Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Khi “Đệ nhất danh hài” không… cười

Tạp Chí Giáo Dục

NSƯT Bảo Quốc (trái) và “đệ tử” Tiểu Bảo Quốc trong vở cải lương Ba Giai Tú Xuất.
Ảnh: S.M

Được mệnh danh là “Đệ nhất danh hài” nhưng trong suốt buổi trò chuyện, NSƯT Bảo Quốc không hề có một tiếng cười khi kể lại những kỷ niệm với ba mẹ, người chị, người thầy kính yêu của mình.

Những “bước ngoặt” của cuộc đời
Đêm hội ngộ là chương trình nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập đoàn cải lương Thanh Minh – Thanh Nga quy tụ hầu hết các thế hệ nghệ sĩ của đoàn, sẽ diễn ra tại Nhà hát Hòa Bình vào tháng 9. Trong thời gian dài 23 năm, thương hiệu đoàn cải lương Thanh Minh – Thanh Nga của ba má tôi đã đào tạo, dìu dắt và tạo cơ hội cho 68 ngôi sao nam nữ sân khấu phát huy tài nghệ. Về mặt “thầy tuồng” thời đó, có 27 soạn giả xuất sắc nhất của miền Nam đã làm việc dưới sự hỗ trợ và hợp tác rất ăn ý của ba má tôi.
Gia đình tôi có truyền thống cải lương. Ba tôi là nghệ sĩ nổi tiếng Năm Nghĩa (Lư Hòa Nghĩa), mẹ là bà Nguyễn Thị Thơ (bà bầu Thơ), chị là nghệ sĩ Thanh Nga, anh trai là nghệ sĩ Hữu Thìn, các con cháu Hồng Loan, Hữu Châu, Hữu Lộc, Hà Linh, Gia Bảo cũng “ăn cơm” nghệ thuật. Ngay từ nhỏ, ba tôi đã muốn các con nối nghiệp ông. Năm 1959, ba tôi sáng lập đoàn Thanh Minh – Thanh Nga, chị Thanh Nga đã diễn đào chánh. Còn tôi lúc ấy chỉ mê đá banh, tính tình lại hiếu động, nghịch ngợm nên hàng ngày dù được cha tập diễn, tập ca nhưng tôi cũng chẳng mấy đam mê. Tình cờ một lần, cậu bé trạc 10 tuổi như tôi đóng trong vở Người vợ không bao giờ cưới bị bệnh đột xuất, tôi bất đắc dĩ phải thế vai. Tôi còn nhớ lúc ấy ba tôi đứng trong cánh gà vừa xem vừa lo, gương mặt thật căng thẳng, không ngờ tôi diễn ngọt xớt. Ngay đêm đó, ba tôi ngã bệnh nặng rồi qua đời. Nỗi mất mát quá lớn đã để lại một dấu ấn mạnh trong tôi, tôi bắt đầu biết suy nghĩ, yêu cái nghề của ba và hiểu rằng đây là nghiệp tổ của gia đình. Từ đó tôi theo nghề luôn cho đến bây giờ. Thời gian đầu mới theo nghề, tôi toàn diễn kép mùi. Một lần, danh hài Thanh Việt ngã bệnh, chị Thanh Nga bảo tôi thế vai Thanh Việt trong vở Con ma nhà họ Hứa, tôi giãy nảy “Em biết gì mà diễn hài’”, chị cương quyết: “Chị thấy em có khả năng hài, cứ mạnh dạn diễn đi’’. Không ngờ màn hài đóng chung với chị Hồng Nga hôm đó quá thành công, khán giả cười ngất. Cũng nhờ sự cương quyết của chị Thanh Nga mà khi chuyển qua hài, tôi đã phát huy hết sở trường của mình. Năm 1972, sân khấu cải lương gặp khó khăn do ảnh hưởng của phim chưởng Hồng Kông, đoàn Thanh Minh – Thanh Nga tạm nghỉ, tôi và chị Thanh Nga sang cộng tác cho đoàn Dạ Lý Hương, anh Thanh Việt cũng đang ở đoàn này nên tôi lại có dịp diễn chung, học hỏi ở anh rất nhiều điều về thủ pháp diễn hài. Trong khi dạy nghề, anh thường bảo với tôi diễn hài không phải là trò đùa, mà phải tìm hiểu, nghiên cứu tính cách nhân vật để tìm ra cách diễn hay nhất.
Kỷ niệm không quên
Khi còn trẻ, tôi nhận được một vai chính rất hay trong phim hài Năm vua hề về làng với tiền cát-xê thỏa thuận là 500 đồng (số tiền rất lớn thời đó). Chẳng may lúc ấy tôi có việc đi công tác, nên một nghệ sĩ có tên tuổi hơn tôi lúc bấy giờ chen vào nhận vai ấy với giá chỉ 300 đồng. Biết mình bị mất vai, tôi hụt hẫng và mất niềm tin kinh khủng. Nhưng rồi sau chuyện đó, tôi tự dặn mình phải cố gắng hơn nữa. Đến bây giờ, trong đầu tôi lúc nào cũng ghi nhớ câu: “Không bao giờ được chèn ép người trẻ hơn mình”. Tôi luôn tâm niệm lời dạy của má tôi là người nghệ sĩ đâu chỉ đơn thuần đi hát kiếm tiền mà còn làm thiên chức tôn vinh cái đẹp, cảnh báo cái xấu để thiên hạ nhìn vào đó mà suy ngẫm. Đạo hát vì thế thiêng liêng lắm…
Trong quãng đời đi hát, kỷ niệm khiến tôi không thể nào quên đó là đêm diễn cuối cùng của vở Thái hậu Dương Vân Nga trên sấu khấu Thanh Minh – Thanh Nga. Năm 1978, đây là xuất diễn thứ hai trong ngày, vào màn cuối, tôi đứng trong cánh gà nói vơi chị Thanh Nga: “Khán giả đông quá chị ha”. Chị trả lời: “Khán giả yêu mến nên dù rất mệt mỏi nhưng chị vẫn phải cố gắng biểu diễn hết mình để không phụ lòng khán giả. Tối nay về, chị sẽ ngủ một giấc cho đã”. Không ngờ sau đó chị bị sát hại và đã ngủ một giấc ngàn thu. Lần thứ hai là sau ngày chị Thanh Nga mất, lần đầu tiên đoàn diễn lại vở Thái hậu Dương Vân Nga do NS Kim Hương thay vai chị, tôi vừa “Muôn tâu thái hậu” là nghẹn lời ứa nước mắt không sao nói được. Phải mất một thời gian tôi mới trấn tĩnh để làm trò tiếp cho khán giả cười…
Hiệp Thanh (ghi)

NSƯT Bảo Quốc đã nhận được rất nhiều giải thưởng, huy chương cao quý: Huy chương vàng giải Thanh Tâm năm 1967; ba lần đoạt Giải Mai Vàng năm 1995, 1996, 2006; ba lần giành được huy chương vàng trong Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 1985, 2006, 2009; Giải “Đệ nhất danh hài” năm 1981…

 

Bình luận (0)