Hơn 3 tháng uống nhân sâm kèm thuốc bắc, đầu tháng 10 vừa qua, một bệnh nhân đã phải vào cấp cứu ở Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) vì nổi mẩn, chảy máu đường ruột, tổn thương gan nặng… Bác sĩ kết luận người này ngộ độc vì dùng nhân sâm quá liều.
Theo lời kể của gia đình, bệnh nhân trị bệnh xơ gan bằng cách uống nhân sâm cùng một số vị thuốc bắc đều đặn hằng ngày từ hơn ba tháng qua theo chỉ định của một ông thầy người Hoa ở khu Chợ Lớn. Những lần trước thì không sao, nhưng đến gần đây thì bệnh nhân bị xây xẩm, nôn ói, huyết áp tăng. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị ngộ độc nhân sâm nghiêm trọng.
Khoa thận của Bệnh viện 115 cũng đang điều trị nhiều trường hợp suy thận mà kết quả điều tra lâm sàng liên quan đến ăn sâm tươi, uống rượu nhân sâm hay dùng các loại thuốc bổ từ sâm. “Nhiều bệnh nhân khi nghe thông báo còn quay lại cự bác sĩ vì họ nghĩ trong nhân sâm không có chất nào độc thì làm sao bị ngộ độc. Họ không biết rằng ngay cả với sâm quý, lạm dụng cũng có thể gây nguy hiểm”, bác sĩ Nguyễn Quốc Khánh, giám đốc Bệnh viện 115, cho biết.
Ghi nhận của bệnh viện Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2 từ đầu năm đến nay cũng cho thấy số trẻ bị ngộ độc nhân sâm và các chế phẩm nhân sâm thời gian qua rất phổ biến. Hầu hết các trường hợp do gia đình nghe theo lời đồn trong dân gian, cho trẻ uống nhân sâm để không biếng ăn, chậm lớn và để trẻ thông minh, khoẻ mạnh. Nhưng hậu quả là nhân sâm làm trẻ rối loạn tiêu hoá, thần kinh có biểu hiện không bình thường.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Mai, phó viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng (thuộc Bộ Y tế), cho biết nhân sâm rất tốt cho sức khỏe. Nhân sâm chứa hơn 15 yếu tố vi lượng nên có tác dụng chống mỏi mệt, tăng sức đề kháng, thúc đẩy công năng tuyến sinh dục nam và nữ, tăng khả năng ghi nhớ và năng lực phân tích, trị các chứng như ra mồ hôi, lo lắng, đại tiểu tiện không tự chủ…
Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể dùng sâm, nhất là với trẻ nhỏ. “Các nghiên cứu đã cho thấy nếu người lớn uống khoảng 200ml rượu sâm nồng độ 3% sẽ có biểu hiện trúng độc, bị mẩn đỏ toàn thân, ngứa, chóng mặt, đau đầu, thân nhiệt tăng, huyết áp hạ. Uống liên tục mỗi ngày 0,3g bột sâm củ có thể mất ngủ, trầm uất, giảm cân. Trẻ đang bú mẹ nếu uống nước sắc 0,03 – 0,06g từ sâm sẽ bị co giật, thở gấp, tim đập chậm, tiếng tim mờ, nôn”, bác sĩ Mai cho biết. Cũng theo ông, Viện Y học cổ truyền Trung ương từng ghi nhận trường hợp tử vong vì uống 500ml nhân sâm/ngày.
Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm, phó viện trưởng viện Dinh dưỡng quốc gia, một số người dùng nhân sâm và chế phẩm từ sâm với liều quá cao hoặc quá dài ngày nên đã dẫn đến ngộ độc.
“Có người dùng nước nhân sâm thay cho nước uống, có người ăn nhân sâm như ăn kẹo. Như thế rất nguy hiểm, nhất là với người cao tuổi, bị xơ cứng động mạch, huyết áp, bởi trong nhân sâm có chứa chất chống phân giải chất béo, sẽ làm tăng lượng mỡ“, bà Lâm nhấn mạnh.
Cũng theo bà, đối với trẻ phát triển bình thường, không bị mắc các bệnh lý thì không cần dùng nhân sâm bởi sâm chỉ được dùng cho trẻ suy dinh dưỡng, còi xương, thiếu máu. Nếu tuỳ tiện dùng có thể làm kích thích quá trình phát triển, khiến trẻ phát dục sớm. Tốt nhất khi muốn sử dụng nhân sâm nên theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Lưu ý khi dùng nhân sâm Người bị cảm mạo, phát sốt, bị bệnh gan mật cấp tính, viêm dạ dày và ruột cấp tính, bị nôn mửa, đau bụng đi ngoài, bị giãn phế quản, lao, ho, ra máu, cao huyết áp, bị di tinh, ban đỏ, mụn nhọt, viêm khớp, phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 14 tuổi được khuyến cáo không nên tự ý dùng nhân sâm. Các loại củ cải và hải sản đều tuyệt đối bị cấm sau khi uống hoặc ăn nhân sâm. Vì củ cải và hải sản là đại hạ khí, còn nhân sâm là đại bổ khí, hai thứ triệt nhau nếu dùng chung dễ dẫn đến tử vong. (theo Viện Y dược học dân tộc) |
(Theo Sài Gòn tiếp thị)
Bình luận (0)