Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Khi bác sĩ đi tuyến

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Ðề án 1816 được Bệnh viện Trung ương Huế triển khai đến các bệnh viện tuyến tỉnh ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã được 3 năm. Với đội ngũ cán bộ y tế nhiệt tình, tay nghề cao, các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên…
Bệnh viện Trung ương Huế đã giúp các bệnh viện tuyến tỉnh nâng cao tay nghề, sử dụng thành thạo những kỹ thuật tiên tiến và trang thiết bị hiện đại. Nhờ đó góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng sâu, vùng xa.
Từ đào tạo
Ðề án 1816 "Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh" là một chủ trương lớn của ngành y tế. Trước đây, nhiều bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh tuy được đầu tư trang thiết bị hiện đại, đồng bộ từ máy thông dụng đến máy móc hiện đại nhưng nhiều nơi vẫn phải "đắp mền" vì không có người sử dụng. Chính điều này đã đòi hỏi phải đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực ở các bệnh viện tuyến y tế cơ sở. Ðây là cơ hội để chuyển giao kỹ thuật đào tạo nguồn cán bộ tại chỗ và để giảm tải tuyến trên. Bệnh viện Trung ương Huế là một trong 3 bệnh viện đặc biệt (trực thuộc Bộ Y tế), là nơi thực hiện nhiệm vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân 16 tỉnh, thành khu vực miền Trung và Tây Nguyên, đồng thời là cơ sở đào tạo cán bộ y tế cho mạng lưới y tế miền Trung.

 Bác sĩ về gần với dân giúp giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.

Nhận thức tầm quan trọng và tính cấp thiết của đề án, Ban Giám đốc Bệnh viện đã thành lập ban chỉ đạo, cử các đoàn cán bộ có trình độ chuyên môn cao khảo sát thực tế, từ đó xác định mục tiêu hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật cho từng bệnh viện. PGS. Phạm Như Hiệp, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết: "Trước khi chuyển giao kỹ thuật cao về các bệnh viện tuyến tỉnh, các đơn vị tuyến y tế cơ sở phải cử người về Bệnh viện Trung ương Huế học các kỹ thuật cơ bản. Bệnh viện không đào tạo ồ ạt, mà chỉ đào tạo khoảng từ 1 – 3 bác sĩ hoặc kỹ thuật viên và tạo điều kiện để họ tham gia phẫu thuật như những bác sĩ đa khoa, đến khi nào họ thực hiện tương đối tốt các kỹ thuật mới trở về địa phương. Khi về tuyến tỉnh chuyển giao kỹ thuật, những ca đầu tiên chúng tôi vừa làm vừa hướng dẫn để cán bộ y tế nơi đó đứng ngoài xem, những ca sau thì trực tiếp "cầm tay, chỉ việc" cụ thể từng động tác, dần dần sau đó để họ chủ động tất cả các khâu…".

… đến thực hiện
Hàng trăm kỹ thuật mới và phức tạp như: nội soi can thiệp, phẫu thuật tim hở, tim mạch can thiệp, phẫu thuật nội soi… đã "theo chân" bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế tỏa về các tỉnh, cơ sở y tế tuyến dưới, phục vụ "tại chỗ" cho người dân nghèo mắc bệnh hiểm. Nhiều ca bệnh khó đã được điều trị thành công tại tuyến y tế cơ sở, không phải chuyển lên tuyến trên, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trung ương, đồng thời giảm chi phí cho người bệnh. Một trong những người có nhiều tháng bám trụ với cơ sở nhất là BS. Nguyễn Thuần, Phó trưởng Khoa Ngoại tổng hợp. Ông cùng các bác sĩ của bệnh viện đã tận tình hướng dẫn, trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao được nhiều kỹ thuật ngoại khoa cũng như hoàn thiện một số kỹ thuật cơ bản thuộc chuyên ngành ngoại tiêu hóa và tiết niệu, nhất là trong lĩnh vực nội soi. Ông cũng giúp tuyến y tế cơ sở ở các tỉnh hệ thống hóa quy trình thiết lập, vận hành và bảo dưỡng máy móc, dụng cụ chuyên ngành nội soi, bảo đảm vận hành tốt, an toàn.
BS. Thuần cho biết: "Theo Ðề án 1816, tôi đã đi các tỉnh tổng số 14 tháng, có bệnh viện ở 3 tháng, nhưng cũng có bệnh viện ở đến 6 tháng. Có những nơi đã có máy nội soi nhưng bác sĩ chỉ phẫu thuật mổ hở vì chưa thực hiện được phẫu thuật nội soi nên bệnh nhân phải nằm viện lâu ngày, nhưng khi chúng tôi đến hướng dẫn họ phẫu thuật bằng nội soi, chỉ từ 3 – 5 ngày là người bệnh được xuất viện. Chúng tôi đã chuyển giao cho bệnh viện tuyến tỉnh nhiều sáng kiến và những kinh nghiệm tích lũy được sau nhiều năm làm nghề để rút ngắn thời gian phẫu thuật, giúp bệnh nhân hồi phục nhanh và đỡ tốn kém chi phí trong khi điều trị bệnh".
Khó khăn cần tháo gỡ
Tuy nhiên, việc thực hiện Ðề án 1816 tại Bệnh viện Trung ương Huế cũng gặp phải một số khó khăn. Ðó là địa bàn công tác luân phiên trải dài từ Hà Tĩnh đến Ninh Thuận… cho đến Tây Nguyên, nhiều địa phương ở vùng sâu, vùng xa, không có các tuyến xe vận chuyển nên việc kiểm tra, giám sát, đánh giá… gặp nhiều khó khăn. Một số bệnh viện tuyến dưới chưa chuẩn bị sẵn sàng nhân lực hoặc chất lượng nguồn nhân lực chưa bảo đảm, cán bộ luân phiên có khi vừa làm thầy, vừa phải làm thay nên kéo dài thời gian hỗ trợ và chuyển giao. Theo BS. Thuần, ở một số nơi, đồng nghiệp của họ phải giải quyết quá nhiều công việc mà thiếu thốn từ nhân lực đến các phương tiện cần thiết, việc cập nhật kiến thức cũng rất khó khăn. Có bác sĩ phải trực "giã gạo" (liên tục) và phải đi mổ phiên trong lúc trực cấp cứu (đây là một điều cấm trong quy chế trực) vì không có người.
Ðể Ðề án thật sự phát huy hiệu quả, cần có chính sách đãi ngộ, thu hút nhân lực về công tác ở các bệnh viện tuyến tỉnh; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, máy móc trang thiết bị; có kế hoạch đào tạo cho cán bộ, kết hợp đào tạo ngắn hạn (tập huấn, chuyển giao kỹ thuật tại chỗ, cử ê-kíp cán bộ đi học ở bệnh viện tuyến trên…) với đào tạo dài hạn cho cán bộ tuyến dưới (chuyên khoa I, chuyên khoa II, thạc sĩ…). Một số chuyên khoa chỉ cần tăng cường theo từng đợt ngắn ngày do đặc tính của kỹ thuật và số lượng bệnh nhân.
Theo Nguyễn Công
(SucKhoeDoiSong)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)