Ung thư võng mạc là một bệnh lý nguyên phát ác tính ở mắt, thường gặp ở trẻ nhỏ. Nếu phát hiện sớm, căn bệnh này hoàn toàn có thể chữa khỏi và có thể bảo tồn được mắt cho trẻ. Tuy nhiên, đa số bệnh nhi bị ung thư võng mạc phải khoét bỏ mắt vì đến bệnh viện quá muộn.
> Ăn nhiều dầu chuối có thể dẫn đến ung thư
> 5 ngộ nhận về ung thư ở phụ nữ
Bệnh bẩm sinh, di truyền
Bệnh nhi H. ở Nghệ An được bố mẹ đưa đến khoa Mắt trẻ em – Bệnh viện Mắt TW trong tình trạng một bên mắt không còn thị lực, bên mắt bị bệnh trông nhỏ hơn hẳn bên mắt bình thường. Bác sĩ Lê Thị Kim Xuân – Phó trưởng khoa cho biết H. bị teo nhãn cầu mắt trái nên bên mắt đó giờ không còn tác dụng. Đáng chú ý, bà nội của em cũng bị căn bệnh này. Các bác sĩ nghi H. bị ung thư võng mạc nhưng muốn biết chính xác điều đó, cần phải khoét bỏ bên mắt bệnh rồi tiến hành làm giải phẫu bệnh. Tuy nhiên, theo bác sĩ Xuân, do bé H. còn quá nhỏ (hơn 3 tuổi) nên bệnh viện chưa muốn tiến hành phẫu thuật vì như vậy có thể làm lệch mặt của em (vì bé vẫn đang trong quá trình phát triển). Vì vậy, trước mắt các bác sĩ cho H. về nhà để theo dõi thêm, sau 2 – 3 tháng sẽ tái khám xem khối u có phát triển to ra hay có bất cứ dấu hiệu bất thường nào không, lúc đó sẽ xử trí sau.
Theo bác sĩ Lê Thị Kim Xuân, ung thư võng mạc là bệnh xuất hiện ngay từ thời kỳ bào thai (bệnh bẩm sinh), có thể xuất hiện ở một bên mắt hoặc cả 2 bên. Tuy nhiên, trường hợp bị ung thư cả 2 bên mắt ít hơn và thường có tính chất gia đình (ông bà, bố mẹ… cũng đã bị căn bệnh này). Theo nghiên cứu, khoảng 10% trường hợp ung thư võng mạc có bố mẹ, ông bà, anh em cùng huyết thống, hoặc cô dì chú bác cũng bị căn bệnh này. Đặc biệt, nếu bố mẹ bị ung thư võng mạc cả 2 mắt thì nguy cơ đứa trẻ họ sinh ra bị bệnh lên tới 45%. Còn bình thường, tỉ lệ trẻ đẻ ra có nguy cơ bị ung thư võng mạc khoảng 1/15.000 – 1/20.000.
Các biểu hiện của ung thư võng mạc thường xuất hiện sớm, khi trẻ 1 – 3 tuổi với những dấu hiệu đặc trưng như mắt trẻ không nhìn được, bị lác, đồng tử có ánh trắng (ánh mắt mèo)… Ngoài ra, ở giai đoạn muộn có thể thấy các triệu chứng khác như mắt đỏ, đau nhức, lồi mắt, viêm tổ chức quanh hốc mắt, đồng tử giãn, mủ tiền phòng, mống mắt dị sắc, tăng nhãn áp, trẻ chậm phát triển...
Khi trẻ bị ung thư võng mạc, khối u có thể phát triển ra phía trước làm nhãn cầu lồi to và biến dạng. U cũng có thể tiến triển về phía sau nhãn cầu như xâm lấn vào thần kinh thị giác, lan ra hốc mắt và gây di căn vào nội sọ hoặc xâm nhập vào xương hộp sọ, vào tủy sống và các hạch bạch huyết.
Cần phát hiện sớm
Bác sĩ Kim Xuân cho biết do đây là bệnh lý bẩm sinh nên có thể phát hiện bệnh ngay khi trẻ mới ra đời do các bác sĩ chuyên khoa mắt chẩn đoán bằng phương pháp soi mắt thông thường (nhỏ thuốc làm giãn đồng tử rồi soi đáy mắt và khám toàn bộ mắt), chỉ trừ trường hợp trẻ bị đục thủy tinh thể, soi mắt cũng không phát hiện ra thì cần chụp cắt lớp hố mắt, chụp X-quang, siêu âm để phát hiện khối u. Nếu bệnh được phát hiện ngay từ giai đoạn sơ sinh thì hoàn toàn có thể bảo tồn được mắt cho trẻ bằng phương pháp dùng tia laser. Tuy nhiên, đến 80% bệnh nhi đến viện khi khối u đã to, cần phải khoét bỏ mắt để tránh khối u tiếp tục xâm lấn hoặc di căn. Thậm chí, những bệnh nhi ở vùng sâu, vùng xa thường chỉ được đưa đến bệnh viện khi khối u đã phát triển đến mức đẩy “con ngươi” ra khỏi hốc mắt. Việc điều trị ung thư võng mạc tương đối phức tạp. Tùy theo giai đoạn, có thể điều trị bằng tia laser, làm lạnh đông, hóa trị hoặc phải khoét bỏ mắt.
Chính vì vậy, cách tốt nhất để giữ lại đôi mắt lành lặn cho những đứa trẻ không may mắc phải căn bệnh này là khám bệnh tổng quát cho trẻ ngay từ khi mới sinh ra vì dù là bệnh ung thư nhưng nếu được phát hiện sớm, cơ may chữa khỏi cũng rất cao. Ngược lại, nếu để đến lúc trẻ có các dấu hiệu nặng nề mới được đưa đến bệnh viện thì không những phải khoét bỏ mắt bệnh mà có thể khối u còn di căn ra các cơ quan khác trong cơ thể, ảnh hưởng đến tính mạng trẻ. Đặc biệt, những đứa trẻ sinh ra trong gia đình có người thân bị căn bệnh này càng cần chú ý phát hiện ra bệnh ngay từ giai đoạn sơ sinh. Tuy vậy, có một bất cập ở nước ta hiện nay là các cơ sở y tế tuyến huyện, tuyến xã cũng khó có thể phát hiện ra bệnh ở giai đoạn sớm như vậy. Bên cạnh đó, trẻ đã bị khoét bỏ mắt vì ung thư võng mạc cũng cần tái khám đều đặn theo chỉ định của bác sĩ, đề phòng các tế bào ác tính xuất hiện trở lại.
Nguyễn Thị Thuận
Theo Giáo dục & Thời đại
Bình luận (0)