Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

TP.Hồ Chí Minh đầu tư xe buýt nhiên liệu sạch: Ưu đãi DN nhà nước, lờ DN tư nhân?

Tạp Chí Giáo Dục

Sau một năm cùng đưa xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch – khí nén thiên nhiên (CNG) – vào chạy thử nghiệm, nhưng chỉ mỗi doanh nghiệp vận tải nhà nước được ưu ái cho hưởng những chính sách ưu đãi về lãi suất vay bằng 0% trong 10 năm, miễn thuế nhập khẩu để đầu tư thêm 21 xe buýt CNG mới.
Trong khi đó, đến nay đơn vị vận tải tư nhân thì lại chẳng được gì, dù rằng họ muốn đầu tư xe buýt CNG, để thay thế xe buýt chạy bằng dầu diesel đã cũ rệu.

Xe buýt CNG tiết kiệm 30% chi phí

Từ khoảng giữa năm 2010, TPHCM đưa vào chạy thử nghiệm 2 chiếc xe buýt CNG, một chiếc do Cty TNHH một thành viên xe khách Sài Gòn (Saigon Bus) đảm nhận, chiếc còn lại được một đơn vị tư nhân là Liên hiệp HTX vận tải TPHCM đảm nhận. Sau hơn 1 năm chạy thử nghiệm, các đơn vị đánh giá cao hiệu quả của xe buýt CNG.
Cụ thể, trong quá trình hoạt động xe buýt chạy bằng CNG hạn chế phát khí thải, nhất là một số khí thải độc hại cho môi trường. Đặc biệt, chi phí khai thác của xe buýt CNG chỉ bằng 70% xe buýt chạy dầu diesel – tức tiết kiệm khoảng 30% chi phí nhiên liệu so với xe buýt chạy bằng dầu. Do vậy, TPHCM có định hướng đầu tư thay thế dần phương tiện xe buýt cũ đang xuống cấp bằng những loại xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch thân thiện với môi trường như loại xe buýt CNG.

Xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch CNG được Saigon Bus đầu tư. ảnh: L.Đ

Sau bước thử nghiệm, hiện Saigon Bus đã đầu tư mua mới thêm 21 xe buýt CNG (mỗi xe trị giá khoảng 2,4 tỉ đồng), dự kiến đưa vào hoạt động vận chuyển hành khách trên tuyến Sài Gòn – Bình Tây từ ngày 19.8 tới. Theo Saigon Bus, việc đầu tư 21 xe buýt CNG này, được thành phố hỗ trợ lãi suất vay bằng 0% trong thời gian 10 năm và được miễn thuế nhập khẩu.
Ngược lại, cùng đưa xe buýt CNG vào chạy thử nghiệm gần 1 năm nay và hiện cũng đang có nhu cầu đầu tư thêm 20 xe buýt CNG thay thế những xe buýt đang xuống cấp trong năm 2011, song Liên hiệp HTX vận tải thành phố lại không được ưu đãi gì.

Ưu đãi chưa sòng phẳng

Theo phân tích của các đơn vị vận tải xe buýt, với mức ưu đãi lãi suất vay bằng 0% trong thời gian 10 năm (trong khi lãi suất vay thực tế hiện hơn 20%) và miễn thuế nhập khẩu (khoảng 80%), Saigon Bus được lợi rất nhiều. Giá đầu tư mỗi xe buýt CNG khoảng 2,4 tỉ đồng (tổng cộng đầu tư 21 xe), nếu chỉ tính riêng phần lãi suất vay, mỗi năm doanh nghiệp có lợi đến 480 triệu đồng/xe (khoảng 10 tỉ đồng/năm/21xe).
Việc thành phố có chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp vận tải đầu tư phương tiện, nhất là phương tiện chạy bằng nhiêu liệu sạch thay thế xe buýt cũ là điều cần thiết. Tuy nhiên, điều đáng nói là chính sách ưu đãi này chỉ mới dừng lại ơ DN vận tải của Nhà nước.

Biết rằng, khó có thể được hưởng các chính sách ưu đãi như doanh nghiệp nhà nước nên Liên hiệp HTX vận tải xe buýt chỉ dám đề xuất cho các xe buýt CNG của đơn vị vận tải này, được hưởng định mức, đơn giá chi phí bằng định mức, đơn giá chi phí của xe buýt chạy bằng dầu diesel trong 5 năm – tức hưởng 30% phần chênh lệch chi phí giữa dầu diesel và khí CNG. Sở GTVT cũng đồng tình với đề xuất của Liên hiệp HTX vận tải thành phố. Thế nhưng, đơn vị tham mưu cho UBND TPHCM là Sở Tài chính thì lại có văn bản cho rằng, đề xuất của Liên hiệp HTX vận tải là chưa phù hợp.

Theo ông Phùng Đăng Hải – Tổng GĐ Liên hiệp HTX vận tải TPHCM – so với những ưu đãi về lãi suất vay và miễn thuế nhập khẩu cho Saigon Bus, thì việc Liên hiệp HTX xin hưởng chênh lệch 30% chi phí nhiên liệu chẳng thấm vào đâu. Hiện mỗi xe buýt chạy dầu diesel loại 80 chỗ, mỗi ngày tốn khoảng 1,5 triệu đồng nhiên liệu, nếu sử dụng xe buýt CNG sẽ tiết kiệm được 30%, tương đương 450.000 đồng/ngày/xe (164 triệu đồng/năm).
“Chúng tôi xin hưởng chênh lệch nhiên liệu 30% chỉ trong vòng 5 năm, nhằm khuyến khích các xã viên mạnh dạn tự bỏ tiền đầu tư phương tiện xe buýt nhiên liệu sạch (không cần ưu đãi lãi suất vay, miễn thuế nhập khẩu). Nếu không chấp thuận, chúng tôi đành vẫn chạy xe buýt cũ sử dụng dầu như hiện nay và thành phố vẫn phải bù chi phí định mức, đơn giá nhiên liệu dầu 100%” – ông Phùng Đăng Hải giải thích.
Ông Phùng Đăng Hải – Tổng GĐ Liên hiệp HTX vận tải TPHCM – cho rằng, hiện quyết định cuối cùng vẫn chờ UBND thành phố. Ngoài phương án xin hưởng phần chênh lệch 30% trong 5 năm, liên hiệp cũng đề xuất phương án được hưởng mức ưu đãi lãi suất như Saigon Bus khi đầu tư xe buýt CNG, tuy nhiên các xã viên sẵn sàng trả trước 30% khi đầu tư, 70% số tiền còn lại sẽ trả chậm.

Trần Phan

Theo Lao Động

 

Bình luận (0)