Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Biểu tượng của văn hiến Việt Nam

Tạp Chí Giáo Dục

82 tấm bia tiến sĩ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám trên tem Việt. Ảnh: N.H.T
Là một di tích văn hóa lịch sử gần 1.000 năm của dân tộc, Văn Miếu Quốc Tử Giám đã trở thành biểu tượng của nền giáo dục Việt Nam thời phong kiến. Bất kỳ ai đến đây, đều được thả hồn vào chiều sâu của lịch sử, để tìm lại những gì của quá khứ giàu tính nhân văn, để khám phá và tự hào về tinh thần hiếu học, truyền thống yêu nước, trọng đạo lý của dân tộc…
Bước phát triển lớn của nền giáo dục
60 năm sau khi Thăng Long được chọn làm kinh đô của nước Đại Việt, năm Canh Tuất (1070) vua Lý Thánh Tông cho xây dựng Văn Miếu để tôn vinh Khổng Tử và các môn đệ của ngài. Tuy vậy, ở nước ta việc lập Văn Miếu không chỉ dừng lại là nơi thờ cúng các vị tổ đạo Nho giáo như một số nước châu Á khác (Trung Quốc, Triều Tiên…) mà còn mang thêm chức năng giáo dục, trong Đại Việt sử ký toàn thư đã nêu rõ điều này: “Mùa thu tháng Tám làm Văn Miếu đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Tứ phối, vẽ tượng Thất thập nhị hiền, bốn mùa cúng tế. Hoàng thái tử đến đây học”.
Sáu năm sau (1076), Quốc Tử Giám chính thức được thành lập, đánh dấu một bước phát triển lớn của nền giáo dục nước ta. Việc lập Văn Miếu Quốc Tử Giám nhằm đào tạo các quan lại trị nước, nằm trong phương hướng vươn lên của thời đại: dân tộc độc lập, tự chủ. Đến năm 1253, dưới triều Trần Thánh Tông, Quốc Tử Giám được đổi thành Quốc Học Viện. Từ đây, Văn Miếu Quốc Tử Giám được xem là nhà quốc học chính thức đầu tiên và là trường đại học đầu tiên trong lịch sử giáo dục Việt Nam.
Văn Miếu Quốc Tử Giám là nơi đặt nền móng cho chế độ giáo dục, thi cử suốt thời kỳ phong kiến, nơi sản sinh hàng vạn nhân tài của đất nước, đồng thời là bộ mặt của tầng lớp nho sĩ – tượng trưng cho nền học vấn của chế độ phong kiến Việt Nam. 82 tấm bia tiến sĩ ở Văn Miếu là những chứng tích hùng hồn nhất, những tư liệu cụ thể nhất về truyền thống văn hóa tốt đẹp này. Văn Miếu Quốc Tử Giám đã vượt qua bao thăng trầm của lịch sử. Và giờ đây, hình ảnh ấy vẫn mãi mãi là sự đề cao của việc học, sự tôn vinh người thầy, coi trọng bậc hiền tài tạo nên truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Độc đáo Khuê Văn Các
Ý nghĩa giáo dục và giá trị nhân văn trong Văn Miếu còn thể hiện rõ ở Khuê Văn Các (gác Khuê Văn) được xây dựng năm 1805 (thời Nguyễn) thuộc khu thứ 2 trong Văn Miếu.(Quốc Tử Giám gồm có năm khu: Nhập Đạo, Đại Trung, Vườn Bia, Đại Thành điện, khu Thái học). Nơi đây xưa kia vốn dùng để làm nơi họp bình những bài thơ, văn hay của các sĩ tử khi đợi thi khoa, thi hội. Tên gọi Khuê Văn có nghĩa là chòm sao văn học. Hình dáng chòm sao này là một phần chòm sao Tiên nữ và chòm sao Bạch hổ trong thiên văn học phương Tây, gồm 16 ngôi sao sắp xếp giống hình chữ văn. Còn Các (gác) là phương tiện để phản ánh sự rực rỡ. Khuê Văn Các là một lầu gác vuông xinh xắn, nhỏ nhẹ, kiến trúc giản dị nhưng tao nhã. Với tám mái cong, bốn cửa hình mặt trời quay ra bốn hướng, tượng trưng cho sao Khuê và những tia sáng của sao Khuê phát ra. Trên nóc lầu gác là đôi rồng chầu mặt nguyệt, tầng dưới là bốn trụ gạch. Phía sau là rừng cây già in bóng xuống giếng Thiên Quang Tĩnh, có tường hoa bao quanh. Cả tòa gác này, có vô số biểu tượng âm dương (vuông – tròn, trời – đất, cao – thấp, gió – nước…), nó là một tổng thể hài hòa giữa kiến trúc và thiên nhiên, hài hòa giữa những yếu tố đối lập, là sự thể hiện cụ thể của thái cực trong vũ trụ. Ở mỗi cửa trên tòa gác đều có khắc câu đối chữ Hán thếp vàng, như: Khuê tinh thiên lãng nhân văn xiển (Sao Khuê tỏa sáng giữa trời, nhân văn rạng rỡ khắp nơi), Bích thủy xuân thăm đạo mạch trường (Sông Bích đượm sắc xuân, đạo mạch dài lâu mãi mãi)… Hai bên cửa khuê văn là hai cửa bí văn (bên trái) và súc văn (bên phải). Đây là những tên gọi mang ý nghĩa ca ngợi vẻ đẹp của văn chương. Với kiến trúc độc đáo và mang nhiều ý nghĩa nhân văn, văn học cao cả, nên hình ảnh Khuê Văn Các luôn là nguồn mạch sáng tác của các họa sĩ vẽ tem. Với tem thư, Khuê Văn Các được thể hiện như là biểu tượng quốc hồn quốc túy của dân tộc và thường xuất hiện ở những đề tài mang tính quốc tế, rất trang trọng như: Kỷ niệm 30 năm giải phóng thủ đô, Tem Tết Canh Thìn nhân kỷ niệm 990 năm Thăng Long – Hà Nội, Hội nghị cấp cao các nước nói tiếng Pháp, Hội nghị cấp cao ASEAN lần VI, Kỷ niệm 25 năm kí Hiệp ước Hữu nghị hợp tác và 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt – Lào…
Văn Miếu Quốc Tử Giámvẫn mãi là không gian yên tĩnh cho nhiều học giả nghiên cứu, là bầu không khí cảm hứng và suy tư trí tuệ không bao giờ cạn của thi nhân, nghệ sĩ, là nơi tìm lại những dấu tích văn nhân… nên rất xứng đáng là biểu tượng của nền văn hiến Việt Nam.
ThS. Nguyễn Hiếu Tín

Năm 2003, hình ảnh Khuê Văn Các của Văn Miếu Quốc Tử Giám lần đầu tiên được Nhật Bản chọn làm mẫu tem chính thức – hình ảnh tiêu biểu, tượng trưng cho đất nước Việt Nam – nhân Năm giao lưu Nhật Bản – ASEAN. Đây là niềm tự hào của văn hóa Việt.

 

Bình luận (0)