Cán bộ làm công tác xã hội (CTXH) trong lĩnh vực y tế tại các bệnh viện giúp bệnh nhân trị liệu tốt hơn. Tại cộng đồng, họ tham gia quản lý, tư vấn cho người nhiễm HIV, sức khỏe sinh sản, phòng chống tai nạn thương tích… Tuy nhiên, hiện tại, Việt Nam vẫn chưa triển khai đào tạo nguồn nhân lực có vai trò khá quan trọng này.
Sự tư vấn của nhân viên công tác xã hội với người bệnh cũng đóng vai trò quan trọng trong điều trị bệnh.
|
Khó khăn của công tác xã hội trong y tế
Thời gian gần đây, mô hình hoạt động CTXH trong lĩnh vực y tế đã hình thành ở một số bệnh viện tuyến trung ương và cộng đồng. Nhưng cho đến nay, đội ngũ cán bộ tham gia mô hình vẫn chưa được đào tạo bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng CTXH.
Theo ThS. Dương Thị Minh Thu, Tổ trưởng Tổ CTXH, Bệnh viện Nhi Trung ương: Sau gần 2 năm hoạt động, mỗi thành viên trong tổ CTXH đã trở thành cầu nối giữa người bệnh và cán bộ y tế, tích cực vận động xã hội chung tay góp phần chia sẻ để vơi đi nỗi đau bệnh tật, đem lại niềm vui, giúp gia đình các cháu bé giảm bớt khó khăn.
Tuy nhiên, vì chưa có quy định chức năng nhiệm vụ cho tổ CTXH nên chưa có chính sách cho cán bộ làm công tác này. Cán bộ thì thiếu (chỉ có 5 cán bộ) và chưa được đào tạo về CTXH. Ngay bản thân tôi làm công tác quản lý cũng chưa được tham gia khóa học về CTXH”, ThS. Dương Minh Thu chia sẻ.
Cũng chung mối quan tâm làm thế nào phát triển CTXH trong các BV, TS. Nguyễn Văn Thọ, nguyên Giám đốc BV Tâm thần TW II (Đồng Nai) khẳng định: Hiện nay, tại các BV chưa có mô hình CTXH thực sự hoàn chỉnh vì đội ngũ cán bộ làm công tác này đều chưa được đào tạo chính quy. Trong khi đó, vai trò của cán bộ CTXH trong việc hỗ trợ bác sĩ điều trị cho bệnh nhân rất quan trọng.
Giúp phục hồi, tái thích ứng hiệu quả
Đối với bệnh tâm thần, việc khám và phát thuốc đến người bệnh chỉ đạt được 50% hiệu quả điều trị, số còn lại phụ thuộc vào điều trị tâm lý, tái thích ứng xã hội (thông qua các hoạt động như lao động, thể dục thể thao, vui chơi giải trí)… Nhưng trên thực tế, các bệnh nhân tâm thần nặng khi đến các cơ sở y tế hiện nay hầu như chỉ được khám và phát thuốc. Nguyên nhân cũng vì quá tải. Hơn nữa, bác sĩ tâm thần ít được đào tạo về ứng dụng liệu pháp tâm lý trong điều trị bệnh tâm thần. “Cán bộ làm CTXH không chỉ giúp giải quyết các mâu thuẫn trong mối quan hệ giữa bệnh nhân và nhân viên y tế mà còn có vai trò không nhỏ trong việc cùng bác sĩ nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân. Trong quá trình điều trị, cán bộ CTXH sẽ tới tận gia đình bệnh nhân để tìm hiểu mối quan hệ của bệnh nhân cũng như các yếu tố môi trường tác động tới bệnh nhân. Những “dữ liệu” này sẽ được chuyển tải tới bác sĩ, để cùng phối hợp trong công tác chăm sóc, điều trị, thậm chí theo dõi bệnh nhân khi đã ra viện, TS. Thọ lý giải.
Tuyển cử nhân tâm lý, cử nhân nông nghiệp cho bệnh viện
Nhận thức được vai trò của CTXH trong điều trị cho bệnh nhân tâm thần, Ban giám đốc BV Tâm thần TW II đã có sáng kiến: Tuyển thêm cử nhân tâm lý, cử nhân nông nghiệp để hướng dẫn bệnh nhân trồng trọt, mời chuyên gia trong lĩnh vực mỹ nghệ để dạy nghề, tạo thêm việc làm cho bệnh nhân… Kết quả đánh giá từ các nghiên cứu cho thấy, bệnh nhân phục hồi nhanh hơn và sớm được trở về với cộng đồng hơn. “Để có thể duy trì được hoạt động này, chúng tôi đề nghị với Bộ Y tế được trả lương cho những người làm CTXH tại BV theo ngạch kỹ thuật. Do vậy, các BV rất mong mỏi có được đội ngũ cán bộ CTXH được đào tạo bài bản và sớm có quy định cụ thể về biên chế, mã ngạch để thuận tiện trong việc quản lý, sử dụng cán bộ”, TS. Nguyễn Văn Thọ nhấn mạnh. Không chỉ có các BV đang gặp nhiều vướng mắc trong việc phát triển CTXH mà Sở Y tế các tỉnh, thành cũng đang ở trong tình trạng tương tự.
Theo phản ánh của đại diện Sở Y tế tỉnh Lào Cai, hiện nay, trong các bệnh viện tại tỉnh chưa có cán bộ làm CTXH, cán bộ y tế người Kinh ít biết tiếng dân tộc, thiếu kỹ năng về CTXH. Tại cộng đồng, cán bộ CTXH là nguồn lực chính trong việc triển khai các hoạt động của các chương trình y tế, đưa công tác chăm sóc sức khỏe tới người dân. Chất lượng của các công tác này phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng của mạng lưới cán bộ. Thế nhưng, đội ngũ này chưa hề được đào tạo, mới chỉ nhận diện chung chung về CTXH trong y tế… Ngoài ra, do làm bán chuyên trách, phụ cấp thấp nên đội ngũ này cũng thường xuyên thay đổi, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động của các chương trình y tế.
Chính vì lẽ đó, PGS.TS. Nguyễn Dung, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng: “Để duy trì, nâng cao hoạt động của các chương trình y tế tại cộng đồng, cần phải nghiên cứu mô hình để sắp xếp, bố trí phù hợp hoạt động của mạng lưới cán bộ CTXH tại cộng đồng. Việc đào tạo chính quy và chuyên môn hóa mạng lưới này cũng là vấn đề quan trọng cần sớm được triển khai”.
Theo Phương Liên
(SucKhoeDoSong)
Bình luận (0)