Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Những người giữ “hồn” quan họ

Tạp Chí Giáo Dục

Lớp học quan họ tại làng Diềm. Ảnh: T.H

Sáu năm qua, các liền anh liền chị ở làng Diềm (Bắc Ninh) thường tập trung ở Đền Vua Bà Thủy tổ Quan họ để cùng nhau cất lên những làn điệu quan họ làm say đắm lòng người.

Mong muốn gìn giữ văn hóa quê hương
Lớp học quan họ cổ miễn phí này do hai chị em nghệ nhân Nguyễn Thị Sang (54 tuổi) và Nguyễn Thị Thềm (52 tuổi) mở ra. Nghệ nhân Nguyễn Thị Thềm chia sẻ: “Quan họ bây giờ bị lạm dụng quá, có người học được mấy câu hát thôi mà đã đi hát lấy tiền. Hát thuyền thì xin tiền, hát đám cưới thì toàn những bài hát quá quen thuộc. Trước đây các cụ hát rất nghiêm trang, mỗi giới ngồi một bên, có khi cả tối chẳng thấy mặt nhau. Ngày nay nhiều em đi hát còn bá vai bá cổ, có những động tác không đẹp, ảnh hưởng nhiều đến văn hóa quan họ”. Theo bà Thềm, người hát quan họ không chỉ biết hát một hai câu quan họ là được, mà còn phải cho thấy được cái tinh túy của quan họ, trong đó là văn hóa, sự lịch thiệp của người quan họ. Hơn nữa về mặt chuyên môn, những liền anh liền chị không phải là “con nhà nòi” sẽ khó có chiều sâu quan họ, hát quan họ mà không hát hết độ sâu của nó thì câu hát sẽ không hay.
Làng Diềm hiện nay có khoảng 60 người từ nhỏ tới già, trong làng ai cũng hát được nhưng chỉ gọi là biết hát. Làng Diềm cũng có một CLB quan họ gồm 20 người, họ thường biểu diễn mỗi khi có đoàn khách du lịch về thăm. Những người trong CLB đều là những nghệ nhân, trong đó 12 người đã qua độ tuổi 50, từng đạt giải cao từ tỉnh tới trung ương. Các nghệ nhân làng Diềm ai cũng có mong muốn vốn quan họ cổ không bị mai một, văn hóa quan họ cổ được lưu truyền cho các thế hệ sau.
Lớp học quan họ cổ làng Diềm được mở ra năm 2006 với hi vọng bảo tồn vốn quan họ cổ quê hương. Vì lớp học hoàn toàn miễn phí nên những học viên đăng ký rất đông, việc tuyển chọn học viên cũng không hề đơn giản, phải tìm được những em “có duyên” với quan họ thì sau này mới trở thành tài năng thật sự. Theo bà Thềm, quan họ rất dễ hát nhưng không phải ai cũng có thể hát được, phải có đam mê, theo đuổi nó đến cùng thì mới mong thành tài được.
Ươm mầm những tài năng
Nghệ nhân Nguyễn Thị Sang cho biết: “Trong lớp học 50 em hiện nay thì khoảng 10 em thực sự có triển vọng và tài năng, các em thay nhau biểu diễn vào các dịp có đoàn khách về thăm”. Đặc biệt, trong lớp học của hai nghệ nhân này, có ba em học sinh mới 8 tuổi nhưng đã có ba năm theo học ở lớp. Đã có nhiều tài năng quan họ trưởng thành từ lớp quan họ cổ làng Diềm như em Nguyễn Thị Huyền đang theo học ở Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội; em Nguyễn Thị Vân, Nguyễn Thị Vy, Nguyễn Thị Thu học tại Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Bắc Ninh… Em Nguyễn Thị Quỳnh Mai được các nghệ nhân đánh giá rất cao vì em thể hiện được những tố chất của người quan họ dù mới ở tuổi 16. Nghệ nhân Sang bật mí rằng em tiếp thu bài rất tốt, giọng la giằng hồi xưa học mấy tuần thì bây giờ nhiều em chỉ mất có 2 đến 3 tối là hát thành thục được. Tuy nhiên, theo như lời nghệ nhân Sang thì việc duy trì lớp học đang ngày một khó khăn. “Người học mãi mà không được sử dụng cũng chán. Chỉ khi có các đoàn khách du lịch về thăm hoặc hội làng hằng năm thì những liền anh liền chị này mới có cơ hội thay nhau biểu diễn” – nghệ nhân Sang chia sẻ.
Để duy trì, bảo tồn và phát triển làn điệu dân ca quan họ, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có văn bản chỉ đạo ngành văn hóa, thể thao và du lịch phối hợp với ngành giáo dục xây dựng kế hoạch đưa dân ca quan họ vào giảng dạy trong các trường học từ năm học 2011-2012.
Hoàng Tuân
Ở lớp quan họ này, các em không chỉ được học về ca từ giọng điệu mà còn được dạy nét thanh lịch, tế nhị trong văn hóa giao tiếp của người quan họ.

 

Bình luận (0)