Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

18 thôn vườn trầu thay da đổi thịt

Tạp Chí Giáo Dục

Cách đây gần 67 năm, tại Bà Điểm – Hóc Môn (TPHCM), dưới sự lãnh đạo của Đảng, người dân 18 thôn vườn trầu cùng với tiếng mõ Nam Lân đã đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Trở lại vùng đất cách mạng, chứng kiến đời sống người dân được nâng cao, bộ mặt đô thị đổi thay từng ngày nhưng đọng lại trong chúng tôi còn không ít điều trăn trở…

Làm giàu trên vùng đất anh hùng

Trong thời kỳ đấu tranh cách mạng, chuẩn bị khởi nghĩa, vùng đất Bà Điểm là nơi che giấu, bảo vệ cho các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Xứ ủy Nam Kỳ như Nguyễn Văn Cừ, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Duẩn… Vùng đất 18 thôn vườn trầu này còn là nơi diễn ra nhiều hội nghị quan trọng của Đảng, quyết định đến vận mệnh của cách mạng Việt Nam trong cuộc kháng chiến tiến đến tổng khởi nghĩa tháng 8-1945.

Anh Nguyễn Văn Cấp, một trong những người hiếm hoi cố gắng giữ lại vườn trầu ở xã Bà Điểm.

Tại ngôi nhà của gia đình anh Trần Trung Hiếu (63/5 ấp Tây Lân, xã Bà Điểm, TPHCM) vẫn còn nguyên bộ bàn ghế mà các đồng chí ngồi dự Hội nghị Trung ương 6 do đồng chí Nguyễn Văn Cừ chủ trì. Hội nghị đã ra nghị quyết, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, giành độc lập tự do cho dân tộc. Hội nghị nhấn mạnh tiến tới bạo động cách mạng giải phóng dân tộc. Nghị quyết đã được Xứ ủy Nam Kỳ tích cực tuyên truyền triển khai xuống các tỉnh, huyện, quận, các tổng và các thôn. Khí thế chuẩn bị khởi nghĩa sục sôi, nhân dân tích cực tham gia quân du kích, rèn đúc vũ khí sẵn sàng chờ lệnh khởi nghĩa cướp chính quyền.

Lịch sử Đảng bộ xã Bà Điểm còn ghi lại những ngày cuối tháng 8-1945, tại Bà Điểm, trên 2 vạn người được trang bị cuốc thuổng, tầm vông vạt nhọn, xếp hàng thứ tự theo đơn vị xã ấp, kèm hai bên là các tự vệ mang băng đỏ; đi đầu và bọc hậu là 2 tiểu đội trang bị súng trường. Dòng người hòa vào đoàn quần chúng tại Hóc Môn, rầm rộ kéo xuống cướp chính quyền tại dinh Thống đốc Nam Kỳ và bót Tân Bình, quận Phú Nhuận…

18 thôn vườn trầu hôm nay đang từng ngày thay da đổi thịt. Từ một vùng đất thuần nông, Bà Điểm hôm nay đang tập trung xây dựng nông thôn mới gắn với thương mại, dịch vụ và du lịch, tiểu thủ công nghiệp… Bà Trần Thị Hồng Thu, Bí thư Đảng ủy xã Bà Điểm cho biết, hiện trên địa bàn xã có trên 600 doanh nghiệp đăng ký hoạt động và gần 3.000 hộ kinh doanh thương mại, hơn 200 cơ sở tiểu thủ công nghiệp, doanh thu mỗi năm đạt khoảng trên 600 tỷ đồng.

Mai này có còn trầu?

Mặc dù đời sống người dân xứ trầu khá hơn ngày trước rất nhiều nhưng tốc độ đô thị hóa quá nhanh đã làm cho các vườn trầu ngày càng teo tóp. Ông Mai Công Tài, Bí thư Chi bộ ấp Hậu Lân cho biết, trước đây nhà nào cũng trồng trầu và trầu trở thành nguồn thu nhập chính của họ. Từ cất nhà đến dựng vợ gả chồng, nuôi giấu cán bộ đều nhờ vào cây trầu. Thế nhưng, hiệu quả kinh tế của trầu không theo kịp các loại cây trồng khác, do giá cả bấp bênh. Nhiều hộ trồng trầu chuyển sang trồng rau, phong lan hoặc xây nhà trọ cho thuê. Những vườn trầu xanh bất tận ngày nào dần thu hẹp, số người còn giữ lại được vườn trầu cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Anh Nguyễn Văn Cấp, một trong những hộ hiếm hoi còn giữ lại được vườn trầu của mình cho biết, để giữ được 1.000 nọc trầu như hiện nay cũng trăn trở lắm nhưng bỏ thì tiếc. Nhiều người khuyên bỏ trầu chuyển sang cây trồng khác hoặc xây nhà trọ cho thuê có hiệu quả kinh tế khiến anh cũng phân vân. Các hộ còn giữ vườn trầu đều là những hộ có truyền thống nhiều đời gắn bó với trầu.

Ông Phạm Văn Bổn, Chi hội trưởng Hội Nông dân ấp Tây Lân – ấp còn nhiều hộ dân trồng trầu nhất – cũng đang lo lắng cho tương lai của những vườn trầu này, bởi tình trạng bán đất vườn, xây nhà trọ cho thuê đã và đang tác động mạnh mẽ đến các hộ trồng trầu. Xã cũng vận động bà con ráng giữ lại vườn trầu, giống như giữ lại truyền thống cách mạng của xã Bà Điểm anh hùng. Bà con nghe có vẻ hợp lý nên đến nay cả ấp còn giữ được 15 hộ trồng trầu với tổng diện tích chưa đầy 1ha nhưng đang có nguy cơ bị xóa sổ. “Cách đây khoảng 10 năm cũng nghe thông tin thành phố có quy hoạch 50ha để làm du lịch vườn trầu kết hợp du lịch sinh thái. Thế nhưng đến nay, dự án vẫn chưa được triển khai. Nếu cứ với đà này, vài năm nữa địa danh 18 thôn vườn trầu chỉ còn lại trên sách vở mà thôi” – ông Bổn thổ lộ.

Hồ Thu (SGGP)

Bình luận (0)