Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Ai sẽ đăng quang Tiếng ca học đường 2011?

Tạp Chí Giáo Dục

Trong số bốn thí sinh bước vào vòng chung kết xếp hạng, Nguyễn Quốc Khánh có số điểm cao nhất. Ảnh: Lý Võ Phú Hưng

Sau đêm chung kết với chủ đề Nắng hát, cuộc thi Tiếng ca học đường 2011 do Đài Truyền hình TP.HCM tổ chức đã tìm ra được bốn gương mặt xuất sắc nhất là Phan Thị Thanh Nga, Âu Nguyễn Thanh Nguyên, Nguyễn Quốc Khánh và Đỗ Phú Quí. Bốn thí sinh này sẽ bước vào đêm chung kết xếp hạng với chủ đề Ước mơ tỏa sáng vào tối 6-8, truyền hình trực tiếp trên kênh HTV9.
Một sân chơi bổ ích và lành mạnh
Với tiêu chí tìm kiếm những giọng ca tuổi học trò có năng khiếu ca hát, cuộc thi Tiếng ca học đường hàng năm thu hút hơn 3.000 thí sinh là học sinh THCS, THPT và sinh viên năm nhất các trường ĐH trên toàn quốc tham gia. Điều này cho thấy, cuộc thi được các bạn tuổi teen đón nhận nồng nhiệt bởi đây không chỉ là cơ hội cho các thí sinh thể hiện năng khiếu của mình, mà nó còn là một sân chơi rất bổ ích và lành mạnh, chất lượng luôn được nâng cao. Với phong cách trẻ trung, các thí sinh đã thể hiện những ca khúc ca ngợi mái trường, thầy cô, bạn bè và tình yêu trong sáng của tuổi học trò thật dễ thương. Tiếng vang của cuộc thi trong cộng đồng teen là một minh chứng chính xác nhất. Ông Nguyễn Quý Hòa – Tổng giám đốc Đài Truyền hình TP.HCM cho biết: “Vượt lên trên tính chất đơn thuần của một cuộc thi, Tiếng ca học đường thực sự là nơi các bạn trẻ được gặp gỡ, giao lưu, so tài cùng nhau ở lĩnh vực ca hát. Ngoài ra, cuộc thi còn giúp các thí sinh tìm thấy sự ấm áp của tình bạn, sự chia sẻ, gắn bó, động viên và giúp đỡ nhau. Đây cũng là những giá trị mà Ban tổ chức muốn hướng đến cho thí sinh khi đến với cuộc thi, bên cạnh sự nỗ lực cá nhân, sự trau dồi và luyện tập nghiêm túc”. Cả tám thí sinh dự thi trong đêm chung kết đều xứng đáng đoạt giải. Tuy nhiên, chỉ kém một chút may mắn nên bốn thí sinh đã phải dừng cuộc chơi trong sự nuối tiếc của rất nhiều khán giả. Chẳng hạn thí sinh Thiều Thị Trâm (sinh viên Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội) trình bày ca khúc mang tiết tấu vui nhộn Hãy sống với trái tim rất tự tin, hát như không hát. Trâm có một tâm thế khá thoải mái nên phần trình diễn tự nhiên, truyền được “lửa” cho khán giả và cũng nhận được nhiều sự ủng hộ của họ. Tuy nhiên, do yêu cầu của ca khúc là di chuyển nhiều trên sân khấu nên Trâm chưa tinh tế lắm trong phần hát, phát âm. Trần Phát Đạt (học sinh lớp 12 Trường THPT Vĩnh Kim – Tiền Giang) thêm một lần nữa trở thành Thí sinh được khán giả yêu thích nhất trong đêm thi chung kết với ca khúc Những điều chưa thấy kể. Chất giọng sáng, nhẹ nhàng và ấm cùng với lối trình diễn gần gũi, thân thiện kết hợp với một ngoại hình sáng đã giúp Đạt ghi điểm trong mắt khán giả. Võ Hạ Trinh (học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền – TP.HCM) phong độ tốt hơn, nhưng phần chọn ca khúc Mặt trời ngày mới của nhạc sĩ Bảo Lan, Trinh đã không khoe được chất giọng sáng và cao vốn có của mình, Trinh hát không rõ lời. Đó là một điều rất đáng tiếc.
Thí sinh TP.HCM thắng thế
Có thể nói như thế bởi trong bốn thí sinh xuất sắc nhất được chọn vào đêm chungkết xếp hạngthì đã có đến ba thí sinh hiện là học sinh tại TP.HCM. Phan Thị Thanh Nga (học sinh lớp 12 Trường THPT Tăng Bạt Hổ – Bình Định) khá liều lĩnh khi chọn ca khúc Hồ trên núi của nhạc sĩ Phó Đức Phương để thể hiện trong phần thi của mình. Điều này chứng tỏ sự tự tin có cơ sở vì Nga sở hữu một giọng hát đặc biệt: dày, sâu và ấm. Tuy là một ca khúc khá “già” so với lứa tuổi nhưng với việc chọn lựa này, cả khán giả và Ban giám khảo đều đánh giá cao giọng hát của Nga. Âu Nguyễn Thanh Nguyên (học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong – TP.HCM) thể hiện thành công với ca khúc Vũ điệu con cò, cả về phần giọng hát, kĩ thuật và phần biểu diễn được đầu tư. Với một sáng tác của Phan Đinh Tùng mang tên Nhớ ơn mẹ, Nguyễn Quốc Khánh (học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Chí Thanh – TP.HCM) được Ban giám khảo đánh giá cao ở giọng hát và cảm xúc mà Khánh thể hiện trong bài hát. Khánh là thí sinh có vẻ lớn hơn so với tuổi 18 bởi xem Khánh trình diễn trên sân khấu, sẽ dễ dàng cảm nhận được phong thái biểu diễn rất ung dung, chững chạc. Đỗ Phú Quí(học sinh lớp 12 Trường THPT Bùi Thị Xuân – TP.HCM) cũng có phần thi an toàn với ca khúc Hạ cuối bằng chất giọng trầm, ấm và thể hiện đúng kĩ thuật. Tuy nhiên, điều mà Quícần rèn luyện thêm đó chính là sự tương tác với khán giả, cần phải làm chủ sân khấu hơn. Sau đêm chung kết xếp hạng, Tiếng ca học đường sẽ còn một buổigiao lưu Tuổi trẻ ơi hát lên vào tối 10-8 tại Nhà thi đấu Nguyễn Du. Các thí sinh sẽ giao lưu, ca hát với những ca sĩ đã từng đoạt giải cao từ các cuộc thi này; giao lưu với các thanh niên điển hình tiên tiến, có nhiều thành tích trong “Năm thanh niên”.
Khôi Nguyên

“Tôi rất ủng hộ cuộc thi này cũng như ủng hộ việc tìm kiếm, xây dựng những sân chơi lành mạnh dành cho lứa tuổi học trò. Cuộc thi đã giúp các em khẳng định được khả năng của mình, khám phá chính mình và bạn bè xung quanh. Quan trọng hơn là nó vun đắp cho nhiều tài năng nghệ thuật được bay cao, bay xa…” – Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện (Phó chủ tịch Hội Âm nhạc TP.HCM, Trưởng ban giám khảo cuộc thi) cho biết.

 

Bình luận (0)