Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Biên kịch phim truyền hình: Kỳ cuối: Đứng sau “ánh hào quang”…

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ phim Giấc mơ cổ tích được khán giả rất yêu thích nhưng có mấy ai biết đến tên nhà biên kịch bộ phim này là Đặng Thanh?
Ảnh: L.Đ.Long

Thành – bại của một bộ phim đầu tiên phải kể đến người biên kịch, “mẹ đẻ” của một bộ phim. Mặc dù giữ vai trò đặc biệt quan trọng như thế nhưng hầu như biên kịch chỉ hoàn toàn đứng sau những “ánh hào quang”, hiếm ai nhắc tới.

Bao giờ giải thưởng xướng tên biên kịch?
Ở các giải thưởng điện ảnh thế giới, nhà biên kịch là nhân vật được tôn trọng và vinh danh trong những bộ phim do họ chấp bút. Đơn cử như giải Oscar nổi tiếng thế giới có hẳn một giải mang tên Kịch bản gốc xuất sắc nhất. Trong khi đó thì ở điện ảnh Việt Nam tồn tại một thực tế hoàn toàn ngược lại. Biên kịch hiếm được ai nhắc đến, ngay cả giới truyền thông cũng ít khi đưa tên biên kịch đi cùng với đạo diễn trong bài viết về một bộ phim. Các giải thưởng điện ảnh gần như vắng bóng giải thưởng dành cho kịch bản, nhà biên kịch. Nếu chú ý xem những bài viết trên báo N., đơn vị tổ chức giải thưởng dành cho các lĩnh vực nghệ thuật hàng năm vừa qua thì các phim được đề cử hoàn toàn không có tên nhà biên kịch mà chỉ có tên đạo diễn. Phim đoạt giải Phim được yêu thích nhất của giải thưởng như Cổng mặt trời cũng chỉ vinh danh nhà sản xuất, đạo diễn, diễn viên trên sân khấu trong đêm trao giải còn biên kịch thì lặng lẽ ở nhà xem… truyền hình trực tiếp. Khá nhiều nhà biên kịch rất chạnh lòng trước nghịch lý này. Nhưng cũng có một số biên kịch không chịu sự thiệt thòi, đồng thời cần một “danh phận” để thuận lợi hơn trong công việc nên họ đã tự tìm đường bước “ra ánh sáng” bằng cách tự PR mình trên báo chí. Một số khác thì đành chôn phận âm thầm bởi họ sợ tiếng thị phi của những người trong giới, đồng nghiệp cho rằng “biên kịch hám danh”?!?
Thiếu sự “hợp tác” giữa đạo diễn với biên kịch?
Thêm một nghịch lý đáng buồn trong phim ảnh Việt nữa là thiếu sự cộng tác làm việc giữa biên kịch và đạo diễn trong việc sản xuất một bộ phim. Biên kịch là “mẹ đẻ” của kịch bản nên rất hiểu về đứa con tinh thần của mình. Nếu dùng sự hiểu biết chi li này kết hợp với sự hiểu biết, sáng tạo trong sự chỉ đạo diễn xuất, hình ảnh, góc máy của đạo diễn thì sẽ tạo nên một tác phẩm phim chất lượng. Thế nhưng, sự kết hợp ấy rất hiếm khi diễn ra. Vì thế nhiều khi ý tưởng biên kịch một đằng, phim làm một nẻo. Thứ nhất, đó là việc chỉnh sửa các tuyến nhân vật giữa đạo diễn và biên kịch. Hầu như các đạo diễn không cùng biên kịch trao đổi mà tự sửa kịch bản rồi tiến hành quay. Nếu việc chỉnh sửa này đạt hiệu quả thì không nói gì. Còn nếu nó miễn cưỡng, thiếu tính mạch lạc, tạo ra nhiều “hạt sạn” buồn cười cho khán giả thì biên kịch là người bị lãnh đủ. Vì thế, nhiều biên kịch đã chủ động xin được ra hiện trường để khắc phục những tình trạng trên, đảm bảo chi tiết hóa từng câu thoại. Cách này nhiều người gọi là nhà biên kịch đã thực hiện đạo diễn trong kịch bản văn học. Ngoài ra, có nhiều trường hợp mà nhà biên kịch than rằng mình hoàn toàn bị “đóng băng” vì không có cách nào có thể trao đổi nhiều với đạo diễn bị bệnh “sao” quá nặng. Nhà biên kịch Đ.T cho biết: “Trong kịch bản, chúng tôi luôn quy ước có những phân cảnh được diễn ra nhanh chóng và gợi ý cho khán giả tự phán đoán để rồi sẽ cho kết quả ở những phân cảnh tiếp sau. Nhưng đạo diễn và diễn viên lại không thấy thế, họ đã thêm thắt tình huống để diễn giải cho nội dung cụ thể hơn, vô hình trung lại khiến cho câu chuyện kéo dài không cô đọng. Hoặc có những cảnh hài đạo diễn và diễn viên thích “tung hứng” thêm nên chúng tôi có muốn cũng không thể can thiệp sâu hơn nữa”. Và một lý do khác không thể không kể đến là tiến độ làm phim cấp tốc của một số nhà sản xuất hiện nay khiến cho cả hệ thống sản xuất không chăm chút vào chất lượng, chính vì vậy các tình tiết trong phim rất dễ bị đẩy vào trạng thái… “rơi không phanh”.
Biên kịch chính là người cầm bút khắc họa những nét phác thảo đầu tiên cho tới chi tiết của một tác phẩm hoàn chỉnh. Một bộ phim hay bao giờ cũng bắt nguồn từ kịch bản hay. Mà kịch bản hay thì không thể thiếu được cái tâm và sự chăm chút tỉ mỉ của nhà biên kịch dành cho tác phẩm. Vì thế, các đòi hỏi trên của biên kịch là hoàn toàn chính đáng, cần được chấp nhận.
Hư Trúc

Dù có nhiều bộ phim rất thành công nhưng không ai biết đến biên kịch. “Phim của mình hay, được khán giả yêu thích là đủ” – một số nhà biên kịch tự an ủi mình như thế.

 

Bình luận (0)