Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Kịch cho tuổi học trò: Kỳ 1: Một thời oanh liệt

Tạp Chí Giáo Dục

Cảnh trong vở Thi ơi là thi. Ảnh: H.Duẩn
Thời gian qua, hầu hết các sân khấu kịch tại TP.HCM đua nhau dàn dựng những vở kịch đề tài kinh dị, hài kịch dân gian nhằm đảm bảo doanh thu cho phòng vé. Tuy nhiên, đề tài dành cho tuổi học trò là một mảnh đất màu mỡ nhưng các sân khấu kịch đã “vô tình” bỏ qua, không “khai phá”…
Những dư âm đọng lại…
Trong khi các bộ phim đề tài tuổi học trò đang nở rộ trên khắp sóng truyền hình thì sân khấu kịch lại không mặn mà với nó. Nếu bảo rằng đề tài này khó bán vé thì không hẳn bởi cách nay không lâu, các vở kịch đề tài này từng được dàn dựng, biểu diễn thành công, thu hút đông đảo khán giả trẻ lẫn khán giả người lớn đến xem. Sân khấu kịch 5B là đơn vị tiên phong khi dàn dựng vở Mùa hè cuối cùng (đạo diễn Công Ninh) nói về những cô cậu học trò lớp 12 vì hoàn cảnh gia đình nghèo khó, không có điều kiện học tiếp đại học, bước vào đời sớm nên vấp phải nhiều cạm bẫy chực chờ. Vở kịch đã “lấy” rất nhiều nước mắt của khán giả. Cũng trên sân khấu này, vở kịch Người đưa đò của đạo diễn Minh Nhí xoay quanh mối quan hệ thầy trò trong một ngôi trường làng nghèo thu hút khán giả. Sân khấu kịch Phú Nhuận cũng “vào cuộc” với vở Cô giáo Hạnh của đạo diễn Nguyễn Lâm. Bất cứ ai xem vở kịch này đều thật sự xúc động. NSƯT Hồng Vân đã “thổi” vào nhân vật cô giáo Hạnh chất mộc mạc, sâu lắng, trăn trở của nhà giáo. Dù cuộc sống nghèo nàn, thanh đạm nhưng cô vẫn sống với niềm đam mê, tâm huyết được đứng trên bục giảng. Là giáo viên chủ nhiệm lớp 12A3, trong đó có nhiều học sinh cá biệt, gây ra bao sự cố cho lớp. Nhưng cô vẫn nhẹ nhàng quan tâm, khuyên nhủ, giúp các em nhận ra lỗi lầm và chú tâm vào việc học hơn. Tiếp theo đó, đồng loạt các sân khấu trình làng những vở kịch giáo dục giới tính cho lứa tuổi mới lớn. Vở Trái cấm trên Sân khấu Thế Giới Trẻ (thuộc Trường ĐH Sân khấu điện ảnh TP.HCM) được tác giả kiêm đạo diễn Nguyễn Quốc chuyển tải rất sâu sắc. Cũng là hình ảnh của cô cậu học sinh cấp 3, lứa tuổi đang có khao khát tìm hiểu về tình dục. Và khi những thắc mắc, bí ẩn của tình dục không được giải đáp cặn kẽ trong các giờ học giới tính ở nhà trường đã khiến cho các cô cậu học sinh này càng tò mò hơn, đi đến quyết định nếm thử “trái cấm” để rồi gây ra những hậu quả khôn lường. Vở thực sự gây xúc động và đồng cảm với các bạn tuổi teen. Vở Trai mới lớn của đạo diễn Hồng Vân đề cập đến một vấn đề xảy ra khá nhiều trong xã hội hiện nay. Đôi khi môi trường giáo dục không phù hợp khiến tuổi teen ngộ nhận và phát triển lệch lạc về giới tính. Giống như trường hợp của Tân, cậu học sinh lớp 12, con một gia đình giàu có, mẹ mất sớm, ba Tân bận rộn với nhiều công việc, hiếm khi có dịp gần gũi với con, song mỗi lần gặp gỡ là mỗi lần quát mắng. Ngược lại, cô ruột của Tân lại chăm sóc Tân thái quá, không khác gì nuôi dạy một đứa cháu gái. Sự cô đơn trong chính ngôi nhà của mình khiến cho Tân trở nên ủy mị, yếu đuối và đặt trọn “tình yêu” của mình vào Vinh – chàng sinh viên ở trọ trong nhà Tân. Rất may, Vinh và những người bạn cùng lớp của Tân đã sớm giúp cậu trở lại với giới tính đích thực của mình. Nhà hát kịch TP.HCM cũng sáng đèn liên tục với vở kịch Thi ơi là thi. Không đơn giản là một vở hài kịch giải trí nhẹ nhàng mà vở còn nóng hổi tính thời sự, châm biếm về chuyện thi cử và căn bệnh chạy theo thành tích trong ngành giáo dục. Đạo diễn Hoàng Duẩn cho biết những chi tiết mà anh đọc trên báo chí hàng ngày đã được đem vào vở. Vở góp một tiếng nói đồng hành cùng quyết tâm của cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thiện Nhân về việc chống “bệnh thành tích trong giáo dục”.
Hiếm có kịch bản hay
Đạo diễn Minh Nhí tâm sự: “Tôi đã từng dàn dựng một số vở kịch nói về thế giới học đường công diễn trên sân khấu cũng như làm vở tốt nghiệp cho học trò của mình được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Vốn là nhà giáo nên tôi rất tâm huyết với mảng đề tài này. Tuy nhiên, đội ngũ tác giả hiện nay hầu hết đều “chạy” theo các đề tài thời thượng hoặc các bộ phim truyền hình dài tập để có thu nhập cao nên muốn có một kịch bản hay cho tuổi học trò, cứ như mò kim đáy biển…”. Đồng quan điểm, NSƯT Hồng Vân – Giám đốc Sân khấu kịch Phú Nhuận tâm sự: “Hai con tôi – Xí Ngầu và Trê Phi đang trong tuổi mới lớn. Tôi rất tâm huyết với việc dàn dựng mảng kịch tuổi học đường, bởi không chỉ để hai con tôi vào những vai diễn phù hợp với lứa tuổi, tâm sinh lý, mà cũng để cho các em 9X không còn “đói” kịch cho lứa tuổi của mình. Nhưng điều khó khăn nhất là vấn đề kịch bản, rất hiếm khi có kịch bản hay để dàn dựng. Vì vậy, trong khi chờ đợi kịch bản mới của tác giả Diệu Như Trang, tôi phải chọn biện pháp là dàn dựng lại những kịch bản cũ. Tôi luôn đặt suy nghĩ của mình vào độ tuổi này để có cách làm cho thật phù hợp”.
HIỆP THANH – KHÔI NGUYÊN

Hầu hết các đạo diễn đều cho rằng dàn dựng kịch cho tuổi học trò thật thú vị bởi họ cảm thấy như đang sống lại cái thời thơ mộng, dấu yêu ấy. Vẫn các câu chuyện rất đời thường trong thế giới học đường, nhưng qua đó phải mang thông điệp giáo dục, hướng các bạn trẻ đến một đời sống lành mạnh, biết thực hiện những ước mơ, hoài bão của mình một cách thiết thực và hiệu quả nhất.

Kỳ 2: Dòng kịch tuổi học trò đang trở lại

Bình luận (0)