loạn chuyển hóa: đái tháo đường, cường giáp, suy giáp; do tác dụng phụ xảy ra trên đường tiêu hóa của một số thuốc chữa bệnh: như kháng sinh, thuốc giảm đau hạ sốt, thuốc kháng viêm, corticoid, thuốc giãn phế quản… Đặc biệt, nếu các triệu chứng khó tiêu xảy ra ở bệnh nhân trên 45 tuổi kèm theo một số dấu hiệu như: có sốt, ói hay đi tiêu ra máu, thiếu máu, chán ăn, sụt cân, nuốt đau, khó nuốt thì phải điều trị kịp thời nếu không rất nguy hiểm đến tính mạng. Thuốc thường được dùng là Domperidone maleate. Thuốc này cải thiện tình trạng đầy hơi, khó tiêu và làm cho mau đói bụng. Tuy nhiên, chỉ nên sử dụng khoảng 5-7 ngày, nếu sau đó chứng khó tiêu vẫn không thuyên giảm, bệnh nhân phải đến bác sĩ để khám. Nếu bệnh nhân bị đau thượng vị, có thể kết hợp các thuốc giảm tiết axit hoặc trung hòa axit dịch vị sẽ làm cho bệnh nhân giảm đau và cảm thấy dễ chịu hơn.
Những loại thực phẩm khó tiêu
Đây là những loại thực phẩm mà người bị chứng khó tiêu nên thận trọng khi sử dụng: gà rán (các món chiên thường chứa nhiều dầu mỡ, điều này gây ra sự khó tiêu trong bao tử. Những món này còn có thể gây nôn mửa và tiêu chảy cho người có tiền sử bệnh về đường ruột; ớt (mặc dù vị cay của ớt giúp kích thích ta ăn ngon miệng hơn, nhưng đồng thời cũng sẽ gây ra sự trầy xước dọc theo đường thực quản); sôcôla (ăn nhiều sôcôla sẽ không tốt cho việc tiêu hóa. Một thỏi nhỏ thì không sao nhưng nếu ăn một lúc ba thỏi thì không nên. Đặc biệt đối với những người mắc bệnh hồi lưu dạ dày thực quản, dù chỉ ăn một ít cũng sẽ không tốt cho sự tiêu hóa); nước cam ép (loại axit có trong thức uống này gây xước thực quản. Để tránh đau bao tử, bạn không nên uống cam ép khi chưa ăn gì vào buổi sáng); hành tươi và tỏi, hẹ (tuy được cho là có ích cho sức khỏe, giúp bảo vệ tim mạch nhưng đồng thời cũng gây đau bao tử. Tốt nhất nên nấu chín hoặc dùng chung trong hỗn hợp sống và chín, như thế không những giúp khử hoạt tính mà còn tận dụng được lợi ích của nó; kem (loại thực phẩm chế biến từ sữa nên sẽ chứa nhiều chất béo). Đây là chất lưu lại trong bao tử lâu hơn so với các loại thức ăn khác trước khi được tiêu hóa); các loại đậu (có thể gây đau dạ dày).
TS. DS Nguyễn Hữu Đức
(Trường Đại học Y dược TP.HCM)
 

Bình luận (0)