Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Nguyễn Quang Bình độc tấu guitar cho khán giả Sài Gòn

Tạp Chí Giáo Dục

20 năm sống trên đất Mỹ, lần đầu tiên, Nguyễn Quang Bình, giảng viên âm nhạc của trường Meca (Houston, Texas) có buổi diễn riêng tại TP HCM vào tối 18/6.

Hàng chục năm định cư ở Mỹ, lần đầu tiên Nguyễn Quang Bình có buổi biểu diễn trong nước.

Đêm diễn của Nguyễn Quang Bình diễn ra tại phòng trà We, không đơn thuần là buổi biểu diễn độc tấu guitar. Tại đây, giảng viên âm nhạc muốn giới thiệu đến khán giả trong nước loại hình workshop (tạm dịch: hội thảo, thảo luận) với chủ đề "Music appreciation" (thấu cảm âm nhạc). Theo đó, khán giả không chỉ ngồi thưởng thức nghệ thuật một cách thụ động mà còn có quyền đặt câu hỏi "chất vấn" nghệ sĩ về tác phẩm họ đang trình diễn, hoặc về bất cứ vấn đề nào liên quan đến âm nhạc (trong khuôn khổ buổi diễn).

Đang giảng dạy bộ môn classic guitar tại trường MECA (Multi-Cultural Education and Counseling through the Arts) của bang Texas, trong 3 năm trở lại, Nguyễn Quang Bình thực hiện khoảng 30 cuộc workshop chủ đề tương tự tại Mỹ và được khán giả đón nhận rất nồng nhiệt.

"Khái niệm workshop ban đầu là sự kiện dành cho người dạy và sinh viên, nhưng qua các buổi chơi nhạc của mình, tôi muốn biến nó thành nơi để người nghệ sĩ, tác phẩm và khán giả trao đổi, tương tác tạo thành một tương quan hấp dẫn. Và đôi khi, chính người nghe lại tham gia vào quá trình xây dựng nên tác phẩm", Nguyễn Quang Bình nói.

Giảng viên Việt kiều này cho rằng, hơn 10 năm trở lại đây, khi trào lưu Pseudo – Mordernism (tạm dịch: Hiện đại giả ngụy) xuất hiện, có những tác phẩm chỉ thực sự trọn vẹn (đặc biệt trong nghệ thuật trình diễn) khi có sự tham gia của khán giả. Đặc biệt, phương pháp thực hành nghệ thuật này đã xuất hiện khá nhiều trong các tác phẩm nghệ thuật sắp đặt (installation), nghệ thuật thị giác (visual art), và nghệ thuật trình diễn (performance art)…

Nhạc sĩ Nguyễn Bách (trái) tham gia buổi gặp gỡ báo chí của Nguyễn Quang Bình (phải) tại phòng trà We.

"Nó đưa nhu cầu tương tác giữa người nghệ sĩ với khán giả của mình lên mức cấp thiết hàng đầu, đề cao sự chia sẻ giữa họ trong một thế giới ngày càng rộng mở", ông nói.

Ngoài ra, trong workshop lần này, Nguyễn Quang Bình trình bày thêm một vài ý niệm âm nhạc khác như: trường phái/ thủ pháp tối giản hóa trong âm nhạc (minimalism), phong cách phi truyền thống (non-traditional), phong cách phi công thức (non-conventional)… Ông hy vọng buổi workshop sẽ thu hút các nghệ sĩ trẻ, sinh viên âm nhạc… để quá trình thảo luận diễn ra sôi nổi.

Các buổi diễn của nghệ sĩ guitar Quang Bình ở Mỹ thực hiện trong khán phòng chuyên nghiệp, do đó ông không cần dùng đến thiết bị tăng âm. "Buổi diễn ở Việt Nam của tôi là tại một phòng trà, vì thế phải dùng tăng âm. Ngoài ra, đây là loại hình chương trình khá mới ở Việt Nam nên tôi dự trù tình huống xấu nhất là khán giả không mấy hào hứng đặt câu hỏi giao lưu. Nếu mà như thế, tôi sẽ trình diễn độc tấu để khỏi bị dàn trải", Nguyễn Quang Bình chia sẻ.

20 năm định cư ở Mỹ, Nguyễn Quang Bình cho biết, ông rất vui khi bạn bè trong nước đã tài trợ và đứng ra lo mọi khâu để ông thực hiện được đêm nhạc nhỏ của mình. Năm 2007, ông từng dẫn đoàn nghệ sĩ nước ngoài về biểu diễn ở Nhà hát Tuổi trẻ, giao lưu với khán giả thủ đô.

Bài, ảnh: Thoại Hà (Theo VNE) 

Bình luận (0)