Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Phòng bệnh tay chân miệng: Thực hiện “3 sạch”

Tạp Chí Giáo Dục

Bệnh nhân TCM đang điều trị tại BV Nhi đồng I – TP.HCM

Chỉ mới hơn 2 tháng đầu năm 2012, cả nước đã có 11 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (TCM) tử vong, trong đó TP.HCM có 1 ca. Vậy, làm sao để bảo vệ con em mình trước sự bùng phát dữ dội của dịch TCM như hiện nay trong khi chưa có vắc-xin phòng bệnh?
Vi rút gây bệnh có ở khắp nơi
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: “Bệnh TCM là bệnh nhiễm vi rút cấp tính, thường mắc ở trẻ dưới 5 tuổi. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da, chủ yếu ở dạng bỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Bệnh xuất hiện rải rác quanh năm, số ca mắc tăng từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12”.
Nguồn bệnh là người mắc bệnh, người mang vi rút không triệu chứng. Thời gian ủ bệnh từ 3-7 ngày. Thời kỳ lây bệnh, vài ngày trước khi phát bệnh, mạnh nhất là trong tuần đầu của bệnh và có thể kéo dài vài tuần sau đó. Thậm chí sau khi bệnh nhân hết triệu chứng. Vi rút có khả năng đào thải qua phân trong vòng 2-4 tuần, cá biệt lên tới 12 tuần sau khi nhiễm. Vi rút cũng tồn tại, nhân lên ở đường hô hấp trên và đào thải qua dịch tiết từ hầu họng trong vòng 2 tuần. Ngoài ra, vi rút còn có nhiều trong dịch tiết từ các nốt bỏng nước, vết loét của bệnh nhân.
Bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa: Thức ăn, nước uống, bàn tay của trẻ hoặc của người chăm sóc trẻ, các đồ dùng, đặc biệt là đồ chơi, vật dụng sinh hoạt hàng ngày (chén, bát, đĩa, thìa, cốc) nhiễm vi rút từ phân hoặc dịch nốt bỏng, vết loét, dịch tiết đường hô hấp, nước bọt. Ngoài ra, bệnh cũng có thể lây truyền do tiếp xúc trực tiếp người – người qua các dịch tiết đường hô hấp, hạt nước bọt.
Các yếu tố có thể làm gia tăng sự lây truyền và bùng phát thành dịch là: Mật độ dân số cao, sống chật chội, điều kiện vệ sinh kém, thiếu nhà vệ sinh, thiếu hoặc không có nước sạch phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày.
Phòng bệnh ở nhà và ở trường
Bộ Y tế vừa ban hành hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh TCM. Theo đó khuyến cáo người dân phải tự giác thực hiện “3 sạch”: Ăn (uống sạch); ở sạch; bàn tay sạch và đồ chơi sạch.
Cụ thể, rửa tay thường xuyên bằng xà bông dưới vòi nước chảy nhiều lần/ngày (cả người lớn và trẻ em). Ăn chín – uống sôi, vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch trước khi dùng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi). Không mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi, không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống chưa được khử trùng. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà bông hoặc các chất tẩy rửa khác. Sử dụng nhà cầu hợp vệ sinh, phân, các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà cầu.
Tuyệt đối không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa đi khám hoặc báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long khuyến cáo: “Nếu bệnh nhân được chỉ định điều trị tại nhà thì phải cách ly ít nhất 10 ngày kể từ ngày khởi phát bệnh. Người nhà phải theo dõi bệnh nhân, khi thấy trẻ có các biểu hiện như giật mình, rung giật cơ, đi loạng choạng, ngủ gà, yếu liệt chi, mạch nhanh, sốt cao (>=39,50C) thì phải đưa ngay đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời. Ở trường mầm non, trẻ mắc bệnh không được đến lớp ít nhất 10 ngày, chỉ đến lớp khi hết loét miệng và các bỏng nước. Giáo viên cần theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ hàng ngày. Khi phát hiện trong lớp, trong trường có trẻ nghi ngờ mắc bệnh phải thông báo cho gia đình và cán bộ y tế để xử lý kịp thời”.
Bài, ảnh: Kim Anh

Bình luận (0)