Giá rẻ và "chiều khách", công nghệ Trung Quốc chiếm lĩnh thị phần DN vừa và nhỏ ở Việt Nam. Nhưng để tạo sức bật phát triển, DN nên thận trọng với công nghệ rẻ, chất lượng thấp.
Sau một chuyến khảo sát thị trường Trung Quốc cùng với nhiều Doanh nghiệp nhỏ và vừa, một quan chức Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), cho biết: rất nhiều DN đi cùng đoàn đã đạt được mục tiêu mong muốn là tìm cho mình những dây chuyền công nghệ phù hợp và nguồn cung cấp nguyên liệu cho mình.
Đâu là điểm dừng trước sức hấp dẫn của công nghệ Trung Quốc giá rẻ?
Các DN đã chia sẻ: đây là nguồn cung cấp phù hợp và có hiệu quả cho các DN nhỏ và vừa. Tính riêng kết quả chuyến đi đã có một báo cáo thành công, nhưng nhìn vào sự phát triển dài hạn, vị quan chức không biết nên vui hay nên buồn.
Thích kiểu gì, "chiều" kiểu ấy
Cách đây hơn 5 năm, khi Bắc Ninh quyết định thành lập KCN làng nghề tại làng giấy Yên Phong, hàng loạt hộ sản xuất lớn đã phải tính đến chuyện lập DN, xây nhà máy để sản xuất, từ bỏ sản xuất thủ công truyền thống.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là vốn và chọn công nghệ phù hợp. Nếu dùng công nghệ Âu – Mỹ thì quá đắt và không có những dây chuyền nhỏ cho các nhà máy ở làng nghề.
Trong lúc đó, một nhà sản xuất dây chuyền chế biến giấy của Trung Quốc đã sang chào hàng ở Việt Nam. Nhận thấy có nhiều công nghệ phù hợp, một số người đã sang Trung Quốc để đặt hàng.
Tại các cơ sở sản xuất của Trung Quốc, các DN Việt Nam được đáp ứng tất cả các yêu cầu về dây chuyền: đặt cả dây chuyền, đặt một phần và thậm chí cùng một loại dây chuyền nhưng có nhiều loại giá khác nhau… đều xong hết.
Trong số các DN đặt dây chuyền công nghệ Trung Quốc có cả những DN giấy lớn nhất KCN làng nghề hiện nay. Đến nay, các DN này thừa nhận, chính nhờ công nghệ rẻ và phù hợp này mà họ mới có thể chuyển đổi thành các DN quy mô và sản xuất theo công nghiệp.
Đến nay, khi đã phát triển lên một quy mô mới, nhiều DN nơi đây đều thống nhất: tiếp tục dây chuyền Trung Quốc vì giá rẻ, dễ sửa chửa và cải tạo.
Đặc biệt, với đầu tư ban đầu thấp nên các DN giảm được gánh nặng đầu tư ban đầu, quay vòng vốn và thu lãi nhanh. Tính ra có lời hơn.
Trong khi đó, một DN nhỏ ở Nam Định có nhu cầu đặt làm các loại máy cán thép từ các cỡ lớn xuống cỡ nhỏ hơn để làm thép gai và hàng rào…
Nếu mua của châu Âu sẽ vừa đắt lại hiếm, còn đi đặt hàng các cơ sở trong nước thì cũng được nhưng phải chờ những gần 1 năm và giá cũng khá cao.
Vì thế, DN này cử một chuyên viên công nghệ sang Trung Quốc để tìm hiểu. Chỉ sau 1 tuần đã báo tìm được công nghệ phù hợp, giá rẻ hơn cả thuê chế tạo trong nước, có thể lắp đặt ngay…
Hơn thế, nhà cung cấp còn chấp nhận cải tạo để sử dụng lại một phần những thiết bị cũ hoặc sẵn có trong nước.
Không chậm trễ, DN này đã nhập ngay dây chuyền về sản xuất. Đồng thời, mời các nhà chế tạo trong nước đến xem xét về khả năng cùng hợp tác cải tạo cho phù hợp hơn.
Ông chủ DN này cho biết, các nhà sản xuất dây chuyền Trung Quốc sẵn sàng cung cấp bất cứ thứ gì, theo bất cứ mẫu mã và yêu cầu nào, số lượng và giá cả lại rất linh hoạt… đó là điều rất phù hợp với các DN nhỏ vốn ít, cạnh tranh bằng giá rẻ.
Không chỉ các DN làng nghề, DN quy mô nhỏ mà ngay cả những DN có quy mô lớn thì dây chuyền Trung Quốc cũng là một lựa chọn.
Một DN bánh kẹo có tiếng mới được cổ phần hóa ở Hà Nội cho biết, đa số dây chuyện sản xuất của họ đang dùng đều từ Trung Quốc.
Theo DN này, thì điểm quyết định khi lựa chọn công nghệ Trung Quốc là giá rẻ, dễ dàng trong cải tiến và bảo hành. Dù đã lựa chọn những công nghệ khá có chế độ bảo hành tốt thì mức đầu tư cũng chỉ 50 – 70%, thậm chí thấp hơn so với mua từ Âu – Mỹ… trong khi chất lượng sản phẩm gần tương đương.
Trong quá trình vận hành, việc bảo dưỡng, thay thế, cải tiến đều rất dễ dàng, các chuyên gia của nhà cung cấp luôn sẵn có ở Việt Nam và không đòi hỏi nhiều về điều kiện đi lại, ăn ở… Chi phí giảm giúp DN có lợi thế để cạnh tranh tốt hơn.
Điểm dừng ở đâu?
Thừa nhận những lợi thế bước đầu khi sử dụng dây chuyền công nghệ Trung Quốc tạo ra cho DN. Tuy nhiên, lãnh đạo DN bánh kẹo này cho biết, tới đây, DN sẽ mở thêm một nhà máy mới ở miền Trung , vẫn "chiến lược" công nghệ Trung Quốc.
Tuy nhiên, ở nơi sản xuất chính, để chuẩn bị cho việc sản xuất một số loại bánh tươi cao cấp tiêu thụ nội địa và xuất khẩu thì DN lại chuyển hướng dần sang các công nghệ cao hơn từ các nước tiên tiến.
Đại diện DN cho biết, bước đầu những bộ phần điều khiển tự động, những công đoạn quyết định về chất lượng và độ an toàn vệ sinh sản phẩm sẽ thay thế dần bằng công nghệ từ châu Âu. Bây giờ DN đã đủ lực để chọn những công nghệ tốt, dù đắt nhưng đổi lại giảm thiểu được nhân công, gia tăng được uy tín.
Trước kia không bao giờ DN dám nói về dây chuyền của mình, nhưng bây giờ trong lời quảng cáo đã tự tin giới thiệu về công nghệ Âu – Mỹ tiên tiến đang được áp dụng.
Lãnh đạo DN này nói rằng, ví dụ điển hình cho thấy, trước đây, xi măng lò đứng với dây chuyền chủ yếu từ Trung Quốc một thời thịnh hành và có những hiệu quả và giá trị trong một giai đoạn nhất định. Đến nay thì phải phá bỏ. Điều này cũng cho thấy, dây chuyền Trung Quốc giá rẻ cũng sẽ có lợi thế nếu biết tận dụng.
Tuy nhiên, nếu có lực thì nên đi thẳng vào công nghệ cao thì con đường sẽ ngắn hơn và nhanh hơn. Đó cũng giống như nhà nghèo thì tích cóp làm nhà từ nhỏ rồi đến lớn; anh có tiền thì làm biệt thự từ đầu.
Đề cập đến vấn đề này, chuyên gia từ Vụ Khoa học – Công nghệ, Bộ Công thương cho rằng: DN là người tự chủ và họ biết lựa chọn công nghệ và quyết định đầu tư hợp với khả năng tài chính và có hiệu quả lợi nhuận cao nhất. Công nghệ Trung Quốc, nhất là công nghệ giá rẻ, sẽ phù hợp với nhiều DN nhỏ trong quá trình chuyển đổi.
Song, sẽ khó thành công mãi với công nghệ giá rẻ. Vấn đề là DN biết chọn cái gì và thời điểm nào cho sự chuyển đổi phù hợp nhất.
Trao đổi mới đây về vấn đề này, TS.Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng, Trung Quốc đã thành công với vai trò công xưởng của thế giới, nơii sản xuất hàng giá rẻ của thế giới.
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đang có những mũi nhọn vượt lên đỉnh thành công của thế giới để mở ra một giai đoạn chuyển đổi mới cho kinh tế.
"Việt Nam có thể học các nước, nhập khẩu từ các nước, kể cả Trung Quốc. Nhưng nếu chúng ta chỉ đi theo và không có sự lựa chọn và ganh đua thì khó cạnh tranh được trên toàn cầu" – theo ông Thiên.
Trở lại câu chuyện xi măng lò đứng, công nghệ đó đã phát huy hiệu quả trong giai đoạn đất nước đang thiếu xi măng trầm trọng. Đến nay, Việt Nam đã chuyển đổi thành công với hầu hết các nhà máy công nghệ tiên tiến châu Âu. Không chỉ có sản phẩm tốt, bảo vệ môi trường mà tính chuyện xuất khẩu cũng dễ dàng.
Trong khi đó, câu chuyện của ngành công nghiệp xe máy lại là một chuyện buồn: thời kỳ phát triển rầm rộ, hàng trăm DN đã nhập khẩu và lắp ráp xe máy Trung Quốc mà không đầu tư và nghiên cứu phát triển.
Đến nay, khi làn sóng xe "Tàu" xẹp xuống thì công nghiệp xe máy Việt Nam cũng thảm thương khi chỉ còn vài DN tồn tại một cách khó nhọc. Thị trường trong nước để mặc cho nhà sản xuất ngoại tung hoành.
Nguồn: Diễn đàn Kinh Tế Việt Nam
Bình luận (0)