Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Yến sào chỉ là thực phẩm chức năng

Tạp Chí Giáo Dục

Từ lâu, người ta vẫn thường ca ngợi những tác dụng “thần thánh” của yến sào như giúp người bệnh khỏe lại, giúp "cải lão hoàn đồng"… Quan niệm ấy xuất phát từ việc chúng ta thường cho rằng“cái gì hiếm thì quí”. Thực ra, yến sào chỉ có một số tác dụng nhất định.

Yến sào là thực phẩm chức năng
Thạc sĩ – Bác sĩ Đào Thị Yến Phi, Giảng viên Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM cho biết, do sự gian nan, khó khăn khi khai thác yến sào; do số lượng ít chỉ đủ dùng cho các nhà quý tộc phong kiến ngày xưa cũng như những người giàu có, nên yến sào được dân gian khoác cho chiếc áo "quí hiếm” hơn giá trị thật của nó.

Một dạng yến sào được bán trên thị trường – Ảnh: Internet
Với thành phần dinh dưỡng chủ yếu là chất đạm với đa dạng các acid amin và acid amin thiết yếu; một số vitamin và chất khoáng có tác dụng gia tăng chuyển hóa các chất sinh năng lượng; các enzyme hỗ trợ tiêu hóa hấp thu (thực chất cũng là chất đạm), nên có thể xem yến sào như một loại thực phẩm chức năng. Thành phần chức năng của yến sào cộng với lượng đường phèn thường dùng trong chế biến yến sào, giúp gia tăng năng lượng tức thời khiến đang người đang mệt ăn/uống vào có cảm giác khỏe nhanh, từ đó "một đồn mười, mười đồn trăm, người ta dễ tin tưởng vào tác dụng “thần thánh”của yến sào.
Tuy nhiên, cái “khỏe” do yến sào mang đến thường không kéo dài. Với tác dụng như một thực phẩm chức năng, chỉ nên dùng yến sào như món ăn phụ bổ sung chất dinh dưỡng vào khẩu phần ăn hàng ngày, hơn là xem yến sào như một vị thuốc quý giúp tăng cường sinh lực hay cải lão hoàn đồng. Đặc biệt, người tiêu dùng cũng không nên sử dụng yến sào thay thế cho bất cứ bữa ăn thông thường nào.
Những lưu ý khi sử dụng yến sào
Nếu có điều kiện, ai cũng có thể sử dụng được yến sào, kể cả người đang mắc bệnh.
Tuy nhiên, ThS – BS Yến Phi khuyến cáo không nên dùng thường xuyên cho trẻ em, nhất là trước bữa ăn. Việc dùng yến sào trước bữa ăn sẽ làm tăng đường huyết trong máu, làm giảm cảm giác thèm ăn ở trẻ, làm tăng biểu hiện biếng ăn và có thể làm giảm khẩu phần ăn trong bữa ăn sau đó, dẫn đến thiếu hụt chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ. Yến sào cũng không phù hợp với những người có rối loạn đường huyết, như bệnh nhân tiểu đường hay viêm tụy.
Nên chế biến yến sào ở nhiệt độ vừa phải, không để sôi trên 100 độ C. Thông thường, phương pháp chế biến yến sào chủ yếu là hấp, không nấu trực tiếp. Không nên cho đường quá nhiều cho dù là đường phèn, vào món ăn chế biến từ yến sào vì hàm lượng đường càng nhiều sẽ càng làm giảm tác dụng hỗ trợ tích cực của yến sào.
Nguyên Hạnh / Phụ Nữ

 

Bình luận (0)