Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Tình yêu nước qua đóa sen hồng

Tạp Chí Giáo Dục

Nghệ nhân Thân Văn Huy bên sản phẩm hoa sen giấy tại triển lãm
Tối 12-6 vừa qua, tại Công viên 23-9 (TP.HCM) đã diễn ra lễ bế mạc Triển lãm ảnh và lấy ý kiến nhân dân bầu chọn “quốc hoa” Việt Nam. Kết quả, hoa sen hồng dẫn đầu cuộc bầu chọn (cả 3 miền) và trở thành “quốc hoa” Việt Nam.
Đến với triển lãm ảnh lần này, ngoài hàng trăm bức ảnh về các loại hoa mai, đào, sen hồng… Ban tổ chức còn trưng bày nhiều cổ vật trang trí hoa từ thời kỳ văn hóa Đông Sơn đến thế kỷ XX.
Hào hứng tham gia và bầu chọn
Qua những cổ vật như bộ ly tách uống trà, ấm nấu nước, khay rượu… cho thấy, đề tài hoa xuất hiện khá sớm trong nghệ thuật tạo hình. Và hơn hết là hoa được các nghệ nhân thể hiện thật tài tình và khéo léo trong các đề án trang trí. Hoa được phản ánh trên cổ vật phong phú về chủng loại, đặc sắc về bố cục. Đặc biệt là hoa sen hồng cũng xuất hiện khá sớm và xuyên suốt theo chiều dài lịch sử dân tộc qua những vật dụng sinh hoạt hàng ngày.
Chị Hà Thị Ngọc Dung (Bến Ba Đình, Q.8) cũng tranh thủ sau giờ tan tầm chở con gái 13 tuổi đến để tham quan và bầu chọn. Chị Dung cho biết: “Đây là dịp để các em, lớp trẻ thể hiện tình yêu quê hương đất nước và thấu hiểu lịch sử văn hóa của quê hương mình, từ đó hướng các em đến các hoạt động văn hóa lành mạnh”.
Về đêm, khu vực triển lãm và lấy ý kiến nhân dân bầu chọn quốc hoa đông nghẹt. Từ các em nhỏ đến các cụ già, từ tầng lớp trí thức đến bình dân… Anh Nguyễn Văn Thảo (Q.4) đội mưa chở vợ đi bầu chọn chia sẻ: “Mình thuộc lớp người trẻ, chưa làm được gì nhiều để cống hiến cho đất nước. Việc bầu chọn quốc hoa lần này với mình là một cơ hội để bày tỏ tấm lòng với quê hương”.
Những đóng góp nho nhỏ
Nghệ nhân, họa sĩ Thân Văn Huy (Làng nghề thủ công truyền thống hoa giấy Thanh Tiên, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế) là người đầu tiên phục hồi nghề làm sen giấy sau gần 60 năm thất truyền cũng đã đều đặn tham gia triển lãm sản phẩm sen giấy tại ba đợt triển lãm ở Hà Nội, Đà Nẵng và lần này là TP.HCM. Nghệ nhân Văn Huy tâm sự: “Đây là dịp để mình quảng bá thương hiệu hoa sen giấy đến với công chúng. Được ban tổ chức mời tham gia là một sự hãnh diện. Vì thế, dù phải đi lại, vận chuyển hoa khó khăn trăm bề nhưng vẫn cố gắng làm thế nào để thể hiện rõ sắc thái của hoa sen hồng, loài hoa đang giữ vị trí dẫn đầu trong các đợt bầu chọn quốc hoa”. Đến với triển lãm lần này, nghệ nhân Thân Đình Hoài (em ruột của nghệ nhân Văn Huy) cũng đã giới thiệu nhiều sản phẩm hoa sen giấy độc đáo. Nếu như trước đây, những ai có dịp về thăm làng hoa giấy Thanh Tiên chỉ thấy những đóa sen thật đơn điệu thì nay, anh em nghệ nhân này đã nâng tầm thẩm mỹ của hoa sen một cách tinh tế, khéo léo.
Thi sĩ Tôn Nữ Hỷ Khương nổi tiếng với những bài thơ mang hơi hướm Phật pháp và triết lý nhân sinh gần gũi nói: “Hoa sen có rất nhiều đặc điểm so với các loại hoa khác nhưng đặc điểm mà triết lý Phật giáo thường đề cập để răn dạy người đời đó là nhân – quả (luật nhân-quả). Với những loài cây, hoa khác, hoa sẽ có trước, sau đó đến quả. Riêng hoa sen, hoa và quả (nhân và quả) có cùng một lúc. Điều đó giúp con người ta thức tỉnh, sống trải lòng không toan tính thiệt hơn, gieo “nhân” tốt để có được “quả” tốt”.
Bài, ảnh: Trần Tuy An

Nghệ nhân Thân Văn Huy liên hệ: “Việt Nam là một nước nghèo, nông nghiệp lạc hậu nhưng đã từng ngày chuyển mình, đổi thay bằng chính ý chí, nghị lực của mỗi người dân Việt. Cũng như hoa sen, từ vũng bùn nhưng sen vẫn thẳng đứng, vẫn không hôi tanh mùi bùn mà cho ta một cái đẹp thuần khiết”.

 

Bình luận (0)