Ít nhất trong 10 năm tới, TPHCM vẫn cần chủ yếu là lao động phổ thông. Và nguồn lao động này sẽ… thiếu triền miên.
“TPHCM thiếu hụt trên 50% lao động phổ thông”. Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, vừa cho biết như vậy. Trước thông tin này, nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc TPHCM phải giảm bớt lao động phổ thông, gia tăng thu hút lao động có trình độ cao. Xu hướng ấy là tất yếu, nhưng với điều kiện hiện tại của TP, mong ước ấy còn nằm ở thì tương lai.
Lao động phổ thông đang làm việc tại Công ty Asuzac (KCX Tân Thuận- TPHCM).
Ảnh: NLĐ
“Té ngửa” với công nghệ lạc hậu
Kết quả khảo sát gần đây nhất của Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM trên 429 doanh nghiệp (DN) đã đưa ra những con số gây sốc: Trình độ công nghệ (bao hàm bốn yếu tố: tổ chức, nhân lực, thông tin và thiết bị) của các DN chỉ ở mức trung bình. Trong số 429 DN được khảo sát, tỉ lệ đạt chuẩn “tiên tiến” chỉ có 1%, trong khi mức yếu đến 51%.
Đặc biệt, theo đánh giá của các chuyên gia Sở Khoa học và Công nghệ TP, đa phần DN lựa chọn giải pháp “mua thiết bị đã qua sử dụng, giá trị kỹ thuật còn khoảng 50% – 90%”. Cá biệt có đến 10% số DN trong KCX-KCN mua lại thiết bị và công nghệ còn dưới 50% giá trị sử dụng! Trong 429 DN được khảo sát, 79% DN sử dụng máy móc thiết bị có xuất xứ từ Trung Quốc, Đài Loan…
Một chuyên gia lao động bức xúc: “Với trình độ công nghệ lạc hậu như vậy thì đòi hỏi nguồn nhân lực có chất lượng cao để làm gì? Ít nhất là trong 10 năm tới, TPHCM vẫn cần chủ yếu là lao động phổ thông. Và nguồn lao động này sẽ… thiếu triền miên!”.
Sức lao động bị ép giá
Vừa qua, báo chí thông tin, 2 DN tại KCX Tân Thuận đã đề xuất nhập khẩu lao động phổ thông từ Philippines và Lào để bù đắp số lao động thiếu hụt sau Tết. Câu hỏi đặt ra là phải chăng VN đang trong tình trạng thiếu cả lao động có tay nghề lẫn lao động phổ thông? Thực tế cho thấy, VN đang ở trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng (cứ hai người đi làm thì chỉ phải nuôi một người) với gần 50 triệu lao động.
Sở dĩ các DN kêu thiếu lao động vì họ trả lương cho người lao động quá thấp nên không thể nào tuyển đủ lao động. Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP, nhìn nhận: “Thị trường lao động ở TPHCM đã hình thành từ lâu nhưng vẫn còn tồn tại tình trạng bất bình đẳng: DN áp đặt “giá mua”, người lao động thụ động chấp nhận “giá bán”. Trong một thời gian rất dài như thế, giới hạn sức chịu đựng của người lao động bị phá vỡ. Họ phản ứng bằng cách rời bỏ nhà máy”.
Sở dĩ các DN kêu thiếu lao động vì họ trả lương cho người lao động quá thấp nên không thể nào tuyển đủ lao động. Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP, nhìn nhận: “Thị trường lao động ở TPHCM đã hình thành từ lâu nhưng vẫn còn tồn tại tình trạng bất bình đẳng: DN áp đặt “giá mua”, người lao động thụ động chấp nhận “giá bán”. Trong một thời gian rất dài như thế, giới hạn sức chịu đựng của người lao động bị phá vỡ. Họ phản ứng bằng cách rời bỏ nhà máy”.
Thiếu vẫn thiếu mà thừa vẫn thừa
Nói đến tình trạng mất cân đối cung cầu lao động hiện nay, nhiều người vẫn thích dùng cụm từ “thừa thầy, thiếu thợ”. Điều này phản ánh sự “lệch pha” cung cầu của nguồn nhân lực ở góc độ chính sách đào tạo. Trong cơ cấu của lao động của một DN, đội ngũ cán bộ khung chỉ chiếm từ 5%-10%. Tuy nhiên, xu hướng thích vào đại học của không ít học sinh đã khiến thị trường lao động không chỉ thiếu hụt lao động phổ thông mà còn khan hiếm cả đội ngũ lao động kỹ thuật.
Dễ dàng nhận thấy điều này qua kết quả tuyển sinh của các trường nghề. Năm qua, các trường đã dùng nhiều hình thức để chiêu mộ học viên như tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị hiện đại, chính sách học phí ưu đãi…, nhưng nhiều trường chỉ tuyển được từ 40%-60% chỉ tiêu.
Đáng lưu tâm hơn là khi đăng ký vào các trường nghề, học viên chỉ chọn những ngành như kế toán, quản trị DN, thư ký… Cụ thể: Ở Trường Cao đẳng Nghề TP, 50% trong tổng số 1.300 sinh viên đăng ký theo học ngành kế toán và quản trị DN.
Riêng các ngành kỹ thuật như điện công nghiệp, điện tử, cơ khí chính xác… chỉ có vài chục học viên. Còn ở Trường Trung cấp Nghề Nhân Đạo, các ngành như kế toán, công nghệ thông tin cũng thu hút hơn 50% học viên, trong khi ngành điện, điện tử không đủ học viên cho một lớp.
Không gắn bó vì công việc đơn điệu
Kết quả khảo sát của Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM cũng cho thấy, trong số 73 DN tại KCX Tân Thuận được khảo sát về trình độ công nghệ, có đến 63% bị đánh giá yếu. 7 DN tại KCX Linh Trung 1 thì có đến 57% yếu. KCN Tây Bắc Củ Chi có tỉ lệ trình độ công nghệ yếu cao nhất: 67%, tiếp theo là KCN Lê Minh Xuân 59%, KCN Vĩnh Lộc 58%…
Theo ông Đặng Quang Điều, Phó Ban Chính sách – Kinh tế Tổng LĐLĐ VN, với quy trình công nghệ lạc hậu mà các DN đang sử dụng hiện nay không cho người lao động cơ hội thăng tiến nghề nghiệp.
Họ làm việc trên dây chuyền, thao tác đơn điệu; không có cơ hội để học hỏi, tiếp cận khoa học – công nghệ hiện đại. Một người thợ may công nghiệp suốt đời chỉ may một cái cổ áo hoặc tay áo; một người thợ lắp ráp điện tử hết ngày này qua tháng nọ chỉ làm mỗi một thao tác là đặt linh kiện vào vị trí…
Làm công việc nhàm chán như thế, nếu DN không có những chính sách giúp người lao động phấn chấn thì họ sẽ không thích gắn bó với DN; nhất là trong điều kiện công nhân của chúng ta hiện nay chủ yếu xuất thân từ nông thôn…
|
Huỳnh Nga / NLĐ
Bình luận (0)