Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

“Thay áo mới” cho phim Việt

Tạp Chí Giáo Dục

Cảnh trong bộ phim Đồng quê. Ảnh: TFS
Những bộ phim Việt xoay quanh chuyện tình yêu lãng mạn tay ba, tay tư của các công tử – tiểu thư con nhà giàu với nhà lầu, xe hơi, vũ trường; hay đưa các nhân vật bác sĩ, nàng “Lọ Lem” hóa rồng mang dáng dấp của phim Hàn Quốc hiện nay đã bão hòa. Phim Việt gần đây đã bắt đầu “thay áo mới” với hai mảng đề tài nông thôn và chính luận nhận được sự ủng hộ từ phía khán giả.
Tâm huyết gìn giữ những làng nghề truyền thống
Những bộ phim nói về làng nghề truyền thống ở nông thôn vốn một thời sôi động trên màn ảnh phía Bắc. Còn phim truyền hình phía Nam mới tham gia với đề tài này từ bộ phim truyền hình dài tập Miền đất phúc của đạo diễn Đinh Đức Liêm nói về việc bảo tồn và phát triển gốm sứ nổi tiếng ở Bình Dương được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Tiếp theo là bộ phim Hương phù sa do Võ Tấn Bình đạo diễn tạo “cú hích” khi đề cập một thế hệ trẻ, dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn quyết tâm không để nghề đóng ghe xuồng truyền thống tại Bến Tre bị mai một. Bộ phim Vàng trong cát đang phát sóng trên kênh HTV9 là cuộc hành trình của cô gái trẻ mồ côi Hoài Sa cùng những người con xứ Bình Thuận trong việc gầy dựng sự nghiệp của mình bằng nghề làm nước mắm truyền thống và trồng thanh long xuất khẩu sang châu Âu. Một màu vàng tươi tắn trải dài trên cánh đồng hoa vạn thọ bát ngát là những hình ảnh đẹp mắt lạ lẫm với khán giả thành phố khi xem bộ phim Hoa vàng nơi ấy đang phát sóng trên HTV7. Bộ phim nói về cuộc sống của người dân ven sông Tiền trong cơn sóng đô thị hóa, với những câu chuyện ấm áp về tình làng nghĩa xóm, tình yêu chân thành của các chàng trai cô gái miền sông nước nổi tiếng về trồng hoa vạn thọ… Điều đọng lại với khán giả trong bộ phim Thiên đường ở bên ta vừa kết thúc trên Đài Truyền hình Vĩnh Long chính là tâm huyết làm rạng danh nghề dệt chiếu truyền thống của người dân quê Đồng Tháp. Nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân nhận xét: “Xem các bộ phim này, khán giả thành thị vừa có cơ hội được tận mắt chứng kiến những làng nghề Nam Bộ mà mình chưa được biết, đồng thời còn cảm thấy tự hào trước tình yêu quê hương, đất nước của một lớp người trẻ năng động, hết mình với niềm đam mê dù có khó khăn đến đâu cũng không thể chào thua”. Hiện, bộ phim Chuyện tình làng hoa (30 tập, đạo diễn Vĩnh Khương) – câu chuyện về những gia đình nông dân sinh sống bằng nghề trồng rau màu và hoa kiểng tại làng hoa Gò Vấp xưa đang bấm máy được khán giả rất quan tâm. Ông Nguyễn Việt Hùng – Giám đốc Hãng phim TFS cho biết: “Trong năm 2011, đề tài phim về nông thôn của hãng chiếm đến 30%. Trong đó, đáng chú ý nhất là bộ phim Đất mặn dài 45 tập do đạo diễn Tường Phương thực hiện nói về những người nông dân Nam Bộ thời đi mở đất. Một bộ phim cũng đang trong giai đoạn bấm máy là Đồng quê (19 tập, đạo diễn Phương Nam). Theo tôi, phim về đề tài này luôn có sức hút nhất định nếu như các nhà làm phim nhìn vấn đề một cách thấu đáo”.
Phim chính luận cũng “vào cuộc”
Thành công từ bộ phim Bí thư tỉnh ủy của đạo diễn Quốc Trọng là động lực để các nhà làm phim dũng cảm hơn khi quyết định đầu tư cho phim chính luận. Bộ phim Vùng đất không yên tĩnh đang phát sóng trên HTV7 cung cấp cho khán giả cái nhìn đa chiều về vấn đề ô nhiễm môi trường, phòng chống tham nhũng. Tác giả kịch bản Bùi Anh Tấn cho biết đã sử dụng những dữ liệu từ thực tế như vụ đất đai tại Đồ Sơn, vụ xả nước thải gây ô nhiễm của Nhà máy Tung Kuang và Vedan, vụ tha hóa đạo đức… Phim góp thêm tiếng nói trong việc huy động sức mạnh toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, giáo dục ý thức cộng đồng về môi trường. Nhiều người gọi phim Chạm tới hoàng hôn được phát sóng trên HTV9 là “hàng độc” bởi đây là bộ phim đầu tiên nói về cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008-2009, ảnh hưởng của nó đến ngành dệt may gia công xuất khẩu. Qua đó tái hiện một cách xác thực những vấn đề mà các doanh nghiệp Việt Nam thường vấp phải trong việc kinh doanh tại thị trường trong và ngoài nước đồng thời đề cao chủ trương “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”.Theo đạo diễn Nhâm Minh Hiền, đạo diễn phim Vùng đất không yên tĩnh thì: “Làm phim chính luận khó hơn nhiều so với các đề tài khác nên để nó đi vào lòng khán giả một cách tự nhiên thì bản thân người làm không nên liệt kê, lên án các mặt trái của xã hội như kiểu phim tài liệu, mà là kể chuyện đời, chuyện người bằng nhiều hình ảnh đẹp, lãng mạn. Qua đó, khán giả sẽ thấy bật lên những tội ác cần lên án…”.
Long Lữ

Ông Nguyễn Anh Xuân – Trưởng ban Khai thác phim truyện HTV cho biết: “Chúng tôi luôn khuyến khích các nhà sản xuất đầu tư cho hai dòng phim đề tài nông thôn và chính luận. Chỉ cần có phim hay thì dù lượng quảng cáo có thấp hơn so với các phim tình yêu thời thượng, nhà đài vẫn tạo điều kiện thuận lợi cho phim lên sóng trong “giờ vàng”…”.

 

Bình luận (0)