Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Nhà biên kịch của tuổi học trò

Tạp Chí Giáo Dục

Nhà biên kịch Đặng Thanh (ảnh nhân vật cung cấp)

Chỉ tính riêng bốn kịch bản phim truyền hình dài tập Gọi giấc mơ về, Đồng hồ cát, Những ngày hè xanh, Cổng mặt trời… cũng đủ để tên tuổi của Đặng Thanh (tên thật Đặng Trần Triều Thanh, sinh năm 1979) trở thành “ngôi sao” trong làng biên kịch phim dành cho tuổi học trò hiện nay.

Theo nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ thì các bộ phim truyền hình dành cho tuổi học trò do Đặng Thanh biên kịch đã “đánh” trúng vào những điều mà lứa tuổi học sinh – sinh viên đang cần. Thông qua những bộ phim này, không chỉ giúp các em tự hoàn thiện mình, mà còn giáo dục về tâm sinh lý, tình yêu của lứa tuổi mới lớn…

PV: Nhiều người cho rằng Đặng Thanh đã trải qua thời đi học đầy thú vị mới cho ra đời những kịch bản phim dành cho học sinh – sinh viên sâu sắc và đầy tính nhân văn như thế?

“Tôi đã nhiều lần tranh luận cùng nhà sản xuất để đưa ra một kịch bản chặt chẽ nhất. Với tôi, chất lượng là hàng đầu, không thể qua loa sơ sài khiến khán giả mệt mỏi theo dõi câu chuyện, nhất là khán giả tuổi học trò”. (Đặng Thanh)

Cách đây vài năm, tuổi học trò thật sự “đói” những bộ phim mang tính giáo dục, lành mạnh dành cho lứa tuổi của mình. Điều đó làm cho tôi vô cùng trăn trở. Và khi ngồi vào bàn phím viết kịch bản cho lứa tuổi này, tôi thấy thật thú vị bởi cảm thấy như mình đang sống lại cái thời thơ mộng, dấu yêu ấy. Tôi đã trải qua thời đi học phổ thông cho đến khi tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM thật đẹp, nhiều kỷ niệm vui buồn không thể nào quên được. Nhân vật cô học trò tên Phụng trong Gọi giấc mơ về thấp thoáng hình ảnh của tôi, các nhóm nam nữ sinh viên trong Những ngày hè xanh hay Cổng mặt trời cũng lấy chất liệu rất thật từ chính quãng đời sinh viên của tôi, của bạn bè xung quanh tôi nên nhận được sự đồng cảm của khán giả bởi những gì xuất phát từ trái tim sẽ đến được với trái tim.

Thời gian qua, có không ít bộ phim truyền hình dành cho tuổi học trò ra đời gây thất vọng người xem khi xây dựng nhân vật không phù hợp, nhiều tình tiết quá “vô tư” không thể chấp nhận được. Ý kiến của chị như thế nào?

Làm phim cho tuổi học trò không phải là ca ngợi những cái bồng bột, thiếu chín chắn và hoang tưởng của các em. Mà trái lại, cần phải mang tính giáo dục, tính định hướng cho các em từ các chi tiết hết sức đơn giản, nhỏ nhặt của cuộc sống. Đành rằng phim ảnh là có thể cách điệu, thêm bớt để tăng tính hấp dẫn. Nhưng nếu “làm quá” sẽ làm khán giả tuổi teen – đối tượng chính của bộ phim – cũng thấy nó “xa vời vợi” với thực tế của mình, đồng thời khiến các bậc phụ huynh lo lắng vì sợ con em mình sẽ bắt chước theo phim thì sẽ… rất nguy.

Phim truyền hình đang “nở nồi” như hiện nay khiến kịch bản luôn thiếu. Điều này đồng nghĩa với việc nghề biên kịch như chị đang đắt show, “hốt bạc” không kém gì các ca sĩ – diễn viên?

Nhiều người đánh giá là nghề biên kịch phim hiện nay rất dễ ăn và “hốt bạc”. Nhưng có làm mới biết. Nó rất vất vả và đòi hỏi bạn phải kiên nhẫn, đam mê cũng như có nhiều kinh nghiệm sống. Khi hội đủ những điều kiện trên thì mới có thể phát triển được nghề. Kinh nghiệm sống sẽ cho ta cái nhìn sinh động về con người, sự vật, hiện tượng trong xã hội cũng như xây dựng hình tượng nhân vật logic, thực tế đi vào lòng người bằng những cảm xúc thật. Từ đó sẽ giúp ta hoàn thành một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh như nhà sản xuất mong muốn.

Chị đặt tiêu chí nào cho việc sáng tác kịch bản phim truyền hình trong thời điểm phim đang thừa “lượng” và thiếu “chất” như hiện nay?

Trong kịch bản, tôi luôn quy ước có những phân cảnh được diễn ra nhanh chóng và gợi ý cho khán giả tự phán đoán, sau đó tôi sẽ cho kết quả ở các phân cảnh tiếp sau. Nhưng đạo diễn và diễn viên lại không thấy thế, họ đã kỹ lưỡng thêm thắt tình huống diễn giải cho nội dung cụ thể hơn, vô hình trung lại khiến cho câu chuyện kéo dài không cô đọng. Hoặc có những cảnh hài đạo diễn và diễn viên thích “tung hứng” thêm… Nên tôi có muốn cũng không thể can thiệp sâu hơn nữa. Kịch bản của tôi phải chặt chẽ và gắt gao trong các tình tiết. Từng phân cảnh là từng mắt xích quan trọng trong phim.

Hình như chị không mặn mà với kịch bản phim điện ảnh (phim nhựa) mặc dù thể loại này mới nhanh chóng giúp tên tuổi một biên kịch lên một vị trí đỉnh cao?

Viết kịch bản cho phim truyền hình hay phim điện ảnh cũng là một quá trình lao động miệt mài, nghiêm túc. Tôi đang thử sức viết một kịch bản phim điện ảnh bởi tôi cảm thấy ý tưởng của mình khá hay. Với tôi, được làm đúng nghề mình đam mê là điều rất hạnh phúc.

Nhiều bộ phim của chị rất “đình đám” nhưng khán giả thường chỉ biết đến đạo diễn hay diễn viên mà “quên” mất biên kịch, chị có chạnh lòng về điều này?
Ít nhiều gì cũng có. Nhưng vì đặc thù của nghề là vậy nên cũng đành chấp nhận. Đôi khi tôi lại tự nói rằng “Phim của mình hay, được khán giả yêu thích là đủ”.

Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này.

Lê Quang Thanh Tâm (thực hiện)

Bình luận (0)