Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Công nghệ giải trí kỹ thuật cao: Kỳ cuối: Thời nhạc công biết… “múa”

Tạp Chí Giáo Dục

Bài hát Việt – một trong những chương trình ca nhạc hiếm hoi hiện nay ca sĩ hát thật với ban nhạc đệm. Ảnh: Lý Võ Phú Hưng
Nạn “hát nhép” vẫn và sẽ tiếp tục bị tẩy chay. Còn các nhạc công biết… “múa” để chơi nhạc “nhép” cũng đang làm đau đầu các nhà quản lý. Nhiều người hoài nghi: “Làm sao có thể như vậy được, nhìn các nhạc công vừa đánh đàn, vừa lắc lư và phiêu linh theo âm thanh của họ, thế mà…?!?”.
Đi tìm nguyên nhân
Cách đây không lâu, người viết bài này có lần nhận được lời mời đi đệm đàn (thế chỗ một thành viên trong ban nhạc bận đột xuất) cho chương trình ca nhạc khá đình đám tại Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM. Khi hỏi giờ giấc tập luyện thì được trả lời “Khỏi cần tập”. Hỏi danh mục sẽ được trình diễn thì “Chưa biết ca sĩ sẽ hát bài gì”. Tôi cảm thấy vô cùng lo lắng vì thiếu sự chuẩn bị. Trước giờ diễn, tôi lên sân khấu chuẩn bị nhạc cụ, lên dây đàn, cắm dây tín hiệu âm thanh. Đến khi yêu cầu người điều chỉnh âm thanh cho kiểm tra tín hiệu âm thanh của đàn thì được trả lời: “Khỏi cần kiểm tra”. Đến lúc này, tôi mới vỡ lẽ ra rằng ban nhạc sẽ “múa” suốt cả chương trình. Sau khi show diễn kết thúc, tôi và các thành viên khác trong ban nhạc cũng nhận được tiền thù lao. Tôi ngẫm nghĩ, đây là số tiền họ trả cho việc thuê nhạc cụ và… “múa”. Tay trống nổi tiếng T.T cho biết: “Thật tình mà nói, chẳng có người nhạc công nào thích đứng làm “màu” cho ca sĩ trên sân khấu như vậy (ngoại trừ những nhạc công còn yếu về chuyên môn nhưng sớm… háo danh). Nhưng thực tế hiện nay, rất hiếm chương trình ca nhạc có sự đầu tư nghiêm túc, có sự tập luyện giữa ca sĩ và ban nhạc?!?”
Trước đây, ca sĩ muốn trình diễn bắt buộc phải có ban nhạc đệm hoặc chí ít phải có một nhạc công đệm piano hay guitar. Vai trò của nhạc công lúc bấy giờ rất quan trọng. Thế là các nhạc công “nhà ta” tỏ ra coi thường các ca sĩ, “yêu sách” này nọ với các bầu show. Có trường hợp ban nhạc bỏ về nửa chừng làm hỏng cả một chương trình hoặc đã có ca sĩ phải khóc ròng vì bị ban nhạc “bán đứng” trên sân khấu. Quan hệ giữa ban nhạc với ca sĩ trở nên rất căng thẳng. Ca sĩ phải “biết điều” với ban nhạc, nếu không thì tông bài hát sẽ được nâng lên hoặc hạ xuống quá thấp so với tông chuẩn của ca sĩ, hoặc tốc độ bài hát sẽ rất nhanh hoặc rất chậm so với bình thường. Các ca sĩ tỏ ra vui vẻ, niềm nở với ban nhạc mỗi khi lên sân khấu mặc dù trong lòng rất ấm ức. Các nhạc công thì lý giải cho hành động của mình: “Chúng tôi trình diễn suốt cả chương trình, vậy mà tiền cát-xê còn thấp hơn họ hát một bài. Thật bất công”.
Khi máy MD ra đời, nó trở thành một “ban nhạc” vô cùng ngoan ngoãn và lý tưởng của các ca sĩ bởi không cần phải mất thời gian tập luyện với ban nhạc nữa. Kể từ đó, khi ca sĩ bước lên sân khấu trình diễn, họ cũng chẳng cần biết sau lưng mình là ai. Trong câu chào hoặc cảm ơn khán giả của họ cũng mất luôn từ “ban nhạc” quen thuộc ngày nào. Các bầu show khi làm chương trình cũng không quan tâm đến vấn đề ban nhạc. Chỉ cần chọn những người đẹp trai, có nhạc cụ đẹp hoặc một số chương trình lớn thì chọn các nhạc công có tên tuổi để quảng cáo. Nhạc công và nhạc cụ bây giờ như những vật trang trí cho sân khấu thêm phần sống động.
… Và hậu quả
Hậu quả rõ ràng nhất của việc sử dụng máy MD thay thế ban nhạc là ngày càng hiếm những nhạc công giỏi và yêu nghề. Những người giỏi thật sự thì chỉ có thể “sống” được bằng việc mở phòng thu âm. Cũng xa rồi cái thời mà nhiều bạn trẻ ước mơ có được một cây đàn, chầu chực cả ngày ở nhà các “thầy đàn” để xin thọ giáo với khao khát được trình diễn trên sân khấu. Các nhạc công đang hành nghề thì mất dần ý chí tập luyện, trau dồi nên tay nghề ngày càng mai một. Vì tập luyện cả ngày chỉ để tối đến làm “cascadeur” trên tiếng đàn của người khác thì tập luyện làm gì?
Đối với ca sĩ, khả năng hát được với ban nhạc hay người đệm đàn là một kỹ năng bình thường và tối thiểu. Vậy mà có nhiều ca sĩ xem việc hát được với “nhạc sống” là một kỳ tích phi thường. Trong các chương trình có quay hình, khi camera quay cảnh cận đặc tả tay người đánh đàn mà tiếng đàn đi một nơi còn tay thì đi một nẻo. Có khi bài hát đã bắt đầu mà nhạc công chưa cầm đàn lên, ngược lại đôi lúc đã kết thúc mà tay nhạc công vẫn còn “lả lướt” trên phím đàn. Đứng mãi trên sân khấu mà chẳng được chơi một bài nào, nhiều nhạc công cố gắng chơi theo bản nhạc đang được phát cho… đỡ buồn ngủ. Nhiều khi do “quá hứng” có người đã đánh không trúng bài mà còn đánh to hơn cả tiếng nhạc đang phát trên đĩa làm ca sĩ không tài nào hát được. Khán giả thì được nghe một thứ âm thanh hỗn độn như ở chợ kim khí điện máy. Hạnh phúc và niềm vui của người nhạc công là được đem tiếng đàn của mình góp vui cho đời, là được cùng với nhau tạo nên một bản hòa âm hay. Một chương trình nghệ thuật đúng nghĩa phải được những nhạc công trình diễn bằng tài năng và cảm xúc thật của chính mình.
Duy Bách

Theo GS-NS Thế Bảo thì: “Tình trạng này còn một hậu quả vô cùng nguy hiểm về lâu dài vì nó làm cho những nhạc công trẻ mất đi tính khiêm nhường học hỏi. Tần số xuất hiện “múa” trên truyền hình nhiều sẽ tạo nên “tên tuổi ảo” cho các nhạc công cũng như ban nhạc, trong khi khả năng và kinh nghiệm của họ còn rất non nớt, vì họ chẳng tiến bộ được chút nào sau những lần “đóng thế vai” đó”.

 

Bình luận (0)