Doanh nghiệp sản xuất xe đạp VN phá sản, hàng ngàn công nhân mất việc trong 5 năm qua do EU áp thuế chống bán phá giá xuất khẩu vào thị trường châu Âu.
Hôm nay 15-7, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ bãi bỏ mức thuế chống bán phá giá đối với xe đạp của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Đó là nội dung bức thư của Tổng vụ Thương mại, Ủy ban châu Âu gửi phái đoàn Việt Nam tại Liên minh châu Âu (EU) về việc sẽ không tiến hành rà soát, điều tra đối với các biện pháp chống bán phá giá liên quan tới xe đạp nhập khẩu từ Việt Nam.
Sản xuất xe đạp tại Công ty Nhựa Chợ Lớn. Ảnh: CAO THĂNG
|
Như vậy, sau 5 năm bị áp thuế chống bán phá giá (kể từ 14-7-2005) với mức thuế bình quân lên tới 34,5%, đến nay các doanh nghiệp (DN) ngành sản xuất xe đạp Việt Nam có thể thở phào!
Có lẽ sau vụ kiện chống bán phá giá đối với các mặt hàng cá tra, cá basa (năm 2002), tôm (năm 2003) rồi đến giày mũ da (năm 2006) tại các thị trường Mỹ và EU thì mặt hàng xe đạp bị kiện tại EU được đông đảo dư luận và các bộ ngành chức năng “bận tâm” nhiều nhất.
Vì sao như vậy? Thứ nhất, đây là những thị trường chủ lực của các DN xuất khẩu. Thứ hai, trong mỗi nhóm hàng thì cơ cấu xuất khẩu các mặt hàng này đều chiếm tỷ trọng khá lớn và sử dụng nhiều lao động. Cuối cùng, hậu quả cũng như mức độ thiệt hại từ các vụ kiện để lại rất nghiêm trọng và lâu dài đối với xuất khẩu Việt Nam. Cụ thể, ở mặt hàng xe đạp, Bộ Công thương cho rằng, trong 5 năm áp thuế chống bán phá giá, DN sản xuất xe đạp Việt Nam rơi vào tình trạng kiệt quệ, phá sản. Lượng xe đạp Việt Nam xuất khẩu sang EU đã sụt giảm nghiêm trọng.
Trước năm 2005, khi chưa bị áp thuế, xe đạp xuất khẩu chiếm 80% sản lượng, trong khi tiêu thụ nội địa chỉ là 20%, thì từ năm 2005 – 2009, lượng xe xuất khẩu của Việt Nam bị sụt giảm với tỷ trọng lần lượt là 60%, 45%, 30%, 20% và 15%. Theo đó, giá trị xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sang EU cũng liên tục giảm. Riêng trong năm 2007, kim ngạch xuất khẩu đã giảm tới 95,3% so với năm trước.
Cùng với kim ngạch, việc áp thuế chống bán phá giá của EC đối với xe đạp Việt Nam đã ảnh hưởng rất lớn đến người lao động của ngành này. Trước năm 2005, tổng số lao động của ngành sản xuất xe đạp Việt Nam là 210.000 người, nhưng đến đầu năm 2010 chỉ còn 5.000 lao động. Đó là chưa kể các DN cung cấp thiết bị phụ trợ cũng bị thiệt hại rất nặng nề.
Việc áp dụng những biện pháp phòng vệ (biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ) được xem là những rào cản thương mại cực kỳ nguy hiểm và mang nặng tính bảo hộ đối với sản xuất trong nước của các quốc gia đi kiện. Xu hướng này ngày càng gia tăng tại các thị trường xuất khẩu vì việc áp dụng các biện pháp phòng vệ rất hiệu quả trong việc hạn chế nhập khẩu và nhập siêu. Việt Nam là một trong những nước bị kiện bán phá giá nhiều nhất thế giới, với tỷ lệ thua kiện hơn 70%. Tính đến cuối năm 2009, số vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ thương mại liên quan đến Việt Nam đã lên đến con số 42 và tăng mạnh thời gian gần đây. Theo đó, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã rơi vào “tầm ngắm” của các nước nhập khẩu.
Trước tình hình này, Cục Quản lý cạnh tranh của Bộ Công thương đang xây dựng cảnh báo sớm từ khâu sản xuất. Dự kiến, trong tháng 7 này, hệ thống cảnh báo sớm sẽ vận hành với hơn 300 mã hàng trong 5 nhóm hàng ở 2 thị trường lớn Mỹ và EU, chia ra 3 cấp độ cảnh báo: xanh là bình thường, vàng là cần phải điều chỉnh và đỏ là nguy hiểm. Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng, để tự vệ có hiệu quả, bản thân mỗi DN cần chủ động hơn trong việc tìm hiểu thông tin, luật lệ của các nước nhập khẩu.
Trong trường hợp bị kiện, khả năng thắng kiện rất thấp. Do vậy cần phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội để thống nhất các bảng câu hỏi, hệ thống sổ sách phải thật minh bạch mới có thể có được mức thuế chống bán phá giá ở mức thấp nhất. Bên cạnh đó, vai trò của Nhà nước trong việc tổ chức, kết nối và vận động hành lang rất cần thiết trong các vụ kiện. Hơn lúc nào hết, việc “phòng bệnh hơn chữa bệnh” sẽ rất có ý nghĩa trong bối cảnh các quốc gia đang ráo riết áp dụng các biện pháp tự vệ nhằm bảo hộ sản xuất trong nước.
THÚY HẢI / SGGP
Bình luận (0)