Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

“Phim xanh” không xa lạ

Tạp Chí Giáo Dục

Trong đêm trao giải cuộc thi clip “Phát triển bền vững – Tất cả điều chúng tôi cần là bạn” vào ngày 16-9 vừa qua, có hai chàng trai Hà Nội lần đầu tiên đặt chân đến TP.HCM, một giành giải nhất và một ẵm giải nhì.

Sự cân bằng của tự nhiên bị phá hủy dưới bàn tay con người – Ảnh chụp từ clip Cân bằng tự nhiên

Nguyễn Văn Thanh (ĐH Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội) và Trần Quang Tùng (Hà Nội Arena) biết nhau khi cùng đeo đuổi đam mê thiết kế đồ họa, cùng nhau thành lập nhóm Stormie Brand để thực hiện dự án tư vấn thiết kế và phát triển thương hiệu cá nhân, lại gặp nhau ở sở thích hoạt động cộng đồng. Cả hai đã rủ nhau đi thi làm clip “Phát triển bền vững – Tất cả điều chúng tôi cần là bạn” (Sustainability – All we need is U  – cuộc thi do Siemens VN tổ chức từ ngày 6-6 đến 16-9 dành cho sinh viên VN) để cùng “hẹn gặp ở Sài Gòn”.

Câu chuyện của hai chàng trai Hà Nội

Không muốn ngồi cà phê máy lạnh vì “Sài Gòn lộng gió thế này vào phòng máy lạnh thì phí lắm”, vậy là câu chuyện với hai chàng trai Hà Nội bắt đầu từ một quán cà phê… lề đường.

Ban ngày “chạy sô” giữa giảng đường và công việc, tối đến cũng phải đi học, tham gia cuộc thi, Thanh đành tranh thủ thời gian từ khuya đến sáng để thực hiện ý tưởng của mình vì “ngày nào mình cũng phải đối mặt với khói bụi, kẹt xe, mình đã rất muốn làm điều gì đó”. Đoạn clip hoạt hình khá dễ thương mang tên Cân bằng tự nhiên (Natural balance) diễn tả quá trình từ lúc con người xuất hiện, sống chan hòa với thiên nhiên đến lúc tàn phá môi trường, dẫn đến mất cân bằng cuộc sống.

Clip được Thanh thực hiện chỉ trong… hai đêm nhưng mất gần một tháng để hoàn tất ý tưởng kịch bản. Thanh cho biết rất muốn thể hiện nhiều điều về môi trường lên clip, nhưng để tiết kiệm thời gian nên phải chọn điều mà mình bức xúc nhất: thành phố đang mất dần những mảng xanh. Với thông điệp “hãy giữ lại những mảng xanh vì cân bằng tự nhiên chính là cân bằng cuộc sống”, đoạn clip hoạt hình của Thanh đã thuyết phục hoàn toàn ban giám khảo.

Trong khi đó, Trần Quang Tùng lại khiến nhiều người ngạc nhiên khi anh chàng có vóc người cao to này lại có thể tỉ mỉ điều khiển những bông hoa đất bé xíu trong clip Cuộc trò chuyện của cây (Tree’s talk – giải nhì). Đam mê phim ảnh, Tùng đã tự mày mò cách làm phim thông qua những đoạn video trên YouTube. Với chiếc máy ảnh Canon 60D, Tùng và nhóm làm phim đã khiến người xem ngỡ ngàng trước những thước phim thật đẹp dù không có sự hỗ trợ từ ánh sáng hay bất kỳ đạo cụ gì khác.

Mang đến câu chuyện môi trường thông qua cuộc trò chuyện dí dỏm giữa “ba mẹ con bông hoa” ven đường trong Tree’s talk, Tùng còn dùng chính những việc làm của trẻ thơ để nhắc nhở một cách nhẹ nhàng nhưng đủ khiến người lớn phải giật mình, suy xét lại những hành vi vô ý thức của mình. Nhờ vậy, Tree‘s talk đã nhận được những phản hồi tích cực từ phía người xem và được các thành viên trong các câu lạc bộ môi trường như Go Green, 3R (Reduce – Reuse – Recycle – Giảm thiểu – Tái sử dụng – Tái chế) chia sẻ link cho nhau.

Ba mẹ con bông hoa ven đường Ảnh: chụp từ clip Cuộc trò chuyện của cây

Gần gũi và mới mẻ

Cuộc thi “Phát triển bền vững – Tất cả điều chúng tôi cần là bạn” còn mang lại nhiều clip về môi trường đáng chú ý khác. Như Tâm sự thành phố tôi yêu (giải ba) với lối kể chuyện khá tự nhiên của Nguyễn Thành Trung. Trăn trở của Trung xuất phát từ những gì chứng kiến tại hồ Con Rùa – một địa điểm quen thuộc với người dân Sài Gòn nhưng ít ai có ý thức giữ gìn môi trường xanh sạch khi đến đây vui chơi.

Có một số clip không đoạt giải nhưng cũng gây được ấn tượng với ban tổ chức như ba clip về tiết kiệm điện của Phạm Ngọc Thắng (Đại học FPT), Biển một bên… rác một bên của Lê Văn Phong (lớp 12 THPT Ngô Gia Tự, Phú Yên). Dù không phải là sinh viên như yêu cầu của cuộc thi nhưng Phong vẫn gửi đến clip phản ánh những bức xúc của mình về sự ô nhiễm của bãi biển Phi Trường ở quê mình.

Phim về môi trường không còn là đề tài lạ lẫm với người trẻ. Nhưng làm sao để vừa nói lên được những bức xúc của mình vừa khiến người xem đồng cảm và không bị nhàm chán? Trần Quang Tùng giải thích: “Môi trường không chỉ là những vấn đề to tát, rộng lớn như biến đổi khí hậu, cân bằng sinh thái… Thay vào đó, nếu tìm một chất liệu gần gũi vừa sức với sinh viên thì cũng sẽ đem lại những cái nhìn mới mẻ cho người xem”.

“Những cuộc thi về làm phim môi trường không hề khô khan, nặng tính giáo điều như nhiều người thường nghĩ. Được nói lên những điều mình trăn trở rồi hồi hộp chờ đợi thông điệp đó đến với mọi người, xem phản ứng của họ ra sao thật sự rất thú vị”, Trần Linh Tâm (ĐHKT TP.HCM) – chủ nhân của clip Nghĩ xanh (Think green, giải khuyến khích cuộc thi Phát triển bền vững) và là tác giả đoạt giải nhất cuộc thi clip Sinh viên với môi trường xanh 2011 – chia sẻ.

Nhiều cuộc thi làm phim về môi trường

Năm 2011 khởi động với khá nhiều cuộc thi làm phim về môi trường, thu hút các bạn trẻ như: Sáng tác phim ngắn về biến đổi khí hậu, Sinh viên với môi trường xanh 2011, 48 Go Green 2011 và hiện tại là cuộc thi làm phim ngắn do Quỹ Quốc tế bảo vệ động vật hoang dã (WWF) với đề tài Cuộc sống. Thiên nhiên. Bạn. Kết nối. Qua mỗi cuộc thi, sự đa dạng của các tác phẩm thật sự đã trở thành một tín hiệu vui cho những người hoạt động vì môi trường. Đó không chỉ là cuộc hành trình tìm kiếm cách nói mới của những người trẻ giữa rất nhiều ý tưởng đã phổ biến khi nói về môi trường, mà còn là mong muốn chia sẻ cảm nhận về mối quan tâm của họ trong cuộc sống đương đại.

THIÊN HƯƠNG (Theo TTO)

Bình luận (0)