Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Triết lý về Cây đời đoạt cành cọ vàng LHP Cannes64

Tạp Chí Giáo Dục

Đại diện đến từ kinh đô điện ảnh Hollywood đã giành được Cành cọ vàng danh giá của LHP Cannes với bộ phim đậm chất triết lý The tree of life (Cây đời). Điều đáng tiếc là đạo diễn Terrence Malick đã vắng mặt trong lễ trao giải.

Chuỗi ngày rộn ràng, sôi nổi của mùa LHP Cannes lần thứ 64 tại khu nghỉ dưỡng French Riviera (Đông Nam nước Pháp) đã khép lại với kết quả gần đúng với dự đoán trước đó. Trong danh sách những bộ phim được giới truyền thông đánh giá cao, luôn xuất hiện The tree of life của đạo diễn Terrence Malick, vị đạo diễn xuất sắc của LHP Cannes lần thứ 32 (năm 1979) với phim Days of Heaven (Chuỗi ngày nơi thiên đường).

Terrence Malick là một trong những đạo diễn được kính trọng nhất ở Hollywood nhưng điều đặc biệt là ông rất kín tiếng với giới truyền thông, ít nhắc đến những dự định của mình mà chỉ xuất hiện vào những thời khắc thật cần thiết.

Lý do được ông đưa ra là vì ông muốn chuyên tâm quan sát, sáng tác, không muốn mất tập trung và bị chi phối bởi sự ồn ào của giới nghệ sĩ. 30 năm theo nghề, ông chỉ cho ra mắt vỏn vẹn 5 phim truyện, đều là những bộ phim sâu sắc, chuyển tải thông điệp mang tính triết lý rút ra được từ những câu chuyện giản dị và chân thật nhất của cuộc sống, chạm đến những ngóc ngách tâm lý rất thật ở mỗi khán giả.

Poster phim The tree of life với bàn chân em bé sơ sinh thắp lên niềm hy vọng vào mỗi hình hài bé nhỏ

“Số phận” của The tree of life được cho là khá truân chuyên. Năm 2005, đạo diễn Terrence Malick mời Colin Farrell và Mel Gibson tham gia bộ phim. Sau đó, Sean Penn và Heath Ledger được chọn để thay thế. Heath Ledger (sau đó từ trần) lại từ chối vai diễn để cuối cùng Brad Pitt có cơ hội làm việc cùng đạo diễn Terrence Malick. Điều đặc biệt là cô vợ cũ Jennifer Aniston của Brad Pitt cũng tham gia sản xuất bộ phim này.

Bối cảnh phim diễn ra vào giai đoạn những năm 1950 trong một gia đình trung lưu ở bang Texas của nước Mỹ. Brad Pitt trong vai bố của Jack – cậu con trai luôn phải đấu tranh với hai thái cực hoàn toàn trái ngược nhau giữa bố và mẹ, giữa sự điên rồ, ích kỷ và sự dịu dàng, rộng lượng.

Vì thế, thời ấu thơ của Jack là sự pha trộn giữa niềm vui, hạnh phúc, nỗi ám ảnh và luôn đối diện với sự lạc lõng trong chính tâm hồn mình, cảm thấy tất cả những điều xung quanh đều không thoát khỏi một sự sắp đặt vô hình nào đó để rồi đau đáu tìm cho mình một ý nghĩa sống đích thực. Đến khi Jack làm cha, sự cân bằng trong anh bị phá vỡ, đẩy lên đến xung đột.

Poster ban đầu của phim là hình bàn chân của một em bé sơ sinh nằm gọn trong đôi bàn tay, với ý nghĩa chuyển giao thế hệ với sự vun đắp, tin tưởng và hy vọng. Sau đó, poster mới ra mắt là những mảnh ghép lấy từ bối cảnh phim, thể hiện những lát cắt đan xen trong cuộc sống.

Phim khép lại với kết thúc mở. Tuy vẫn là đấu tranh trong tâm trí của nhân vật Jack nhưng người xem có thể cảm nhận được sợi chỉ xuyên suốt bộ phim mà đạo diễn Terrence Malick đã gửi gắm là niềm tin: mỗi khoảnh khắc trong cuộc đời luôn có ý nghĩa riêng.

Dù hạnh phúc hay đau thương thì cũng không quan trọng bằng việc mỗi người đã dừng chân lại cảm xúc ấy bao lâu, có thể mang nó theo bao lâu hay có thể biến nó thành điều ý nghĩa, động lực cho cuộc đời mình hay không mà thôi.

NHƯ QUỲNH (Theo SGGP)

Bình luận (0)