Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Những thước phim “xâu chuỗi” hiện thực

Tạp Chí Giáo Dục

Bữa tiệc phim thịnh soạn và miễn phí mang tên Liên hoan phim tài liệu quốc tế lần thứ 3 đã được bày trước công chúng TP.HCM và Hà Nội từ ngày 6 đến 14-6.

Ông Đinh Đình Phú – nhân vật chính của phim Khoảng cách – chào khán giả tại liên hoan phim tài liệu – Ảnh: Bùi Dũng

Bảy phim của châu Âu được "ghép đôi", "đối thoại" với bảy phim của Việt Nam chiếu trong một tuần liên tục, đủ để người xem dựng lên được một "album ảnh" nhiều màu sắc của đời sống hôm nay.

Cách lựa chọn các tác phẩm mang hơi thở đương đại, có tính thời sự và cách bố trí các tác phẩm trình chiếu theo từng cặp cho thấy đơn vị tổ chức (Hội Các viện trao đổi văn hóa châu Âu – EUNIC cùng Hãng Phim tài liệu và khoa học trung ương) đã có sự chuẩn bị kỹ càng trên cơ sở nguồn phim phong phú. Ðiều này không chỉ giúp bật lên chủ đề chung của liên hoan phim là "Một đất nước không có phim tài liệu giống như một gia đình không có album ảnh"; mà còn cho thấy ý đồ tạo sự xâu chuỗi, gắn kết qua những tác phẩm, cho dù đến từ quốc gia nào.

Nghệ thuật và giới trẻ là chủ đề đậm nét trong những thước phim của các nhà làm phim tài liệu tham dự liên hoan. Các phim như Múa với Pietragalla: trên đầu mũi chân, Hãy nói, Nghệ thuật bị đánh cắp, Những điệu múa cổ, Hiệu ứng Chopin, Kèn đồng là những mảnh ghép đan xen sinh động của nhiều giá trị nghệ thuật cổ điển và đương đại, thái độ tiếp nhận của người trẻ, nguy cơ khiến những giá trị tinh thần cơ bản bị đánh mất…

1 – Tính chất tài liệu gắn với thực tế đời sống đã được 14 bộ phim có sự liên thông về đề tài thể hiện khá rõ. Người ta có thể "kiểm chứng" được tính chân thực của những gì đã được đưa lên phim. Nữ đạo diễn người Ý Isabel Achaval trực tiếp có mặt tại Hà Nội để giới thiệu về bộ phim đầu tay Những câu chuyện mưa.

Ðây là bộ phim "xuyên quốc gia" bởi nó mang "quốc tịch" Ý nhưng lại do Ðài truyền hình Bỉ đồng sản xuất. Ðây còn là câu chuyện của một phụ nữ trẻ đã chọn rời đất nước Argentina nơi mình sinh ra để đến sống tại Brussels. Nơi đất khách, nhân vật chính đã gặp những người phụ nữ đồng cảnh ngộ, cùng họ chia sẻ những ước mơ và nguyên do khiến mỗi người phải xa rời quê hương mình.

Bộ phim dài 52 phút này được "vắt qua" Lời ru thì buồn – phim của Việt Nam, cũng chọn những người phụ nữ làm đề tài chính và ở đây là những phụ nữ đứng giữa hai bờ "hi vọng" và "ảo vọng" khi lấy chồng ngoại hay theo chồng mưu sinh xứ khác. Hiện thực đa dạng và tương đồng giúp khán giả có cái nhìn rộng mở, sát thực hơn từ thế giới tới Việt Nam.

2 – Trong buổi chiếu phim Khoảng cách, khán giả được tiếp xúc trực tiếp với nhân vật chính là ông Ðinh Ðình Phú – người dân bình thường đứng ra tố cáo các quan tham "ăn đất" ở Ðồ Sơn (Hải Phòng) trong hành trình đi tìm công lý dài đằng đẵng.

Sau khi xem bộ phim của Việt Nam từng được trao giải Cánh diều vàng 2006, đại sứ của Thụy Sĩ tại Việt Nam đã có phần phát biểu "ngoài lề", bày tỏ sự cảm phục với ông Phú, với nhà báo Nguyễn Thị Hải – những người đấu tranh cho lẽ phải… Chính lòng dũng cảm, sự trung thực của họ đã chiến thắng được lòng tham – thứ đã tạo nên khoảng cách khó có thể thu hẹp trong xã hội.

Ngay sau trải qua 30 phút phim về hiện thực còn đang nóng bỏng, nhức nhối đó ở Việt Nam, khán giả được tiếp nối mạch đề tài một cách nhẹ nhàng và trùng khớp. Bộ phim Cleverland chống lại Phố Wall (Thụy Sĩ) dài tới 93 phút, được dựng với hình thức giống "phim truyện", kể câu chuyện về những người dân bị tịch biên nhà, bị đẩy vào cuộc sống lang bạt, khốn khó theo đuổi vụ kiện tụng không có hồi kết trước 21 ngân hàng. Phim gợi đến cái sâu hơn về bản chất của sự bóc lột, của lòng tham đến từ các "đại gia" ngân hàng và các nhà tài phiệt tư bản.

Cũng nằm trong mạch "xâu chuỗi" này còn có Mumbai – đứt kết nối, bộ phim của Ðan Mạch, khi chuyển khán giả đến một thành phố khác là Mumbai (Ấn Ðộ) để chứng kiến những mặt trái của cơn lốc đô thị hóa nơi đây. Ði liền với bộ phim này là Ðất lạnh của Việt Nam về cuộc biến động xã hội ở nông thôn. Nhà làm phim chỉ ra rằng nông dân Việt Nam đang đứng trước những thách thức về sự nghèo đói, buộc họ phải đối mặt với những cơ chế, kỹ năng mới và đặc biệt là vượt qua rào cản về nếp nghĩ, lối sống cổ truyền để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.

3 – Việc đưa tới những bộ phim gần gũi với hiện thực của Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới khiến những thước phim tài liệu vốn vẫn bị tiếng là khô khan, khó tiếp nhận trở nên sinh động, phong phú hơn, phù hợp với đông đảo công chúng vốn mang những mối quan tâm khác nhau.

Tuy vậy, tên gọi chính thức là "liên hoan phim" xem ra chưa chuẩn xác lắm. Với một tuần chiếu phim liên tục như đã diễn ra thì nên gọi đây là Tuần lễ phim tài liệu quốc tế (The 3rd international documentary film week) thay vì liên hoan phim (festival) thì sẽ hợp lý và chuẩn xác hơn… Và như thế, với tín hiệu tốt từ Tuần lễ phim lần thứ 3 này, khán giả hi vọng ở lần thứ tư, hai phía Việt Nam và châu Âu tạo nên một liên hoan phim tài liệu quốc tế có quy mô lớn hơn, giàu giá trị hơn.

BÙI DŨNG (Theo TTO)

Bình luận (0)