Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Hiến kế để điện ảnh vượt qua bão lớn

Tạp Chí Giáo Dục

Hôm qua, 25/9, Hội Điện ảnh Việt Nam đã tổ chức chuyến thực tế tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam và có cuộc tọa đàm Thực trạng điện ảnh Việt Nam hiện nay và giải pháp tháo gỡ khó khăn.

Tại cuộc hội thảo, đã có nhiều hiến kế giúp ngành điện ảnh vượt qua cơn bão này. Theo đạo diễn – NSND Bùi Đình Hạc: Cần đánh giá lại quá trình phát triển của điện ảnh Việt Nam và toàn bộ tác phẩm mà điện ảnh đã làm xem có ưu, nhược điểm gì. Các LHP tổ chức từ trước tới nay ta đã đạt tới mức độ nào. Việc công luận gọi LHP như… “hội làng” có xác đáng không? Thời gian khó khăn vừa qua ai cũng biết và đau lòng. Chất xám điện ảnh đã đi đâu? Các ngành khoa học đều có viện nghiên cứu để giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra. “Từ thời Bộ trưởng Trần Hoàn, tôi từng nhiều lần đề nghị việc thành lập Hội đồng tư vấn điện ảnh nhằm giúp Bộ hoạch định các chiến lược cho ngành điện ảnh. Ở các nước trên thế giới, với những vấn đề của điện ảnh, chính phủ đều hỏi chuyên gia. Ở ta không có những hội đồng như thế. Lãnh đạo Cục Điện ảnh muốn làm gì thì làm”, ông cho biết.

Sau vụ thất thoát 36,8 tỷ kéo theo sự ra đi khỏi Cục Điện ảnh của ông Cục trưởng Lại Văn Sinh (ảnh) và ông Cục phó Lê Ngọc Minh đã khiến ngành điện ảnh rơi vào tình trạng "nước sôi lửa bỏng".

Do đó, theo đạo diễn – NSND Bùi Đình Hạc, trong cơ cấu ngành cũng nên xem lại cả những vấn đề mang tính lịch sử của điện ảnh Việt Nam. Ví dụ như Viện phim quốc gia, trước đây được Cục Điện ảnh quản lý. Nhưng từ thời Cục trưởng Phan Trọng Quang về phụ trách Viện này, nó bỗng nhiên thuộc vào Bộ quản lý. Công việc lưu trữ là vô cùng quan trọng, vì thế, hiện tại, những vấn đề lịch sử như vậy cũng phải nhìn lại.

Còn ông Lưu Trọng Hồng – nguyên Cục trưởng Cục điện ảnh, cho rằng, những khó khăn của ngành điện ảnh dường như anh em trong nghề đều thuộc lòng. Nhưng giải pháp để tháo gỡ khó khăn mới là vấn đề. Cơ cấu ngành điện ảnh chưa ổn. Chưa thể đặt điện ảnh như một sản phẩm kinh doanh vì ngoài ý nghĩa kinh tế, một tác phẩm điện ảnh còn mang giá trị tinh thần. Nhiều triệu USD cũng không thể so sánh với giá trị của những Cánh đồng hoang, Chị Tư Hậu… một thời. Không thể lấy đồng tiền để đánh giá giá trị một bộ phim. Do đó, theo ông lãnh đạo Bộ VH-TT-DL cũng nên thay đổi quan điểm về ngành điện ảnh.

Nhà biên kịch Lê Phương bi quan nói: “Chúng ta đừng đổ lỗi cho ai, vì đơn giản, chúng ta bất tài, vô dụng. Có đầu tư một tỷ USD, chúng ta cũng không thể làm được bộ phim hay. Điện ảnh Việt Nam đang ở đáy thấp nhất rồi…”.

Tân Phó cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan cho rằng buổi tọa đàm giữa các nghệ sĩ, đạo diễn, những người tâm huyết với ngành chính là Hội nghị Diên hồng của ngành điện ảnh. Tại đây, bà đã lắng nghe và ghi nhận nhiều đánh giá và nhiều đề xuất cứu vãn dành cho môn nghệ thuật đặc biệt này. Bà Lan cho biết, hôm nay, 26.9, bà sẽ bắt đầu buổi làm việc chính thức đầu tiên cùng Cục Điện ảnh trên một cương vị mới. Có rất nhiều công việc đang cần phải tìm cách tháo gỡ và một trong những mục tiêu gần nhất vẫn là LHP Việt Nam lần thứ 17 sắp tới.

Thanh Ngọc (Theo DVO)

 

Bình luận (0)